Tiếp nối hiệu quả về công tác lập lại trật tự lòng lề đường mang tính chiến lược ở quận 1, các quận huyện khác trên địa bàn TP cũng đã có những dấu hiệu thay đổi đáng mừng. Những sáng kiến cũng như phương cách thực hiện linh động không chỉ làm thay đổi diện mạo phố phường, mà còn tác động tích cực đến ý thức của người dân.
Lề đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) đã thông thoáng và an toàn cho người bộ hành |
Nhiều sáng kiến hay, thiết thực
TP.HCM hiện có gần 2.300 tuyến đường với chiều dài gần 2.000km có vỉa hè. Trong đó, có gần 800 tuyến có vỉa hè rộng trên 3m, gần 1.500 tuyến có vỉa hè hẹp hơn 3m. Vi phạm trật tự lòng lề đường do buôn bán hàng rong, tụ tập ăn uống, xả rác làm mất mỹ quan, chạy xe lên vỉa hè gây nguy hiểm cho người đi bộ… đang dần được khắc phục nhờ những sáng kiến và cách thực hiện linh động, thiết thực.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, việc triển khai lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè được người dân ủng hộ, hợp tác và chia sẻ. Qua đó đã tạo niềm tin, động lực để các cấp chính quyền tiếp tục thực hiện công tác này một cách quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. |
Một trong những sáng kiến được người dân ủng hộ cao là việc lắp đặt hàng rào sắt tạo lối dành riêng an toàn cho người bộ hành, khắc phục triệt để tình trạng bán hàng rong trên vỉa hè tại lề đường Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) và Công viên Phú Lâm (quận 6). Cụ thể, ở Bệnh viện Chợ Rẫy, hàng rào sắt kiên cố được lắp đặt trên toàn diện tích vỉa hè từ cổng số 1 đến cổng số 2 (đường Nguyễn Chí Thanh) và từ cổng số 2 dài suốt đến cổng số 3 (Nguyễn Chí Thanh dẫn sang đường Thuận Kiều). Phía bên trong hàng rào sắt được lắp đặt thêm hàng rào sắt ở giữa chia thành hai phần riêng biệt, một bên là lối đi bộ an toàn, thông thoáng cho người bộ hành, phần còn lại làm chỗ giữ xe vì bãi giữ xe trong sân bệnh viện vốn đã quá tải bao lâu nay. Hàng loạt biển tuyên truyền với nội dung “cấm tụ tập, tiểu tiện phóng uế, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, mua bán hàng hóa” cũng được treo ở đây nhằm nhắc nhở người dân. Đặc biệt, UBND quận 5 đã hoán đổi nhân sự lực lượng trật tự đô thị, tránh tình trạng nhân viên chùn tay khi xử lý người vi phạm trên địa bàn phụ trách lâu năm. Tương tự như Bệnh viện Chợ Rẫy, hàng rào sắt dài khoảng 800m dọc vỉa hè Công viên Phú Lâm, trên đường An Dương Vương (phường 13, quận 6), được lắp từ ngã tư An Dương Vương – Kinh Dương Vương đến ngã ba An Dương Vương – Lê Tuấn Mậu đã phát huy hiệu quả. Ông Huỳnh Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 6 cho biết, trước Tết vỉa hè công viên được nâng cấp sạch đẹp cũng là lúc hàng rong lấn chiếm tấp nập. Sau khi phường lắp đặt hàng rào thì tình trạng này đã được chấn chỉnh. Nếu mô hình này mang tính khả thi, chính quyền phường sẽ nhân rộng thêm nhiều khu vực khác trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Sáu (ngụ 890 Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9) làm nghề bán ve chai ở khu vực quận 6 trong gần 20 năm cho biết, dù đã chuyển sang ở quận khác nhưng mỗi ngày bà vẫn đi xe buýt đến công viên để lấy xe đi làm. Bà nói: “Hàng rào hiệu quả, dẹp hết các thứ hàng rong như giày dép, nón mũ, thức ăn, để người dân không còn phải đi bộ dưới lòng đường nguy hiểm là lợi ích lâu dài cho mọi người. Chính quyền quận 9 cũng đang ra quân ráo riết và xử lý rất nghiêm minh, nhưng nếu cũng làm được như ở đây thì vấn đề bán hàng rong mới được khắc phục hiệu quả”.
