SV vi phạm Luật Giao thông khi băng qua dải phân cách trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM. Ảnh: P.Q
|
Theo thống kê đến tháng 5-2014 của Bộ GTVT, trên cả nước xảy ra hơn 10.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), cướp đi sinh mạng của 3.928 người, khiến 10.556 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ TNGT đã giảm 13,13%. Số người chết giảm 5,07%, số người bị thương giảm 5,94%. Năm 2014 dự báo sẽ là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta kiềm chế, kéo giảm được tình hình TNGT.
Đây là con số được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Bộ GD-ĐT về tăng cường công tác giáo dục ATGT trong trường học giai đoạn 2013-2018.
Đi xe đạp vẫn ngang nhiên vi phạm
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều ban ngành, dù số vụ TNGT đã được kéo giảm, song tình hình vi phạm ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là với đối tượng học sinh, sinh viên (HS-SV). Ông Trần Quốc Hùng, Ủy viên Thường trực Ban ATGT TP.HCM cho biết, trong số hơn 80% vụ TNGT liên quan đến xe mô tô, gắn máy xảy ra trong toàn TP năm 2013 thì đại đa số các ca tử vong đều rơi vào độ tuổi từ 15-18. “Có một nghịch lý là rất nhiều vụ TNGT xảy ra ở khu vực nội thành trong giờ thấp điểm từ 18-23 giờ. Năm 2009 được coi là cao điểm của việc đào đường, tạo dựng lô cốt trên các trục đường thì TNGT xảy ra rất ít. Thế mà khi các lô cốt được dỡ đi, trả lại trục đường thông thoáng, rộng rãi thì số vụ TNGT lại liên tiếp gia tăng, mà đa phần là do ý thức người tham gia giao thông. Số vụ vi phạm ATGT trong đối tượng HS-SV đang diễn biến phức tạp mà lỗi vi phạm chủ yếu là lái xe không đúng làn đường, chạy xe không đúng tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, lái xe sau khi uống rượu bia, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện…”. Cùng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH SPKT TP.HCM nhìn nhận: “Hầu như năm nào trường cũng có SV chết vì TNGT, nhất là thời điểm các em đi thực tập tại cơ sở. Lãnh đạo nhà trường rất đau lòng mỗi khi phải ký giấy để gạch bỏ tên các em trong danh sách SV theo học”.
Quả thực, sẽ không khó để bắt gặp cảnh HS-SV vi phạm Luật ATGT trên đường phố. Những hình ảnh đi xe đạp, xe máy tụm năm tụm ba, chở quá số người quy định, đi ngược chiều vẫn hiển hiện hằng ngày trên các tuyến đường tại các TP. Ông Trương Công Bá, Phó vụ trưởng Vụ HS-SV Bộ GD-ĐT thừa nhận: “Ngay tại Hà Nội, nhiều em HS đi xe đạp vẫn ngang nhiên vượt đèn đỏ, đi tung tăng hàng năm, hàng ba trên phố. HS-SV đi bộ ngay dưới lòng đường, chạy qua đường không quan sát xe cộ, trèo qua dải phân cách là hiện tượng vẫn xảy ra hằng ngày tại các TP lớn. Có em HS đi xe đạp vượt đèn đỏ ngay trước mặt cảnh sát giao thông nhưng vẫn không bị gọi vào nhắc nhở. Chính sự “cả nể” của lực lượng cảnh sát giao thông đã góp phần tạo thói quen cho nhiều HS-SV vi phạm”, ông Bá nhìn nhận.
Phải có sự phối hợp nhiều phía
Đánh giá về chương trình phối hợp giữa Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GD-ĐT, hầu hết các đơn vị liên quan đều ghi nhận kết quả đạt được sau một năm triển khai. Các trường học trên cả nước đã nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo trong những đợt cao điểm về giáo dục ATGT cho HS-SV như đầu năm học mới, Tết Nguyên đán, Tháng ATGT; tổ chức các hoạt động thu hút sự chú ý của các em về vấn đề ATGT. Rất nhiều trường học còn tích hợp nội dung giáo dục ATGT vào các tiết học, giờ sinh hoạt dưới sân trường, phối hợp cùng các công ty, đơn vị trao tặng mũ bảo hiểm cho HS-SV…
Tuy nhiên, để công tác giáo dục ATGT hiệu quả hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có sự phối hợp đồng bộ, ráo riết giữa các lực lượng tham gia. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, dù các hoạt động trong nhà trường đã phần nào tác động tích cực đến ý thức của HS-SV song ý thức đó sẽ nhanh chóng bị những người lớn không gương mẫu tác động xấu ngược lại. Theo Thứ trưởng, ngoài việc giáo dục cho HS, nhà trường cần tác động đến một đối tượng gắn kết trực tiếp với HS là phụ huynh bởi đây mới chính là tấm gương phản chiếu lên ý thức của HS. Cụ thể, nhà trường cần tổ chức những buổi sinh hoạt về ATGT, văn hóa giao thông với phụ huynh để họ tự làm gương cho con cái mình hoặc dặn dò HS phải nhắc nhở cha mẹ mình khi họ vi phạm Luật ATGT. Riêng lực lượng cảnh sát giao thông cần gia tăng mức phạt, xử phạt nghiêm khắc ở mức cao nhất đối với những trường hợp phụ huynh vi phạm luật ATGT trong khi chở con em trên xe.
Ngọc Anh
Xây dựng cho HS-SV ý thức chấp hành Luật Giao thông
“Dù là chương trình giáo dục ATGT trong trường học nhưng ngoài sự chủ động của nhà trường, nhiệm vụ chính vẫn thuộc về lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông. Lực lượng cảnh sát phải kết hợp chặt chẽ với nhà trường để xử lý thường xuyên, nghiêm túc, kiên quyết và không được bỏ sót các lỗi vi phạm của HS-SV để dần dần xây dựng cho các em ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành Luật ATGT” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
|
Bình luận (0)