Hiện nay, có rất nhiều người lầm tưởng dạy học bằng giáo án điện tử đồng nghĩa với phương pháp giáo dục chủ động, giáo dục hiện đại, và nghĩ mình dạy học bằng giáo án điện tử đồng nghĩa với hiện đại. Suy nghĩ đó có đúng không?
Một tiết tập đọc của học sinh lớp 3/9 Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Giáo án điện tử của giờ học này có hình ảnh minh họa sinh động – Ảnh: N.HÙNG |
Giáo án điện tử, suy cho cùng, đó chỉ là một phương tiện giảng dạy với mục đích làm cho bài học sống động hơn, có nhiều ví dụ thực tế trực quan hơn, và nếu biết phát huy thì rõ ràng sẽ thu hút học sinh hơn.
Ví dụ, trong môn lịch sử, khi nói về Điện Biên Phủ, với giáo án điện tử, các học sinh được xem những hình ảnh, những phim tư liệu… nói về Điện Biên Phủ xưa và nay. Trong môn sinh vật, khi học về một loài động vật nào đó, các em được xem những hình ảnh trực quan về động vật đó… Có như thế giáo trình điện tử sẽ phát huy được ưu thế so với giáo án truyền thống.
Thế nhưng, nếu cho rằng giáo án điện tử là có thể thay thế tất cả thì đó lại là sai lầm. Giáo án điện tử chỉ phát huy tác dụng khi người sử dụng (người thầy) phải thật sự giỏi chuyên môn, kết hợp linh hoạt giữa hình ảnh và khả năng thuyết trình, gợi mở – năng lực làm chủ buổi thuyết giảng với sự tham gia tích cực của học sinh.
Một bài giảng có hay đến cỡ nào nhưng thiếu những ví dụ mang tính trực quan rõ ràng chưa đủ. Mặt khác bài giảng có đầy những hình ảnh trực quan, thế nhưng người thầy không đủ sức liên kết, khai thác một cách hợp lý các ví dụ ấy, nhiều khi học sinh còn rối thêm; chẳng hiểu bản chất của vấn đề mà chỉ thấy bề ngoài của những ví dụ trực quan một cách thoáng qua.
Một vấn đề khác cần đề cập đến, đó là năng lực hiểu biết thấu đáo về kỹ thuật trình chiếu. Một trong những nguyên tắc của trình chiếu PowerPoint là “8 x 8”. Có nghĩa là một khi sử dụng phương pháp trình chiếu khi thuyết giảng (trong điều kiện kích cỡ màn hình phổ thông như hiện nay là 2m x 2m) thì số lượng người tối đa không quá 64 người (8×8); màn hình không quá 8 dòng chữ, mỗi dòng không quá 8 từ.
Nguyên tắc này đảm bảo tất cả mọi người có thể nhìn rõ những gì diễn ra trên màn hình. Muốn như vậy, người thầy phải có khả năng khái quát các nội dung chủ yếu của bài học trước khi trình chiếu, tránh trường hợp đưa nguyên một trang Word lên màn hình với những dòng chữ li ti (đây là hiện tượng phổ biến hiện nay).
Ngoài ra, một hiện tượng phổ biến khác là khi người thầy giảng bài bằng giáo án điện tử thường đứng “chết” tại máy tính và hoàn toàn lệ thuộc vào nội dung giáo án. Đây là điều tối kỵ. Một buổi học sống động khi có sự kết nối giữa thầy giáo với học sinh. Việc đứng một chỗ rõ ràng làm hạn chế sự gần gũi giữa thầy và trò.
Người thầy chỉ nên sử dụng phương pháp trình chiếu khi cần thiết, không phải bài giảng nào cũng cứ chiếu hình.
Tôi đã từng học những người thầy, mặc dù không có giáo án điện tử, nhưng vẫn cuốn hút người học từ đầu đến cuối bằng lối thuyết trình hài hước, dí dỏm và những kiến thức rộng lớn. Thầy đọc thơ, kể những câu chuyện thực tế làm tôi cảm thấy sự kiện ấy hiển hiện ngay trước mắt.
Tôi cũng đã từng học các buổi học bằng phương pháp trình chiếu giáo án điện tử, có hình ảnh, có phim minh họa, nhưng thật sự học xong chẳng hiểu gì cả.
Tôi đã từng ước nếu kết hợp mặt tối ưu giữa hai phương pháp thuyết giảng nêu trên có lẽ tôi sẽ có một buổi học tuyệt vời.
Xin có vài lời chia sẻ.
NGUYỄN THANH NHỰT / TTO
Bình luận (0)