Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giáo dục âm nhạc cho trẻ em: Đang bị bỏ quên

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em cần được định hướng âm nhạc đúng với lứa tuổi của mình. Ảnh: S.M

Trẻ em nghêu ngao hát nhạc người lớn là chuyện không còn mới. Đến nỗi thực trạng bất thường này hiện đang có xu hướng phát triển như điều “tất nhiên” và “bình thường”. Dư luận từng lên tiếng phản ánh, nhưng có vẻ như chẳng hề hấn gì. Phải chăng trẻ em ngày càng ít được quan tâm về vấn đề giáo dục âm nhạc?!?
Việc lựa chọn “thực đơn” âm nhạc của mỗi em có khác nhau, nhưng đa phần các em lại thích nhạc teen hơn là những ca khúc thiếu nhi.
Trẻ em “chuộng” dòng nhạc yêu đương, khóc, chia ly!
Em Võ Minh Cường (HS lớp 5 Trường Tiểu học K.Đ – Gò Vấp) cho biết: “Trước đây, em rất thích giờ học nhạc vì cô giáo dạy rất vui với nhiều bài hát như Sen hồng, Trống cơm, Nổi trống lên các bạn ơi… cũng như thường mua đĩa nhạc của Xuân Mai và Xuân Nghi nghe. Nhưng thời gian qua, em lại thích nghe nhạc teen hơn vì đi đâu cũng nghe mở những ca khúc Khóc, Giả vờ yêu, Mùa đông không lạnh, Bay giữa Ngân Hà… Chương trình em xem nhiều nhất là Hát với ngôi sao, Âm nhạc online. Thần tượng âm nhạc của em là ca sĩ Đông Nhi vì chị Đông Nhi rất dễ thương…”. Còn em Lê Minh Vũ (HS lớp 6 Trường THCS L.P) thì: “Hồi bé em cũng có hát nhạc thiếu nhi, rồi lớn lên một chút thì hát nhạc Đoàn – hội nhưng các bài hát đó khô quá. Các bạn cùng lớp mê nhạc teen nhưng em thì không, toàn những bài hát giai điệu không ấn tượng, yêu đương tùm lum, không học hỏi được gì từ những ca khúc ấy. Em thích xem và nghe nhạc tiếng Anh trên mạng bởi ca sĩ nước ngoài hát hay hơn nhiều, họ diễn tự nhiên và rất có phong cách. Em cũng thích bài hát nói về thầy cô, bạn bè, trường lớp… nhưng các ca khúc mới viết về đề tài này hiện nay không nhiều…”. Em Anh Khoa (HS lớp 7 Trường THCS H.B) cho hay: “Em không thích giờ nhạc trên lớp nên không nhớ tên nhiều bài hát, em chỉ thích nghe Lý Hải và Bảo Thy hát. Nghe mãi vài ca khúc ấy cũng thấy nhàm, thấy chán nhưng thật sự không biết phải chọn nhạc nào khác nữa. Trong lớp, các bạn em cũng nghe dòng nhạc này, mình không nghe thì “khác” với các bạn lắm…”. Một nhóm HS lớp 6 Trường THCS C.H tâm sự: “Trong lớp tụi em vẫn có giờ hát, cũng vui nhưng không thấy ấn tượng. Nhiều ca sĩ ngôi sao về trường phục vụ hát toàn nhạc yêu đương, thú thật nhóm tụi em chỉ thuộc mỗi bài thiếu nhi Trái đất này là của chúng mình mà thôi, còn đi hát karaoke, tụi em thường hát nhạc của chị Lương Bích Hữu…”. “Có lần tôi giật mình khi nghe con gái mình đang học lớp 3 hát bài Chiếc khăn gió ấm. Tôi cũng có nghe ca khúc này vài lần mà chưa thuộc lời, còn con gái tôi không biết nghe ở đâu mà thuộc vanh vách. Ở nhà tôi mua toàn đĩa nhạc thiếu nhi, có lẽ con tôi thuộc bài này từ các bạn cùng lớp…” – một phụ huynh ở quận Tân Bình bảo thế!
Cần định hướng âm nhạc cho trẻ
Có thể nói, trẻ em bây giờ bị lấn át rất nhiều bởi các hoạt động giải trí mang nặng tính thương mại. Chương trình thiếu nhi trên truyền hình đã ít, lại phát trái vào giờ các em đi học. Các cuộc thi âm nhạc cho thiếu nhi ngày càng mất nhiều ý nghĩa về một sân chơi bổ ích, khi các em sớm được phát hiện tỏa sáng theo kiểu “một ngôi sao nhí”. Như xem chương trình Đô-rê-mi trên VTV3, sự hồn nhiên tuổi thơ của các em nhiều phần bị phai nhạt. Anh Lê Văn Hải (quận 3) nói: “Thời gian qua, tôi nhận thấy nhà trường đã đưa sử ca vào để giáo dục và định hướng âm nhạc cho các em. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận nhưng hiệu quả chưa cao vì thực hiện còn rất hạn chế. Mỗi tuần vào giờ sinh hoạt dưới cờ các em mới được hát, lại hát tập thể, các bài sử ca lại khá dài nên khó thuộc. Theo tôi, nên đưa thẳng những ca khúc ấy vào giờ lịch sử, các em sẽ nhớ nhanh hơn…”. Thầy Nguyễn Anh Trung – GV dạy nhạc Trường THCS Minh Đức cho biết: “Lứa tuổi các em rất thích khám phá và hay bắt chước những gì được lặp đi lặp lại, âm nhạc cũng thế. Lời ca của nhạc thiếu nhi, nhạc tuổi học trò rất hay, giàu hình tượng và cảm xúc. Vấn đề của người dạy là phải làm sao cho các em thật sự yêu thích một cách tự nhiên chứ không gò ép…”.
May – Trần
“Nếu cứ để mặc tình trạng các em muốn hát gì thì hát, hát không cần hiểu, thuộc lòng nhạc người lớn vô tội vạ sẽ khiến tâm hồn trẻ thơ dễ bị vẩn đục, yêu sớm. Bố mẹ, gia đình phải là người đầu tiên có ý thức giáo dục âm nhạc cho con cái về cái hay, cái đẹp của các ca khúc thiếu nhi để định hướng, dạy dỗ con trẻ” (Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn)
 

Bình luận (0)