Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giao biên chế nhưng địa phương không dám tuyển giáo viên, vì sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Một nghịch lý mà theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, dù giao biên chế nhưng nhiều địa phương không dám tuyển giáo viên.

“Nhỡ tuyển rồi phải giảm biên chế thì trừ vào ai ?”

Tháng 10 vừa qua, phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong bài Ngành giáo dục nắm mọi thứ, trừ hai thứ trên Báo Thanh Niên gây chú ý đặc biệt của dư luận khi người đứng đầu ngành GD-ĐT chỉ ra thực tế ngành này nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên (GV), hai là tài chính.

Về GV, Bộ trưởng Sơn chỉ ra rằng ngành dọc là Bộ Nội vụ quản lý, sau vài năm tha thiết đi xin, đã xin thêm được hơn 65.000 biên chế cho ngành GD từ nay đến năm 2025. Nhưng có một nghịch lý mà theo ông Sơn, nhiều địa phương còn không dám tuyển vì: “Để dành chỉ tiêu trừ đi các suất giảm biên chế vì nhỡ tuyển rồi lại phải giảm biên chế thì biết trừ vào ai. Nên thôi, “giao ít chỉ tiêu em để đấy trừ dần là xong”.

Giao biên chế nhưng địa phương không dám tuyển giáo viên, vì sao? - ảnh 1

Theo kế hoạch giai đoạn 2022 – 2026, tổng số biên chế sự nghiệp giáo dục phải tinh giản của tỉnh Bắc Giang là 2.800 người. T.M

Đây là thực tế dù rất nghịch cảnh mà ngành GD-ĐT các địa phương đang phải đối mặt. Theo quy định, đến năm 2026, các địa phương phải tinh giản 10% biên chế. GD là ngành có số lượng lớn biên chế, vì đặc thù nhiều trường lớp.

Một số địa phương của Hà Giang đành dùng số biên chế được giao mới mỗi năm để dành cho việc tinh giản biên chế theo yêu cầu. Ông Lê Văn Đạt, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang, cho biết mặc dù được giao biên chế mới và còn biên chế nhưng tỉnh không dám sử dụng vì số GV trong độ tuổi nghỉ hưu không đủ để thực hiện tinh giản 10%, nếu như tuyển dụng hết số biên chế được giao thì năm sau sẽ không có biên chế để tinh giản.

Tuyển dụng và tinh giản biên chế, cái nào trước ?

Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, cũng cho biết tỉnh đang rất khó khăn trong việc tuyển dụng và tinh giản biên chế, cái nào trước, cái nào sau. Do vậy, cần phải có chỉ đạo tổng quát, thống nhất giữa hai bộ Nội vụ và GD-ĐT. Thực tế hiện nay đội ngũ GV cấp tiểu học còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế, chưa đảm bảo để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tỷ lệ GV toàn tỉnh đạt 1,3 GV/lớp, nhiều lớp học tại các điểm trường chỉ tổ chức dạy học từ 5 – 7 buổi/tuần. Năm học 2022 – 2023, tỷ lệ GV 1,25 GV/lớp (do số lớp tăng so với năm học 2021 – 2022 và thực hiện tinh giản biên chế).

