Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục biển, đảo trong môn văn

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam là một quốc gia biển. Vấn đề kinh tế biển, đảo, quốc phòng biển, đảo, từ lâu luôn là vấn đề được xã hội quan tâm. Giáo dục nói chung và giảng dạy văn học nói riêng cũng không nằm ngoài ý thức đó. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm, hoặc triển khai còn nhiều lúng túng, hạn chế; vì nghĩ rằng công tác này phù hợp hơn với các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Kỳ thực, chúng ta vẫn có thể lồng ghép nội dung thông tin và kiến thức liên quan đến biển, đảo khi giảng dạy các văn bản thơ, văn có nội dung gần gũi, liên quan. Chẳng hạn, ở chương trình văn học lớp 6 có bài Cô Tô, lớp 7 có bài Sông núi nước Nam, lớp 8 có bài Quê hương, lớp 10 có bài thơ Bạch Đằng giang phú, lớp 11 có bài Bài ca ngất ngưởng, Xuất dương lưu biệt, lớp 12 có bài Đất nước, Sóng, Chiếc thuyền ngoài xa, Bắt sấu rừng U Minh Hạ… Việc lồng ghép nội dung giáo dục biển, đảo còn dễ dàng triển khai hơn đối với các phân môn như Tiếng Việt và Làm văn. Chẳng hạn như các bài: Lập dàn ý văn bản thuyết minh, Văn thuyết minh, Phong cách ngôn ngữ báo chí, Phong cách ngôn ngữ hành chính…

Thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục biển, đảo trong giảng dạy văn học có đặc thù riêng, thường có chút phức tạp hơn so với lồng ghép tích hợp ở các môn như lịch sử, địa lý. Vì văn học là khoa học nhưng cũng đồng thời là nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì yếu tố cảm xúc rất quan trọng. Ở đây là cảm xúc tiếp nhận của học sinh. Khi tiến hành lồng ghép, tích hợp nội dung biển, đảo vào từng đơn vị bài học cụ thể, chúng ta phải dẫn dắt khéo léo để tránh tạo cảm giác gượng ép cho học sinh trong quá trình tiếp nhận bài học. Và cũng tránh làm ảnh hưởng đến bút pháp nghệ thuật, ý nghĩa nội dung, ý đồ sáng tác của tác giả. Các nội dung lồng ghép tích hợp này nên triển khai xen kẽ, với thời lượng ngắn thông qua các hoạt động đa dạng như vấn đáp, mở rộng, xem tranh ảnh, clip, mô hình… So với việc triển khai nội dung giáo dục biển, đảo ở phần Đọc văn, thì ở phần Tiếng Việt và phần Làm văn sẽ dễ thực hiện hơn. Vì sau phần giảng dạy lý thuyết, chúng ta có thể dễ dàng đưa thêm các ngữ liệu, các văn bản liên quan đến biển, đảo để học sinh quan sát và thực hành. Tuy vậy, để khơi gợi hứng thú của học sinh, chúng ta cũng cần quan tâm đếm khâu dẫn dắt, chuyển ý.

Ngoài việc triển khai trong nội dung học tập, cũng cần thực hiện trong quá trình kiểm tra, đánh giá. Nếu nội dung kiểm tra, đánh giá có câu hỏi liên quan đến biển, đảo, học sinh sẽ càng cảm nhận được mức độ quan trọng của vấn đề này. Việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục biển, đảo trong giảng dạy văn học cũng cần được thực hiện theo hướng đồng bộ, kết nối với các môn học khác, kể cả các môn khoa học xã hội, lẫn khoa học tự nhiên. Để thực hiện điều này không chỉ tâm huyết của thầy cô giảng dạy văn học là đủ, mà còn cần đến sự quan tâm và điều phối của lãnh đạo các trường, cũng như giáo viên giảng dạy các bộ môn khác.

Trn Xuân Tiến

 

Bình luận (0)