Một tiết học giáo viên sử dụng giáo án điện tử |
Thời gian gần đây với sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, chúng ta đã tiến hành phổ biến việc dạy học bằng giáo án điện tử. Ưu thế vượt trội của việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đưa đến những tiết học hấp dẫn, lôi cuốn và việc tiếp nhận kiến thức của học sinh tốt hơn. Đằng sau những tiết dạy bằng giáo án điện tử là nhiều giọt mồ hôi, những đêm dài thao thức của đội ngũ nhà giáo tâm huyết.
Từ thực tế soạn và dạy giáo án điện tử ở trường phổ thông hiện nay, chúng tôi xin nêu lên một số khó khăn mà giáo viên gặp phải khi sử dụng phương tiện hỗ trợ đắc lực này.
Chuẩn bị tốn kém và mất nhiều thời gian
Có thể nói đây là khâu vất vả nhất đối với giáo viên, nó có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của khâu soạn giáo án và tiến trình tiết học. Chúng ta biết rằng, ưu thế của việc sử dụng giáo án điện tử là việc chuyển tải dễ dàng, hiệu quả kênh hình. Vậy nhưng, để có được những thước phim tư liệu, những hình ảnh sinh động, những lược đồ, hình vẽ động là điều không dễ. Nó đòi hỏi giáo viên phải thành thạo kỹ năng tìm kiếm, download trên internet và khả năng sử dụng thành thạo một số phần mềm hỗ trợ – điều này không phải giáo viên nào cũng tiếp cận được. Khi đã có đoạn phim hay hình ảnh, lược đồ, hình vẽ thì việc lựa chọn, xử lí và sử dụng như thế nào giáo viên cũng gặp khó khăn. Nhiều giáo viên thích “khoe của” – tức là đưa tất cả những hình ảnh mình có vào bài giảng. Tôi đã từng dự giờ tiết 65, Ngữ văn lớp 10 (chương trình căn bản), bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn giáo viên đưa vào cả hình ảnh của Trần Quốc Tuấn được in trên đồng tiền của chính quyền cũ. Do tính chất khó khăn của khâu đầu tiên này nhiều giáo viên chấp nhận download giáo án trên mạng về sử dụng hoặc chỉnh sửa lại nhưng đa số những giáo án trên mạng đều sơ sài và không khoa học.
Cơ sở vật chất của nhà trường thiếu
Đây cũng là khó khăn ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của bài giảng điện tử. Đa số các trường phổ thông hiện nay (nhất là ở tỉnh) không có phòng nghe – nhìn. Mỗi tiết dạy giáo viên phải tự tính toán sắp xếp, bố trí lớp học sao cho thuận lợi nhất. Nhiều phòng học không có rèm che cửa gây tương phản cho màn hình. Trong điều kiện như vậy việc tiếp nhận kiến thức của học sinh bị hạn chế.
Chưa có hình thức giáo án thống nhất
Dù cho câu chuyện phấn trắng bảng đen hay giáo án điện tử không còn xa lạ với mọi người nhưng đến nay vẫn chưa có quy định thống nhất cho hình thức, nội dung của giáo án điện tử. Mỗi giáo viên phải tự tìm tòi giải đáp: Bao nhiêu kênh hình thì phù hợp? Dùng hiệu ứng như thế nào? Font chữ bao nhiêu, màu chữ thế nào? Có nên thoát hẳn phấn trắng bảng đen không?… Điều đó gây thêm khó khăn cho giáo viên và hạn chế hiệu quả của mỗi tiết dạy.
Giáo viên còn thiếu kỹ năng
Đa số giáo viên hiện nay chỉ mới dừng lại ở mức độ biết nên trong quá trình giảng dạy thường mất chủ động và giải quyết không hài hòa các mối quan hệ trong tiết học như: thầy – trò, thầy – máy, học sinh – màn hình. |
Việc biết soạn, biết trình chiếu và kỹ năng soạn, giảng dạy giáo án điện tử là khác nhau. Đa số giáo viên hiện nay chỉ mới dừng lại ở mức độ biết nên trong quá trình giảng dạy thường mất chủ động và giải quyết không hài hòa các mối quan hệ trong tiết học như: thầy – trò, thầy – máy, học sinh – màn hình… điều này thường gặp ở những giáo viên vừa ra trường.
Tóm lại, việc sử dụng giáo án điện tử đã đưa lại kết quả ban đầu khả quan. Nhưng qua thực tiễn chúng tôi thấy việc soạn và dạy đối với giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng mỗi tiết học. Mong muốn trong tương lại gần những khó khăn nêu trên sớm được quan tâm khắc phục để giáo viên yên tâm hơn với công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Trần Văn Giáp(Bình Định)
Bình luận (0)