Học viên học tiếng Anh tại Học viện Yola |
Giành được học bổng đi du học là mơ ước của nhiều bạn trẻ và cũng là niềm tự hào cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, các bạn phải trải qua một quá trình học tập, phấn đấu lâu dài và có kế hoạch “đầu tư” đúng hướng cho quá trình “săn” học bổng.
Nộp đầy đủ các bản sao văn bằng chứng chỉ
Nam Lê, cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Macalester (Mỹ) cho biết: Những trường, tổ chức cấp học bổng đều có mẫu đơn đăng ký. Ứng viên (ƯV) nên vào trang web của các trường và các tổ chức này vừa để kiểm tra độ chính xác của thông tin, vừa tải mẫu hồ sơ quy định. Mẫu đơn xin học bổng thường đòi hỏi phải cung cấp chi tiết thông tin về bản thân như địa chỉ liên lạc, học vấn, địa vị cá nhân, kế hoạch học tập, nghiên cứu trong tương lai, dự án, ý tưởng nghiên cứu… Nếu làm thỏa mãn yêu cầu của đối tác bằng cách điền đầy đủ thông tin vào những mục yêu cầu trong mẫu đơn, ƯV sẽ ghi được điểm đầu tiên. “Một chia sẻ nhỏ là ƯV nên nộp hồ sơ càng sớm càng tốt vì điều này thể hiện sự khát khao và nghiêm túc của bạn để được vào trường ĐH, CĐ đó”, Nam Lê nói.
Ngoài ra, Nam Lê cũng “bật mí” thêm: Bản sao các văn bằng chứng chỉ được xem là “vật chứng” thuyết phục nhất trong bộ hồ sơ của ƯV. Không những thế, đó còn là cơ sở giúp họ hình dung được phần nào về năng lực của ƯV, kết quả học tập, đã tốt nghiệp các khóa học nào? Tùy theo yêu cầu của mỗi trường, bạn phải cung cấp các giấy tờ về quá trình học tập như bằng tốt nghiệp, bảng điểm… hoặc cho dù đơn vị xét duyệt học bổng không đòi hỏi thì ƯV vẫn nên gửi kèm bản sao của các văn bằng chứng chỉ mình có để giúp họ thấy những điều mà bạn nói hoàn toàn có cơ sở.
Thư giới thiệu: Bám sát tiêu chí cấp học bổng
Hầu hết những đơn vị cấp học bổng đều đòi hỏi ƯV phải có thư giới thiệu của người thân hoặc người quen biết bạn bởi họ muốn biết đánh giá khách quan của những người xung quanh về ƯV. Tất nhiên, những đánh giá này chưa thể đầy đủ về tính cách và năng lực một con người. Nhưng, điều này phần nào giúp họ biết sơ qua về điểm mạnh – yếu của người mà họ sẽ đầu tư để đánh giá xem có phù hợp với tiêu chí cấp học bổng hay không. Huỳnh Mai, SV năm 2 Trường ĐH Columbia (Mỹ) cho rằng: ƯV xin học bổng nên cân nhắc khi chọn người viết thư giới thiệu vì đây là những người sẽ giúp khẳng định ưu điểm và năng lực của bạn. Người giới thiệu nên là người tiếp xúc nhiều với bạn trong công việc và có thời gian quen biết tương đối dài, như vậy sẽ có tính thuyết phục cao. Tốt nhất nên nhờ một người là thầy cô đã từng dạy bạn, hoặc một số chuyên gia trong lĩnh vực mình xin học bổng viết giúp một lá thư giới thiệu. “Nếu bí quá, bạn cũng có thể vận động người thân viết thư giới thiệu theo cách: Người thân (bố, mẹ, anh em hoặc bạn bè) đánh giá như thế nào về những điểm yếu của bạn? Thư giới thiệu nên bám sát vào tiêu chí cấp học bổng, do vậy ƯV cần định hướng cho người viết thư nên giới thiệu mình tập trung vào những lĩnh vực cần thiết”, Huỳnh Mai cho biết.
Chứng minh: Tôi là người phù hợp
Rất nhiều ƯV thường ngại ngần khi viết luận, nhất là bằng ngoại ngữ. Nhưng thực tế lại cho thấy, những bài luận bằng ngoại ngữ ấn tượng là điều được nhiều đơn vị cấp học bổng cực kỳ chú ý và coi đó là yếu tố rất quan trọng trong việc đánh bại những ƯV khác khi xin học bổng. Có nhiều tiêu chí để đánh giá thế nào là một bài luận tốt, nhưng theo Vân Anh, SV Trường ĐH Adelaide (Úc), ƯV nên trình bày vấn đề mình lựa chọn trong bài luận một cách khoa học. “Bài luận trong hồ sơ xin học bổng càng ấn tượng sẽ càng tốt. Đừng viết quá số từ cho phép. Nếu đã hết mức giới hạn từ mà bạn vẫn chưa diễn tả hết ý thì hãy tìm cách rút ngắn các câu văn. Phần tự luận là nơi để bạn thể hiện bản lĩnh, thuyết phục hội đồng xét học bổng vì sao bạn xứng đáng; nếu bạn được nhận học bổng để theo đuổi nội dung muốn học/ nghiên cứu thì sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước bạn, cho nước Úc và rộng hơn là cho cộng đồng quốc tế; bạn có những ưu điểm, tố chất gì để đảm bảo hoàn thành khóa học và phát huy những điều sẽ được học. Tùy theo từng vấn đề và lĩnh vực xin học bổng mà ƯV có thể viết một hoặc hai bài luận”, Vân Anh chia sẻ.
Trong khi đó, Dũng Trần – SV Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) – cho biết kinh nghiệm làm nổi bật mình trong vòng phỏng vấn là tập trung vào ba vấn đề: Nguyên nhân theo đuổi ngành học này, mục tiêu sự nghiệp lâu dài và nếu nhận học bổng thì nó có vai trò, ý nghĩa như thế nào với sự phát triển nghề nghiệp của mình. “ƯV cần nhấn mạnh vào những điểm mạnh của mình phù hợp với yêu cầu khóa học, không cần đề cập những ưu điểm mà khóa học không hướng tới. Khi nói về lý do đưa bạn đến sự lựa chọn ngành này thì nên là sự đam mê chứ không phải “vì ngành này nhiều tiền, dễ xin việc, ngành thời thượng”. Thay vào đó, ƯV phải làm nổi bật vấn đề khóa học này sẽ giúp bạn thực hiện mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai như thế nào, đóng góp cho cộng đồng xã hội khi mình làm việc trong ngành đó ra sao. Điều này sẽ giúp bạn chứng minh với đơn vị cấp học bổng rằng: Tôi là người phù hợp”, Dũng Trần khẳng định.
Bài, ảnh: Huyền Linh
Bình luận (0)