Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giao ban các Sở GD-ĐT Đông Nam bộ: Tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động trong ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 2/12/2008, Hội nghị giao ban lần thứ I khu vực Đông Nam bộ năm học 2008 – 2009 đã được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Tây Ninh. Thứ trưởng Phạm Vũ Luận chủ trì hội nghị đã nhấn mạnh: Cần phải thực hiện tốt những gì mà toàn ngành đang ra sức thực hiện, cũng như tiếp tục giữ vững và đẩy mạnh những thành quả mà giáo dục các tỉnh Đông Nam bộ đã đạt được trong thời gian qua.

> Hội nghị giao ban lần thứ nhất cụm thi đua Bắc Trung bộ: Nhiều vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ năm học được tháo gỡ

Tại hội nghị giao ban, nhiều ý kiến băn khoăn về nguy cơ bệnh thành tích có thể quay lại. Ông Phan Châu Phi, GĐ Sở GD&ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu: “Việc đánh giá thực hiện “Hai không” như thế nào là đúng thực chất rất khó nói. Cần áp dụng “Hai không” mà vẫn giữ nghiêm được kỳ thi công bằng, đúng quy chế, thấy được sự vươn lên của các tỉnh thành…”. Tại hội nghị, một GĐ Sở GD&ĐT đã kể rằng: vì thực hiện nghiêm “Hai không”, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT của tỉnh đã “rớt” từ hơn 80% xuống khoảng 60%. Ngay lập tức, vị GĐ Sở GD&ĐT này bị lãnh đạo gọi lên và kiểm điểm! Đây là lý do chính khi có nhiều GĐ Sở GD&ĐT một số tỉnh tỏ ra lo ngại chuyện bệnh thành tích khi thực hiện “Hai không”. Bởi, ngoài việc chịu trách nhiệm trước Bộ GD&ĐT chuyện thành tích thực chất, con số thực chất, lãnh đạo Sở GD&ĐT còn phải chịu áp lực thành tích cao từ các cấp cao trong tỉnh.

Việc học sinh bỏ học do theo không kịp chương trình cũng diễn ra ở rất nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Đây là điều có thể tiên liệu trước, nhưng các tỉnh đều rất quyết tâm để thực hiện “Hai không” nghiêm túc theo đúng phát động của Bộ GD-ĐT. Ông Nguyễn Văn Hiến, GĐ Sở GD&ĐT Bình Thuận cho biết: “Theo thống kê, tỉ lệ học sinh THPT bỏ học của tỉnh là cao nhất (4,46%), trong khi ở cấp tiểu học là 0,11% và THCS là 3,6%. Nhưng việc hạn chế là việc lâu dài. Bình Thuận luôn ủng hộ làm thật tốt, thật nghiêm cuộc vận động”. Theo thống kê, tỉ lệ bỏ học tại một số tỉnh khác theo các cấp Tiểu học, THCS, THPT trong vùng là: Tây Ninh (0,04% – 0,15% – 3,1%), Bà Rịa-Vũng Tàu (0,47% – 0,32% – 0,32%), Ninh Thuận (0,21% – 0,87% – 1%)… Lý do: gia đình khó khăn, nhà ven biển, vùng sâu vùng xa, giáo viên người Kinh không hiểu tiếng dân tộc, khó khăn về giao tiếp… Đặc biệt, các tỉnh đều báo cáo việc không để học sinh ngồi nhầm lớp khiến tỉ lệ học sinh yếu kém tăng lên, dẫn đến tình trạng mất căn bản từ lớp dưới và thiếu ý thức cố gắng vươn lên, nên chán học, bỏ học.

Về việc “Kiên cố hóa trường lớp và xây nhà công vụ cho giáo viên”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã đi thực tế ở một số địa phương ở Tây Ninh. Thứ trưởng chỉ đạo: Cần phải chú ý đến tiến độ nhưng vừa phải chú ý đến chất lượng. Một số tỉnh xây nhà công vụ ngay trên thị xã, thị trấn sẽ không quyết toán. Báo cáo của các tỉnh về việc này quá chậm, không đáp ứng được yêu cầu, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Chính phủ. Thứ trưởng Phạm Vũ Luận đã đánh giá rất cao chất lượng nội dung buổi giao ban; đồng thời cũng ghi nhận một số bức xúc của Sở GD-ĐT các địa phương về các thông tư liên quan đến xã hội hóa, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, quy trình trang thiết bị trường học và cho biết sẽ có báo cáo, kiến nghị gửi trình lên Bộ trưởng.

Anh Tú

Theo Giáo dục & Thời đại

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)