Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giáo dục ATGT học đường: Ngày càng hiệu quả và lan rộng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm học 2016-2017, Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Công an đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục ATGT cho học sinh – sinh viên (HS-SV) ở nhiều địa phương trong cả nước. Qua đó, góp phần xây dựng ý thức chấp hành Luật Giao thông cho các em một cách sinh động và hiệu quả.

Giáo dục ATGT góp phần xây dựng ý thức giao thông cho HS một cách tích cực

Giáo dục ATGT ở các cấp học

Có thể nói chương trình giáo dục ATGT trong trường học trong thời gian ngày càng tạo được sức thu hút và tính hiệu quả thông qua những chương trình, những cuộc thi mang tính rộng khắp. Trong đó chương trình “Lớp học Doraemon với ATGT” là một ví dụ cụ thể, đã được tổ chức thành công trong giờ chào cờ đầu tuần tại Trường Tiểu học Bàu Sen (quận 5) vào tháng 4 vừa qua. Thông qua hình ảnh chú mèo máy Doraemon dễ thương, các chiến sĩ của Phòng CSGT ĐB-ĐS, Công an TP.HCM đã khiến cho các em HS rất hào hứng khi tìm hiểu về hệ thống biển báo giao thông, đèn tín hiệu giao thông, quy cách đội mũ bảo hiểm an toàn và cách tham gia giao thông an toàn. Nhằm giúp các em nhớ kiến thức đã học, các chiến sĩ đã đưa ra hàng loạt câu hỏi theo dạng đố vui, các em đã tranh nhau giơ tay giành phần trả lời. Theo nhận định của Đại úy Trần Thị Hồng Nhung (Phó đội trưởng Đội tuyên truyền Phòng CSGT ĐB-ĐS): “Thông qua chương trình “Lớp học Doraemon với ATGT” trong năm học 2016-2017, đa số các em HS đã biết cách chấp hành Luật Giao thông đường bộ tốt hơn, biết tự đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông”. Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của một chương trình bổ ích, Đại úy Nhung cho biết, trong thời gian sắp tới, Phòng CSGT ĐB-ĐS cùng Sở GD-ĐT dự kiến sẽ tổ chức chương trình tuyên truyền ở các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố.

Được biết, chương trình “Lớp học Doreamon với ATGT” được triển khai tại Việt Nam từ năm 2016. Trong khuôn khổ của chương trình, bên cạnh 15 lớp học ngoại khóa về ATGT được triển khai tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa và Yên Bái, trong năm nay chương trình dự kiến sẽ phát 31.000 tờ áp phích với khẩu hiệu tuyên truyền: “Niềm vui theo em đến trường là sự an toàn trên từng bước đi” đến các địa phương.

Song song với “Lớp học Doreamon với ATGT”, chương trình “ATGT cho nụ cười ngày mai” đã được triển khai trên địa bàn TP trong năm học vừa qua, do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức cũng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng năng lực giảng dạy về ATGT cho giáo viên tại các trường, đồng thời truyền đạt những kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn cho HS.

Tương tự như TP.HCM, trên địa bàn Hà Nội cũng đã có những chương trình giáo dục ATGT hữu ích cho HS. Trong đó nổi bật là cuộc thi “Giao thông học đường” lần thứ II năm học 2016-2017 do Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức. Nội dung cuộc thi là những kiến thức về giao thông, kỹ năng tham gia giao thông và văn hóa giao thông. Điều đặc biệt là cuộc thi được triển khai trên internet, sử dụng kỹ thuật 3D với thiết kế hiện đại đã thu hút đông đảo HS tham gia.

Những chương trình bổ ích

Nhận định về các chương trình giáo dục ATGT học đường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, ý nghĩa và tầm quan trọng của các cuộc thi đã và đang tạo nên sự thay đổi nhận thức, ý thức tham gia giao thông trong HS-SV, qua đó góp phần đẩy mạnh hiệu quả của việc tuyên truyền, giáo dục ATGT trong trường học.

Theo nhận định của Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an, có thể nói chưa bao giờ các cuộc thi về ATGT lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Từ cuộc thi mang tính chất đơn lẻ cho đến các cuộc thi mang tầm quốc gia như Giao thông thông minh trên mạng internet; “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” dành cho học sinh tiểu học; “ATGT cho nụ cười ngày mai” cho HS THPT; cuộc thi “SV thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và lái xe an toàn” cho SV của các trường ĐH-CĐ-THCN trên toàn quốc; các cuộc giao lưu, tìm hiểu kiến thức và đổi mới phương pháp giảng dạy ATGT dành cho giáo viên các cấp…

Ở mỗi cuộc thi đều thu hút đông đảo số lượng người tham gia, tạo được hiệu ứng tích cực đến mọi đối tượng trong xã hội. Đặc biệt với phần thi các tiết học mẫu dành cho HS về các chủ đề: biển báo hiệu giao thông, nguyên nhân TNGT, ngồi an toàn trên xe đạp, xe máy; chọn đường đi an toàn, tránh TNGT… các thầy, cô giáo đã đem đến những phương pháp, cách thức đa dạng trong truyền tải nội dung về ATGT và những quy định của pháp luật về trật tự ATGT một cách rất phong phú. Đó chính là sự khéo léo trong việc chuyển thể nội dung bài giảng thành các vở kịch cho HS đóng vai, thi vẽ tranh ATGT, hoạt cảnh, tiểu phẩm, hát, múa về chủ đề ATGT cho dễ nhớ, dễ hiểu… Mỗi cuộc thi như một sân chơi lành mạnh và bổ ích, đó cũng là cơ hội cho HS-SV và các thầy cô giáo giao lưu, cùng nhau chia sẻ những phương pháp giáo dục hiệu quả, những kiến thức ATGT, văn hóa giao thông và các kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông.

Khẳng định tầm quan trọng của công tác giáo dục ATGT học đường, ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia) cho rằng, giao thông học đường cung cấp cho các em HS những kỹ năng cơ bản nhất. Qua đó giúp các em tham gia giao thông an toàn, nhằm hạn chế những nguy cơ xảy ra TNGT và hậu quả của TNGT đối với HS-SV nói riêng và trẻ em nói chung.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)