Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục chuyên nghiệp TP.HCM: Những mặt hạn chế cần đổi mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chủ trương phân luồng học sinh phổ thông ở nước ta đã được đề ra từ nhiều năm qua, nội dung giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề đã được đưa vào chương trình các lớp cuối cấp THCS và THPT nhằm định hướng phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, hiệu quả vẫn còn rất khiêm tốn, trong đó có vần đề tâm lý xã hội, công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học học sinh ở trường phổ thông còn hình thức và chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp quản lý giáo dục nên chưa thu hút được nhiều học sinh vào con đường giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác tự thân hệ thống GDCN cũng chưa có điều kiện đáp ứng nhu cầu của người học.
Xét về góc độ quy hoạch, mạng lưới các trường chuyên nghiệp hiện có ở thành phố chưa được bố trí hợp lý về mặt địa bàn khu dân cư và khu vực phát triển kinh tế. Còn tập trung ở nội thành và không cân đối về số lượng trường trên địa bàn các quận huyện. Nhiều cơ sở đào tạo TCCN có những mã ngành đào tạo trùng lặp nhau, không trường nào khẳng định được thế mạnh của mình theo các ngành nghề đào tạo. Xét về cơ sở trường lớp, hệ thống trường TCCN thành phố rất khập khiễng so với hệ thống trường lớp phổ thông được đầu tư tương đối khang trang và đều khắp.
Trong hệ thống các trường chuyên nghiệp thành phố hiện nay có rất ít trường có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đủ hấp dẫn và thuyết phục người học, đa số còn yếu kém thiếu thốn nên chưa thật sự đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội. Chưa có trường TCCN có điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật hiện đại để đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ cao như điện tử – tin học, viễn thông… đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các trường hiện còn nhiều bất cập, vẫn còn thiếu về số lượng và chưa được cập nhật kiến thức thường xuyên, nhất là kiến thức thực tiễn và kỹ năng hướng dẫn thực hành. Ở nhiều trường còn tỷ lệ khá lớn giáo viên chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Giáo viên thỉnh giảng còn “chạy sô” và dạy ép thời gian.
Mặc dù hầu hết các trường chuyên nghiệp đã có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhưng phần lớn còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc xây dựng và thực hiện mục tiêu chương trình đào tạo theo ngành nghề, nhất là yêu cầu gắn với thực tiễn lao động, sản xuất.  
Ngoài hệ thống các trường TCCN, hiện tại có rất nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố có tuyển sinh hệ đào tạo TCCN với quy mô rất lớn theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó còn có nhiều trường TC nghề, CĐ nghề thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý. Điều này ngoài việc gây khó khăn cho công tác xây dựng qui hoạch kế hoạch đào tạo nhân lực của từng trường và của chung thành phố trên địa bàn một cách hợp lý, thống nhất còn gây tâm lý bất an cho học sinh khi chọn trường, đồng thời còn làm phân tán việc đầu tư các nguồn lực.
Phạm Ngọc Thanh
(Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)