Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, việc giáo dục chính trị, đạo đức, xây dựng lối sống cho học sinh, sinh viên cần đổi mới; hình thức giáo dục không thể theo lối mòn trước đây.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị
Cuối tuần qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2023-2024 tại Trường ĐH Văn Lang với sự tham dự của đại diện các trường ĐH, các sở GD-ĐT trên cả nước.
“Phòng nhiều hơn chống”
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nhận định, nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên đóng vai trò rất quan trọng khi toàn ngành đang đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo theo Nghị quyết 29 của Đảng. Với cách tiếp cận mới này, toàn ngành đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Sinh viên cũng đang phải đi theo những hướng mới đó.
Theo Thứ trưởng, ngành giáo dục không chỉ tạo môi trường lành mạnh cho học sinh, sinh viên học tập, cống hiến và trưởng thành mà còn cần phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ cho các em. Vấn đề thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng hệ thống chính sách cho học sinh, sinh viên, tạo môi trường tốt nhất để các em phát triển, trưởng thành là rất quan trọng với toàn ngành giáo dục, toàn xã hội.
Để làm tốt công việc này, Thứ trưởng cho rằng các trường, những cán bộ chuyên trách công tác học sinh, sinh viên cần nắm bắt được nhu cầu hỗ trợ ở học sinh, sinh viên; hiểu được các em gặp những khó khăn gì trong học tập và cuộc sống cũng như khả năng đáp ứng của các trường… Cụ thể, các trường, giáo viên cần nắm bắt kịp thời những thông tin về tình hình chính trị nội bộ, tư tưởng, nhu cầu của học sinh, sinh viên. Muốn làm được như vậy, các thầy cô phải gần gũi các em, có phương pháp phù hợp từng đối tượng. Thứ hai, trước sự phát triển rất mạnh của không gian mạng, cả phụ huynh lẫn giáo viên cũng cần hiểu được những vấn đề phức tạp mà học sinh, sinh viên phải đối mặt; từ đó, khéo léo phối hợp bảo vệ các em trên không gian mạng.
“Thứ ba, tôi nhận thấy có một bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay suy thoái đạo đức, có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống và tình trạng bạo lực học đường hiện cần được tìm cách ngăn chặn từ gốc. Việc giáo dục học sinh để giảm tình trạng bạo lực học đường khác với trước đây, cần thông qua nhiều hình thức để các em phòng nhiều hơn chống” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nội dung thứ tư được Thứ trưởng đề cập là kỹ năng sống của học sinh, sinh viên hiện nay đang thiếu và yếu; cần tập trung nhiều hơn, tốt hơn vào các mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội để các em thông qua những hoạt động trải nghiệm, qua câu lạc bộ, các mô hình hay… sẽ tăng cường kỹ năng sống, ứng phó với những vấn đề mất an toàn trường học (bạo lực học đường, cám dỗ, tai nạn thương tích, thuốc lá điện tử…). Thứ trưởng cho biết, tới đây sẽ làm việc sâu hơn với Vụ Học sinh, sinh viên và vụ này sẽ có những giải pháp để phối hợp các vụ, cục, đơn vị ban hành kịp thời những thông tư, hệ thống văn bản giúp các thầy cô quản lý học sinh, sinh viên, giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, những thông tư liên quan đến kỹ năng sống cho các em, hoạt động trải nghiệm trong các trường, chương trình giáo dục địa phương và giáo dục phổ thông cũng phải tiếp tục có những đổi mới.
Thứ trưởng tiếp tục nhấn mạnh, những mô hình hay ở các trường cần được nhân rộng, trong đó có mô hình “lấy xây để chống”. Đồng thời, cần tập trung nâng cao nhận thức xã hội, trong đó, kiện toàn tổ tư vấn tâm lý, kiện toàn đội ngũ làm công tác chính trị học sinh, sinh viên ở các trường. Thứ trưởng cũng cho rằng, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh đời sống xã hội có nhiều thay đổi, nhiều biến động như hiện nay thì trách nhiệm của toàn ngành, của các trường là quan trọng; hình thức giáo dục này cần đổi mới, không thể theo lối mòn trước đây.
8 nhiệm vụ cho năm học mới
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy, nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm qua đã được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, đạt được một số kết quả nhất định. Các cơ sở giáo dục ĐH đã thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho sinh viên từ học bổng, trợ cấp xã hội, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số; xây dựng được nhiều quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Các sở GD-ĐT triển khai thực hiện tốt những chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; bảo đảm chính sách học bổng khuyến khích cho học sinh trường chuyên, trường năng khiếu. Việc giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của bộ cũng chỉ ra, nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm qua vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế. Việc nắm bắt thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ qua môi trường mạng chưa được triển khai mạnh mẽ và gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính. Nội dung thông tin trên các trang mạng xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ; một số nội dung chuyên đề giáo dục đạo đức, lối sống chưa gắn với đời sống của thế hệ trẻ.
Môi trường, điều kiện hỗ trợ học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế dẫn đến việc các em còn thiếu nhiều kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng giao tiếp, sinh tồn. Kết quả công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trường học vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu. Hoạt động bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác này nhiều nơi thực hiện chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội trong giáo dục con người ở nhiều nơi còn chưa thường xuyên, chặt chẽ. Một bộ phận thanh – thiếu niên có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương…
Để khắc phục những tồn tại nói trên, Bộ GD-ĐT xác định, công tác giáo dục chính trị và học sinh, sinh viên năm học 2023-2024 sẽ tập trung vào 8 nhiệm vụ. Cụ thể là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, điều hành; rà soát, đề xuất việc sửa đổi các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị cho học sinh, sinh viên; rà soát, đánh giá việc triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; triển khai các hoạt động xây dựng văn hóa học đường. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; nâng cao hiệu quả bộ máy, tổ chức và năng lực đội ngũ thực hiện công tác giáo dục chính trị và học sinh, sinh viên; đẩy mạnh truyền thông và tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý.
Thục Trân
Bình luận (0)