Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Giáo dục đại học ngoài công lập đang khủng hoảng?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều đại học ngoài công lập đang như “ngồi trên lửa” khi không kiếm đủ sinh viên cho sự tồn tại của trường. Nhiều ngành học đóng cửa. Một số trường đang đứng bên bờ vực đóng cửa hoặc nhắm mắt làm sai quy chế tuyển sinh để kiếm cho ra người học. Một sự khủng hoảng đang diễn ra đối với các nhà đầu tư giáo dục đại học !?.
Khó có thể tìm từ nào “dễ chịu” hơn để chỉ về cái bát nháo trong tuyển sinh ĐH những năm gần đây – khi các trường ĐH được mở ra ồ ạt. Nghịch lý đã chồng lên nghịch lý khi: càng nhiều ĐH, việc tuyển sinh càng rối loạn hơn, các trường càng thiếu học sinh trầm trọng hơn, trong lúc cả nửa triệu HS rớt ĐH vẫn “lông bông” ngoài xã hội.
Một “thị trường” giáo dục đại học hỗn độn
Để tồn tại, đủ loại chiêu để mời gọi SV đã được các trường ĐH vận dụng tối đa. Hàng loạt ĐH đã tự biến mình thành trường “vùng sâu vùng xa” để “xin” Bộ GD-ĐT được hưởng điều 33 của quy chế tuyển sinh với “Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh”  sẽ thấp hơn điểm sàn. Điểm tối đa được ưu tiên cộng thêm của thí sinh sẽ là 5, như vậy TS chỉ cần đạt 8 điểm là có thể đậu ĐH.
Các chiêu khác như tặng học bổng, tặng quà, giảm học phí cho TS cũng được nhiều trường áp dụng.
Trong lúc đó, một số ĐH công lập lớn lại tận dụng phương thức “ đào tạo theo địa chỉ sử dụng”, đào tạo ngoài chỉ tiêu Nhà nước… nhằm kéo thêm SV có điểm thấp để thu học phí theo giá cao.
 Ngày 5-8 vừa qua, lãnh đạo các ĐH ngoài công lập đã họp tại Hà Nội với tiếng kêu khẩn thiết: “ĐH ngoài công lập đứng trước nguy cơ tan rã”!
Vấn đề được đặt ra: Nhà nước đã rất vất vả để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, nhưng khi nhà đầu tư bỏ ra nhiều tỷ đồng đổ vào mở trường, thì hàng năm họ lại đứng trước nguy cơ “tan rã” trường lớp. Như vậy phải xem lại trong vai trò quản lý, Bộ GD-ĐT đã hành xử chỗ nào đó thiếu hợp lý, không khoa học, nên đã không tận dụng được những đồng tiền quý giá của nhà đầu tư để phát triển GD; cũng như đẩy các nhà đầu tư luôn ở vào trạng thái sắp “vỡ nợ”.
Cái gốc: hệ thống giáo dục xơ cứng
Trước đổi mới, bậc ĐH vẫn mang tính chất đào tạo tinh hoa, với hệ thống ĐH nghiên cứu ( ĐH truyền thống) gần như là chủ đạo. Cạnh đó có hệ thống ĐH tại chức, và chương trình của bậc học này cũng gần như được “bê nguyên si” từ chương trình của ĐH nghiên cứu sang để “bảo đảm cùng một chất lượng đào tạo”.
 Cùng với sự đổi mới của KT-XH, hàng loạt ĐH ngoài công lập đã được mở ồ ạt, cũng hầu hết đều thuộc loại ĐH nghiên cứu. Hiện đã có 62/63 tỉnh thành có trường ĐH –CĐ. Chỉ trong vòng 10 năm (2000-2011) cả nước có từ 69 trường ĐH tăng lên 163 trường.