UBND tỉnh Bắc Giang cũng tính toán, theo kế hoạch giai đoạn 2022 – 2026, tổng số biên chế sự nghiệp GD phải tinh giản 10%, tương ứng là 2.800 người. Đến năm 2026, chỉ tính số biên chế cán bộ quản lý, GV và tổng phụ trách Đội còn lại sau kế hoạch tinh giản là 23.160 người. Trong khi đó, số hiện có mặt tính đến ngày 1.9.2022 là 25.516 người; số nghỉ hưu trong giai đoạn 2022 – 2026 dự kiến khoảng 1.200 người, số có mặt thực tế năm 2026 là 24.316 người. Như vậy, đến năm 2026, số cán bộ quản lý, GV và tổng phụ trách Đội thực tế có mặt vẫn còn dư so với biên chế sau kế hoạch tinh giản là 1.156 người. UBND tỉnh Bắc Giang tổng kết, nếu T.Ư không giao thêm biên chế sẽ không có chỉ tiêu để tuyển dụng, trong khi đó nguồn GV để tuyển của tỉnh vẫn còn dư thừa. Do vậy, dự kiến trong giai đoạn 2022 – 2026, tỉnh Bắc Giang chưa đề xuất nhu cầu đào tạo GV theo Nghị định 116 của Chính phủ. Thực tế Bắc Giang vẫn đang thiếu GV cục bộ nhưng không có chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, cho biết chỉ tiêu biên chế được giao ít, trong lúc số lượng GV thiếu rất lớn. Đã thế, chỉ tiêu tinh giản biên chế được giao “rất căng”. “Biết là thiếu, nhưng chúng tôi không dám tuyển vì đang bị siết biên chế. Chúng tôi đang rất áp lực với học sinh, GV, phụ huynh và cả dư luận”, bà Hương nói.

Theo thống kê, năm học 2022 – 2023, toàn ngành GD tỉnh Quảng Bình thiếu gần 2.000 biên chế so với quy định. Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết việc thiếu nhiều GV là do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo lộ trình, chính điều này đang gây ra nhiều khó khăn cho ngành GD tỉnh này. Việc thiếu GV khiến nhiều cán bộ quản lý, GV phải kiêm nhiệm, dạy vượt mức, trái với chuyên môn, trong khi không có kinh phí, thiếu cơ chế chi trả, chế độ tiền lương, phụ cấp đặc thù còn thấp, nhiều bất cập.

Giao biên chế nhưng địa phương không dám tuyển giáo viên, vì sao? - ảnh 2

Giáo viên tiểu học tỉnh Hà Giang trong một giờ dạy. Tỉnh này được giao biên chế mới và còn biên chế nhưng không dám sử dụng vì số giáo viên trong độ tuổi nghỉ hưu không đủ để thực hiện tinh giản 10%, nếu như tuyển dụng hết số biên chế được giao thì năm sau sẽ không có biên chế để tinh giản. T.M

Không thể tinh giản cơ học, cào bằng

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, bà Trần Thị Thanh Hương, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đề xuất cần xem xét việc tinh giản biên chế trong ngành GD cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, theo bà Hương, đối với ngành GD, đặc biệt là GDPT, hầu hết các trường đều có đặc thù nhất định, được pháp luật quy định và xác định rõ định mức GV đối với từng cấp học. Chính vì vậy, việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức đối với hệ thống GDPT gây ra tình trạng bất hợp lý và khó khăn cho ngành. “Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc bảo đảm lực lượng lao động trong ngành GD theo định mức quy định. Với tinh thần có HS, có lớp học phải có đủ GV. Cân nhắc thêm việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành GD”, bà Hương đề nghị.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 15, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc tinh giản biên chế viên chức, trong đó có viên chức ngành GD. Bà Vương Thị Hương, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, nêu thực trạng: Việc thực hiện tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách chưa tính tới yếu tố vùng miền và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực GD, y tế. Do tỷ lệ biên chế hai ngành này chiếm trên 90% tổng biên chế viên chức của các địa phương. Trong khi các tỉnh miền núi, biên giới, với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn nên việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ cũng như thực hiện xã hội hóa hai lĩnh vực này rất khó thực hiện, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người dân và sự phát triển KT-XH của địa phương.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý GD (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc thực hiện tinh giản biên chế đang thực hiện một cách cào bằng, vùng thuận lợi cũng như vùng khó khăn, dẫn tới những bất hợp lý thiếu GV nhưng vẫn phải tinh giản. Ví dụ, bậc mầm non chưa bố trí đủ GV theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều GV đứng lớp, trong khi tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao. Do vậy, Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế ngành GD một cách linh hoạt, phù hợp.

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)