Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Giáo dục đại học: Cần quan tâm đến chất lượng “đầu ra”

Tạp Chí Giáo Dục

Xung quanh việc các trường đại học-cao đẳng (ĐH-CĐ) ngoài công lập ồ ạt xin áp dụng Điều 33, Quy chế tuyển sinh (một thí sinh có thể được cộng thêm 5 điểm, theo đó, chỉ cần 8 điểm là trúng tuyển khối A, D; 9 điểm khối B, C), nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về chất lượng đào tạo. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ (ảnh), Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH – CĐ ngoài công lập Việt Nam cho biết:

Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã nới rộng thời gian xét tuyển các nguyện vọng (NV) cũng như cho phép học sinh có thể rút hồ sơ để chuyển qua các trường khác, ngành học khác, do đó thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển và lựa chọn.
Nếu làm một phép so sánh, học phí tại một trường dân lập ít nhất cũng từ 600.000 – 2 triệu đồng/sinh viên/tháng, trong khi các trường công lập chỉ thu từ 290.000 – 800.000 đồng/sinh viên/tháng. Nếu trường công lập cũng lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì chắc chắn thí sinh sẽ không chọn trường dân lập và các trường dân lập sẽ không có đối tượng để xét tuyển.
Cái khó cho các trường ngoài công lập Việt Nam là không được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển, phải đi mua từng mét vuông đất để xây dựng trường. Nhiều địa phương còn xem xét, đánh thuế, khiến các trường bắt buộc phải tăng học phí. Nhiều người rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nhưng không đủ tiền để đầu tư hoặc đầu tư có hạn nên bản thân một số trường ngoài công lập cũng chưa được nhiều người biết đến. Mặc dù vậy, hệ thống các trường này trong thời gian qua cũng đã góp phần đào tạo khoảng 14-15% tổng số sinh viên và đã tiết kiệm cho Nhà nước một khoản tiền đáng kể.
Ông có đánh giá gì về chất lượng đào tạo giữa các trường ĐH-CĐ công lập và ngoài công lập?
Thực tế, khi các trường ngoài công lập chưa được thành lập một cách ồ ạt thì một số trường như ĐH dân lập Thăng Long, ĐH dân lập Phương Đông, ĐH Công nghệ quản trị kinh doanh, ĐH Duy Tân Đà Nẵng, ĐH dân lập Hải Phòng… đã khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình. Sinh viên học ở những trường này khi ra trường đa phần đã tìm được việc làm. Vì vậy, cho đến nay các trường này vẫn thu hút được lượng thí sinh đáp ứng với chỉ tiêu. Và để xây dựng được uy tín như vậy, một trường ĐH dân lập phải mất từ 10 năm trở lên.
Trong khi đó, từ năm 1996 đến nay, cả nước có khoảng 230 trường ĐH được mở mới, rất nhiều trường thiếu giáo viên. Bộ GD&ĐT lại không đủ sức đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo để đảm bảo chất lượng sinh viên thực sự có trình độ ĐH. Vì vậy, đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH khó xin việc.
Với nhiều cái khó như vậy, các trường ĐH-CĐ ngoài công lập sẽ làm thế nào để đảm bảo chất lượng giáo dục, thưa ông?
Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần có cơ chế đánh giá, kiểm định chất lượng của các trường ĐH-CĐ, cùng với đó là siết chặt "đầu ra". Các trường ĐH -CĐ phải liên tục rà soát, kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh. Với những em còn hổng kiến thức, trường phải có trách nhiệm bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Sau một thời gian, đủ trình độ thì cho các học sinh đó tiếp tục học chương trình ĐH-CĐ. Những học sinh này có thể phải kéo dài thời gian học tập cả trong dịp hè.
Về lâu dài, Bộ GD&ĐT nên sớm có chủ trương phân luồng từ xa, sau khi học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) nên chia học sinh vào học ở 3 loại hình trường dựa trên năng lực học tập: trung học phổ thông (THPT), trung học chuyên nghiệp (THCN) và trung học nghề, mỗi loại hình trường chiếm khoảng 1/3 số học sinh tốt nghiệp THCS.
Hiện nay, cả nước có khoảng 2.000 trường THPT. Nhà nước nên có chủ trương chia 2.000 trường này thành 3 loại: trường THPT để đào tạo những học sinh ngay từ THCS được đánh giá là khá – giỏi để tiếp tục đào tạo lên ĐH-CĐ. Hai loại còn lại là THCN và TH nghề thì đào tạo tất cả học sinh còn lại. Nhà nước nên có chính sách đầu tư cho tất cả các loại hình trường này nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo. Các em học THCN, học nghề sau khi tốt nghiệp, đi làm trong 3 năm để có kinh nghiệm thực tiễn, sau đó họ có thể tiếp tục nộp đơn xin vào học ở các trường ĐH-CĐ theo chuyên ngành nếu họ mong muốn.
Như vậy, dù công lập hay dân lập thì chất lượng "đầu ra" sẽ phản ánh quá trình đào tạo đó.
Vậy, việc điểm sàn tuyển sinh ĐH-CĐ bị hạ thấp có ảnh hưởng đến chất lượng của "đầu ra" không, thưa ông?
Lâu nay, mọi người quan niệm chỉ đầu vào tốt thì đầu ra mới đảm bảo chất lượng, theo tôi không hoàn toàn đúng như vậy.
Tôi lấy ví dụ Trường Hà Nội Aptech họ tuyển sinh không yêu cầu trình độ học vấn cao, miễn là người học thực sự say mê nghề và được học theo nguyện vọng. Tôi biết, rất nhiều em đến đây trong tâm thế của người thất bại khi vừa thi trượt ĐH. Nhưng sau 2-3 năm được đào tạo, sinh viên ra trường có thể làm việc rất tốt, khi ra trường nhiều em có việc làm ngay với mức lương cao. Thậm chí, một số sinh viên đã tìm được việc làm tại các công ty liên doanh với trường ngay cả khi chưa tốt nghiệp.
Về luật mà nói, học sinh đã tốt nghiệp THPT đều được quyền học ĐH-CĐ. Ở các nước trên thế giới, học sinh tốt nghiệp xong THPT, họ được đăng ký ghi tên vào học ĐH, đầu vào rất mở nhưng đầu ra thì vô cùng chặt, các trường sàng lọc rất kỹ trong quá trình đào tạo, bắt buộc học sinh phải học và khi ra trường luôn đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Theo Nguyên Hoa – Lã Vinh
(KTNT)

Bình luận (0)