Sự kiện giáo dụcTin tức

Giáo dục con trẻ cần có những biện pháp phù hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Ông bà ta có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” để thấy được sự hình thành tính cách, suy nghĩ, thái độ, sự nhìn nhận công việc và cảm nhận đối với cuộc sống… ở mỗi đứa trẻ là hoàn toàn khác nhau. Tính cách ở mỗi đứa trẻ được sinh ra trong cùng một gia đình cũng sẽ khác biệt. Có nhiều bậc cha mẹ nói rằng mỗi đứa con trong gia đình là một tính cách, không đứa trẻ nào giống nhau cả. Có khi tính cách đó đối lập nhau và tạo nên những nét riêng, sự khác biệt hoàn toàn.
Do vậy, chính sự khác biệt về tính cách dẫn đến sự khác biệt về tâm lý, lối sống, thái độ, suy nghĩ cũng như trách nhiệm của con trẻ đối với các thành viên trong gia đình, đối với bạn bè xung quanh và những việc ngoài xã hội. Cho nên, các bậc cha mẹ cần có những biện pháp phù hợp cho những đặc điểm tâm sinh lý, những mặt mạnh, mặt hạn chế của con em mình. Không có biện pháp giáo dục nào là cố định, cứng nhắc mà phải linh hoạt, uyển chuyển phù hợp với những đặc điểm riêng biệt, cơ bản của từng đứa trẻ.
Như một nhà giáo dục học đã nói “Không có phương pháp giáo dục nào là vạn năng, cố định và cứng nhắc…”. Mà mỗi đứa trẻ khác nhau cần có những phương pháp, cách thức khác nhau, không thể có một phương pháp chung chung đế áp dụng cho tất cả đứa trẻ hoặc áp dụng cho đứa trẻ này sang đứa trẻ khác. Sẽ phản tác dụng hoặc đem lại kết quả không mong muốn nếu như chúng ta áp đặt lên nó, không phù hợp với đặc điểm, tính cách, tâm sinh lý, thời điểm khác nhau… của từng đứa trẻ.
“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” hay “Cha mẹ nào mà chẳng thương con nhưng thương con trẻ thì để trong lòng”… nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận sự đúc kết sao cho phù hợp với tâm sinh lý, ở mỗi gia đình, mỗi thời kỳ, giai đoạn phát triển của con trẻ. Con trẻ bây giờ muốn khẳng định mình, muốn chúng ta lớn và tự lập, tránh lối áp đặt, tránh sự quan tâm không đúng cách như cho “tiền” cho con là thể hiện tình thương yêu. Nhưng chính điều đó là cực kỳ nguy hiểm trước sự cám dỗ của các thế lực xã hội. Chúng ta những người lớn cần phải lắng nghe những tâm tư, những thay đổi, những nguyện vọng và tình cách của con trẻ. Bằng tình thương yêu, sự quan tâm thôi thì chưa đủ mà phải hiểu con trẻ cần gì, thay đổi như thế nào, tính cách ra sao, tính cách như thế nào… để có cái nhìn tổng quan và toàn diện hơn từ đó có những biện pháp giáo dục phù hợp hơn, hiệu quả cao và thiết thực hơn.
Các thầy giáo, cô giáo cần chú ý đến những thay đổi của HS, những HS có những biểu hiện đặc biệt như sống thu mình, khép kín, ít tiếp xúc với bạn bè, sống nội tâm, không năng động hoặc chai lỳ… những thay đổi bất thường, những biểu hiện bất thường suy cho cùng đều có những nguyên nhân bắt nguồn từ việc thay đổi tâm sinh lý, từ gia đình, hoàn cảnh sống, môi trường mới hay những gì mà cuộc sống xung quanh tác động vào con trẻ. Đặc biệt việc giáo dục kỹ năng lối sống, tạo ra chất kháng thể “tự kháng” để trẻ học những điều hay, lựa bạn hay chọn những người bạn tốt mà chơi. Ngày nay, khoa học kỹ thuật và các phương tiện thông tin, sự giao thoa giữa các nền văn hóa, lối sống nước ngoài len lỏi vào trong nước cùng Internet các dịch vụ công cộng phát triển là những điều kiện tốt nhưng cũng chứa đựng những nguy hại khôn lường như sống buông thả, nghiện chơi game, trộm cắp, thói đua đòi, dính vào các tệ nạn xã hội…
Đoàn Thanh niên ở các trường, trung tâm tư vấn tâm sinh lý, hướng nghiệp và dạy nghề… Gia đình, nhà trường và xã hội cần có những chương trình, những kế hoạch và biện pháp cụ thể, thiết thực, là nơi để HS và con trẻ tìm đến mỗi khi gặp vấn đề về bản thân và những khúc mắc từ cuộc sống.
Nguyễn Tuấn Anh
(GV Trường THPT Marie Curie)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)