Thị trường lao động sẽ tiếp tục thiếu hụt đội ngũ quản lý, nhất là các chức danh giám đốc bán hàng, tiếp thị, tài chính..
Việc thiếu hụt nhân lực đã khiến thị trường lao động xảy ra tình trạng giành giật nhân lực lẫn nhau. Qua kết quả khảo sát, tỉ lệ nhân viên nghỉ việc trung bình là 15,6% (tăng 3,3% so với năm trước).
Ngày 2-10, Công ty Cổ phần Kết nối Tài năng (Talentnet Corporation) và Mercer công bố kết quả khảo sát lương và phúc lợi năm 2008. Trước đó, vào cuối tháng 9, Navigos Group cũng đã công bố kết quả khảo sát lương 2008 trên thị trường. Từ những kết quả khảo sát trên, dự báo về thị trường lao động trong năm 2009 đã hé mở với những biến động nguồn nhân lực hiện nay.
Mức tăng lương cao nhất
Kết quả khảo sát lương từ Talentnet và Mercer tiến hành trên 193 công ty với 45.045 nhân viên ở các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ, thương mại, dược, dầu khí, tài chính – ngân hàng, công nghệ cao, ngành hàng tiêu dùng… cho thấy, lương trên thị trường tăng bình quân 15%. Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talentnet Corporation, cho biết đây là mức tăng lương cao nhất trong vòng 3 năm qua. Việc tăng lương cho thấy các doanh nghiệp (DN) đã chú trọng hơn về lương bổng cũng như những chính sách phúc lợi để giữ người trong thời điểm nguồn nhân lực có chất lượng đang tiếp tục khan hiếm.
Còn theo kết quả khảo sát lương của Navigos, mức lương năm 2008 tăng bình quân 19,5%, cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Bà Winnie Lam, Giám đốc bộ phận tư vấn nhân sự Navigos Group, nhận xét: Khối DN Việt Nam dẫn đầu với mức tăng 20,2%. Điều này cho thấy các công ty trong nước đã có cái nhìn khác về việc trả lương. Nhiều DN tham gia khảo sát cho biết đã phải điều chỉnh lương nhiều lần trong năm để bù lạm phát và giúp nhân viên yên tâm làm việc.
Tiếp tục khan hiếm nhân lực quản lý
Lý giải cho sự tăng, giảm lương ở các ngành nghề, bà Tiêu Yến Trinh cho rằng: “Năm nay hàng loạt dự án về dầu khí đầu tư vào Việt Nam gây ra sự thiếu hụt về nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật. Việc tăng lương để thu hút người giỏi là điều không thể tránh khỏi. Riêng lĩnh vực công nghệ cao, các DN chịu sự chi phối về lương theo vùng nên khó có thể tăng riêng ở thị trường trong nước”.
Tình trạng thiếu hụt nhân lực quản lý vốn xảy ra từ nhiều năm trước lại tái diễn trong năm nay. Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2008, việc thiếu hụt nhân lực không chỉ tập trung ở các cấp quản lý, lãnh đạo mà còn thiếu ở cấp chuyên viên. Điều này thể hiện khá rõ qua kết quả của Mercer: Lương tăng cao nhất là ở cấp lãnh đạo với 15,6%, kế đến là cấp quản lý: 15,4%, chuyên viên khối văn phòng: 15,3% và chuyên viên khối kinh doanh: 14,8%. Theo bà Nguyễn Hoa, phụ trách bộ phận khảo sát lương và phúc lợi của Talentnet, việc tăng lương cao ở các vị trí này đồng nghĩa với việc các DN đang thiếu hụt nhân lực.
Gia tăng tình trạng “nhảy việc”
Việc thiếu hụt nhân lực đã khiến thị trường lao động xảy ra tình trạng giành giật nhân lực lẫn nhau. Qua kết quả khảo sát, tỉ lệ nhân viên nghỉ việc trung bình là 15,6% (tăng 3,3% so với năm trước). Bà Nguyễn Hoa nhấn mạnh: 90% trong tổng số nhân viên nghỉ việc đều là tự nguyện. Lý do khiến họ ra đi là muốn tìm môi trường làm việc tốt hơn với nhiều chính sách và mức lương ưu đãi hơn. Còn bà Winnie Lam lại cho rằng có được thu nhập tốt để bảo đảm chất lượng cuộc sống là đòi hỏi chính đáng của các ứng viên. Vì thế, họ có quyền đề nghị mức lương, thưởng và phúc lợi cao hơn. Nếu các DN không đáp ứng được, nhân viên ra đi là điều dễ hiểu.
Theo dự báo của các công ty tư vấn nguồn nhân lực, trong năm 2009, thị trường lao động sẽ tiếp tục thiếu hụt đội ngũ quản lý; nhất là các chức danh giám đốc bán hàng, tiếp thị, tài chính… Tình trạng thiếu hụt nhân lực cùng với sự đầu tư, mở rộng của các DN trong thời gian tới sẽ khiến thị trường lao động tiếp tục căng thẳng. Bà Siew Khim, phụ trách khối sản phẩm giải pháp nhân sự của Mercer khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khuyến cáo: Các chủ DN sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý với chi phí ngày càng tăng. Vì vậy, việc tìm hiểu và so sánh lương trong lĩnh vực, ngành nghề là điều mà họ cần thực hiện nhằm tối đa hiệu quả hoạt động và bảo đảm vị thế cạnh tranh cũng như nhân lực trong tình hình hiện nay.
Dầu khí, tài chính: Lương cao nhất Trong năm 2008, dầu khí và tài chính là những lĩnh vực có mức tăng lương cao nhất. Nếu dầu khí có mức tăng lương là 19,2% thì ngân hàng cũng đạt 19%. Trong khi đó, công nghệ cao vốn có mức tăng cao ở những năm trước thì năm nay lại có mức tăng lương thấp nhất với 12,1%. Còn kết quả khảo sát của Navigos Group cho thấy tài chính cũng là ngành dẫn đầu về mức tăng lương với 31,6%, trong khi nhóm dịch vụ giao nhận, vận tải có mức tăng lương thấp nhất: 9,6%. (Nguồn: Tổng hợp từ các kết quả khảo sát) |
Huỳnh Nga (nld)
Bình luận (0)