Dù thế nào đi nữa, một xu hướng sẽ ngày càng trở nên rõ nét hơn, đó là Mỹ và châu Âu đang dần mất thế độc quyền trong giáo dục đại học.Australia, Canada, Nhật Bản hay Trung Quốc sẽ trở thành những địa chỉ hấp dẫn trong lĩnh vực này
Ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa
Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, đoạn quảng cáo, Chính phủ Mỹ tiếp thị hệ thống giáo dục đại học ở nước ngoài bằng một chiến dịch mới nhằm thu hút sinh viên Trung Quốc vào các giảng đường đại học Mỹ. Theo ông Frank Lavin thuộc Cơ quan Mậu dịch quốc tế Hoa Kỳ, người chủ trì chiến dịch quảng cáo, “Việc thu hút sinh viên ưu tú nhất từ khắp thế giới trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết” – Lavin nói – “Chúng tôi phải nỗ lực tối đa”. Trên thực tế, Mỹ không phải là nước duy nhất quảng bá hệ thống giáo dục ở nước ngoài. Đã qua thời những đại học uy tín như Harvard và Yale (Mỹ) hoặc Cambridge và Oxford (Anh) ngồi chờ sinh viên đến xếp hàng ghi danh.
Rõ ràng xu hướng toàn cầu hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến bức tranh giáo dục đại học trên phạm vi toàn thế giới. Ý tưởng “xuất khẩu” giáo dục đại học và việc coi giáo dục như một sản phẩm chẳng còn là điều mới lạ. Trung Quốc và Ấn Độ đang chi mạnh tay cho việc xây mới hoặc nâng cấp hạ tầng hệ thống đại học, đồng thời chi hàng triệu USD để quảng cáo thu hút sinh viên nước ngoài. Hệ thống giáo dục đại học châu Âu bắt đầu được điều chỉnh để nâng cao sức thu hút. Tất nhiên phần thắng sẽ thuộc về những quốc gia có hệ thống giáo dục đại học đạt chuẩn quốc tế ở mọi cấp độ.
Những sai lầm trong chính sách hạn chế visa sinh viên sau sự kiện khủng bố nước Mỹ 11-9-2001 bắt đầu được Washington điều chỉnh. Mặc dù “công nghiệp” giáo dục đại học cho sinh viên nước ngoài đã đem lại hơn 14 tỷ USD cho kinh tế Mỹ chỉ riêng năm 2006, song thị phần Mỹ trong thị trường giáo dục đại học toàn cầu (hiện có hơn 2,5 triệu sinh viên du học nước ngoài tính toàn thế giới) đang bắt đầu giảm. Theo số liệu mà Newsweek đăng tải trong số chuyên đề giáo dục đại học toàn cầu, trong số 6 quốc gia đứng hàng đầu về lực hút sinh viên nước ngoài, Mỹ là nơi có tỷ lệ tăng trưởng kém nhất giai đoạn 2000-2005, chỉ thu hút nhiều hơn 17% sinh viên, so với 81% tại Pháp và 108% tại Nhật.
Những “thương hiệu” danh tiếng vẫn tiếp tục là chọn lựa đầu tiên của tất cả. Hệ thống các đại học tinh túy của Mỹ, trong đó có Harvard, Columbia, Princeton, Yale, Cornell, Brown) và “Oxbridge” (Oxford và Cambridge) vẫn là nơi đủ tài lực để duy trì hệ thống thư viện tốt nhất, phòng nghiên cứu tốt nhất và giáo sư tốt nhất. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các trường này “ngồi im” đợi học sinh đến ghi danh. Từ đầu năm 2007, Đại học Harvard chi khoản tài chính khổng lồ 28 tỷ USD (hơn tất cả đại học Anh gộp lại) để thực hiện một chính sách ưu đãi gần như chẳng trường nào dám: Hỗ trợ phương tiện đi lại miễn phí cho tất cả sinh viên thuộc gia đình có thu nhập ít hơn 60.000 USD/năm.
Nhiều nước châu Á nâng cao chất lượng giáo dục
Trung Quốc hiện chi 0,5% GDP hàng năm cho giáo dục đại học và có kế hoạch đầu tư đến 4% – cao hơn mức 1,1% của châu Âu và cả mức 2,7% của Mỹ. Đầu năm 2007, Malaysia tuyên bố mục tiêu trở thành điểm đến của 100.000 du học sinh quốc tế (gấp đôi hiện tại) vào trước năm 2010.
Trong khi đó, hệ thống đại học Singapore thậm chí đưa ra mức lương cạnh tranh với những đại học “xịn” nhất của Mỹ (giáo sư trẻ có thể được trả 180.000 USD/năm tại Singapore). Chưa hết, nhiều đại học châu Á bắt đầu đưa ra chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chất lượng đại học châu Á ngày càng được nâng cao, song song với số lượng.
Để thu hút sinh viên nước ngoài, nhiều đại học đã “toàn cầu hóa” bản thân bằng việc lập cơ sở ở nước ngoài cũng như thực hiện các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo. Trường đào tạo kinh tế nổi tiếng của Pháp, INSEAD, hiện cho phép sinh viên tự do đi lại giữa khu học xá tại Paris và chi nhánh Singapore. Từ giữa năm 2007, INSEAD đã liên kết đào tạo chương trình thạc sĩ (MBA) với Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Số liệu tháng 5-2007 của Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ cho biết 131 đại học tư Ấn Độ đã thiết lập chương trình liên kết với các đại học nước ngoài; và gần 1/2 viện đại học Anh cũng mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên họ tại Trung Quốc.
Sức nóng cạnh tranh từ châu Á đang phả vào lưng phương Tây. Đầu năm 2007, Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ chi 1 triệu USD để mở rộng chiến dịch quảng cáo tại Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2008. Tại Anh, 79% cao đẳng và đại học đều tăng chi phí tiếp thị và công tác tuyển sinh tại nước ngoài trong năm 2007. Tháng 7-2007, Chính phủ Pháp ban hành kế hoạch cải tổ và chấn chỉnh từ “trên nóc” một hệ thống giáo dục đại học với ngân sách 5 tỷ Euro cho chương trình hiện đại hóa từ nay đến năm 2012.
Dù thế nào đi nữa, một xu hướng sẽ ngày càng trở nên rõ nét hơn, đó là Mỹ và châu Âu đang dần mất thế độc quyền trong giáo dục đại học. Australia, Canada, Nhật Bản hay Trung Quốc sẽ trở thành những địa chỉ hấp dẫn trong lĩnh vực này.
H.HOA
Bình luận (0)