Lối dành cho người đi bộ trước cổng số 2 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) |
So với quận 5 và quận 6, các địa bàn khác đã rất linh động trong việc lập lại trật tự lòng lề đường. Điển hình như lực lượng chức năng quận 3, trong những ngày qua đã tổ chức thành 3 ca sáng, chiều, tối nhằm ráo riết chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm trên hầu hết các tuyến đường thuộc địa bàn quận. Nhờ vậy, đa phần các hộ dân có hành vi lấn chiếm đã tự nguyện tháo gỡ các biển hiệu, công trình, sớm trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Trên địa bàn quận 7, lực lượng chức năng đã áp dụng tất cả biện pháp “lấy lại” vỉa hè cho người đi bộ, nhưng quan trọng là không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của các hộ dân. Ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, trong trường hợp hộ kinh doanh hoặc tuyến đường không có chỗ để xe, quận và phường sẽ tìm khu vực lân cận đó có chỗ đậu xe và giới thiệu cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn từng nhóm từ 3 đến 5 hàng quán, cửa hàng cùng thuê một bãi đất trống để có chỗ giữ xe cho khách. Bên cạnh đó, chính quyền quận còn vận động người dân thay thế các gờ dẫn xe cố định bằng khung sắt di động có độ vươn dài vừa phải không ảnh hưởng đến người đi bộ, đảm bảo mỹ quan đô thị và cung cấp mẫu gờ khung sắt di động gọn gàng, thẩm mỹ để người dân tham khảo, áp dụng. Quận còn tính toán đến việc mở khu vực buôn bán trước Khu chế xuất Tân Thuận để giúp người bán hàng rong có thể bán hàng theo các ca sáng, tối nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân.
Cũng nỗ lực như các địa bàn khác, chính quyền quận Bình Tân đã phát 2.146 bản cam kết, gửi hơn 1.000 tin nhắn qua điện thoại đến các hộ dân, tổ chức 1.511 lượt tuyên truyền lưu động, treo 126 băng rôn nhằm tuyên truyền, nhắc nhở những người vi phạm trả lại vỉa hè. Nhờ vậy mà lề đường ở các tuyến đường trọng điểm như Kinh Dương Vương, Tên Lửa, Vành Đai Trong… đã được trả lại thông thoáng, an toàn cho người bộ hành. Trên địa bàn quận Tân Bình, song song với việc xử lý, UBND quận xác định việc giúp người dân vốn mưu sinh nhờ vỉa hè ổn định cuộc sống là mục tiêu quan trọng. Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, để thực hiện mục tiêu này, quận đã sắp xếp khoảng 20 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được buôn bán tại khu vực chợ Phạm Văn Hai và sẽ tiếp tục rà soát, bố trí thêm một số điểm buôn bán theo cụm phường, nhằm tạo điều kiện cho người dân chỗ kinh doanh trong thời gian tới.
Góp phần xây dựng ý thức người dân
Vỉa hè Trường THCS Trần Phú (quận 10) không còn bị hàng rong lấn chiếm |
Có thể nói đây cũng là một trong những thành công khi TP triển khai chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường trong thời gian qua. Em Nguyễn Thái Nhất Huy, học sinh lớp 7/8, Trường THCS Trần Phú (quận 10) cho biết, vỉa hè và xung quanh trường em bây giờ rất sạch sẽ, vì các tiệm hàng rong bán trà sữa, xiên que, bánh mì thịt, bún mọc, súp cua, phở đã dọn đi hết. Huy nói: “Không còn hàng rong cũng tốt cho chúng em. Vì ăn hàng rong thì không đảm bảo cho sức khỏe, có khi làm ảnh hưởng đến việc học tập”.
Việc “dẹp loạn” hàng rong, lấn chiếm không chỉ tác động tới trẻ em, mà còn thúc giục “người lớn nhanh chóng vào nề nếp”. Chị Trần Thị Lý, trước đây bán bún bò ở lề đường trước nhà của người họ hàng (số 27C Bắc Hải, phường 15, quận 10). Hơn một tuần nay, chị đã thuê mặt tiền nhà này để tiếp tục công việc nuôi sống gia đình. “Biết là thuê nhà thì phải tốn tiền mặt bằng, nên thay vì trước đây chỉ bán buổi sáng, bây giờ vợ chồng tôi cố gắng bán cả ngày để lo chi phí tiền nhà mỗi tháng. Mỗi người góp sức một chút thì lề đường sẽ sớm thông thoáng và an toàn cho chính chúng ta”.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)