Sự gia tăng nhanh chóng này đã vượt khỏi tầm quản lý của Bộ GD-ĐT. Báo cáo số 760 của Bộ GD-ĐT năm 2009 thừa nhận: “Khả năng kiểm soát hoạt động của các trường trong cả nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất hạn chế (nếu mỗi tuần Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra, kiểm tra 2 trường đại học, cao đẳng thì phải mất 3,5 năm mới thanh tra, kiểm tra hết một lượt 376 trường đại học, cao đẳng”.
Với một hệ thống giáo dục xơ cứng mà hầu hết ĐH đều học chung một chương trình “nghiên cứu”, chuyện gì đã xảy ra?
Trước nhất, đã gây “bế tắc” ở khâu tuyển sinh ĐH. Có lẽ Bộ GD-ĐT cũng như dư luận xã hội không thể nào chấp nhận tình trạng: HS đậu ĐH với điểm 24-25, lại học cùng”chương trình nghiên cứu” với HS thậm chí chỉ cần 8 điểm là đậu.
Thứ hai, như nhận định của Bộ GD-ĐT: “Khoảng 20% trường đại học, cao đẳng (12 trường) được thành lập mới hoặc nâng cấp lên đại học từ năm 2005 trở lại đây chưa chuẩn bị đồng bộ 4 yếu tố về: đất đai xây dựng trường; đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm, …” . Cùng là ĐH nghiên cứu, nhưng trường chưa có cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ cho việc học và nghiên cứu như thư viện, phòng thí nghiệm…hoặc có cũng ở mức độ “làm kiểng” thì làm sao tổ chức dạy và học theo hướng nghiên cứu được. Thế mà, vẫn có một sự thật đau lòng tồn tại như thế trong hệ thống ĐH Việt Nam nhiều năm .
Tình trạng đánh đồng như vậy, đã để lại hình ảnh xấu về chất lượng nền GD ĐH, đồng thời gây “hỏa mù” trong phụ huynh và học sinh – họ làm sao có đủ thông tin để phân biệt trường tốt, trường xấu. Và, để chắc ăn, họ chọn vào ĐH công lập hoặc những ĐH dân lập đã mở trên 10 năm, đã kịp gây dựng được thương hiệu trong những buổi đầu GD mở cửa còn rất ít trường (dù rằng rất nhiều ĐH dân lập sau hơn 10 năm hoạt động, cổ đông được chia lời rất lớn, nhưng trang thiết bị dạy và học tối thiểu như thư viện, phòng thí nghiệm…, kể cả giảng viên, vẫn tiếp tục là “một tồn tại”!). Cũng chính tình trạng này là một thiệt thòi cho những nhà đầu tư giáo dục mới xuất hiện sau này. Dù họ có thiện chí làm GD đàng hoàng, có bỏ ra số tiền rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất khang trang đến mấy, vẫn bị chìm khuất trong mớ hỗn độn của ĐH hiện nay, vì người học đã bị nhiễu thông tin.
Làm sao để cứu vãn hình ảnh giáo dục ĐH, cứu vãn các nhà đầu tư giáo dục chân chính?
Bài toán phân tầng đại học
Chính phủ và Bộ GD-ĐT đã kêu gọi xây dựng Việt Nam thành một “xã hội học tập” với phương châm “học suốt đời”. Đây là hướng đi đúng đắn, tiệm cận với phương thức học tập của các xã hội phát triển. Bởi, với sức tiến như vũ bão của khoa học, của tri thức nhân loại hôm nay, con người lao động phải thường xuyên được củng cố và tiếp thu kiến thức mới trong suốt cuộc đời làm việc của họ, thì mới có thể đạt hiệu quả cao nhất.
 Đáp ứng cho một xã hội học tập suốt đời, rất cần có một hệ thống giáo dục linh hoạt đáp ứng mọi nhu cầu học tập đa dạng của người dân mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi ở tất cả các bậc học. Vì vậy, các nền giáo dục tiên tiến  đã chuyển hóa hệ thống giáo dục ĐH “tháp ngà” sang phục vụ cho nhiều trình độ học tập – nói như GS Phạm Phụ: giáo dục ĐH phải được phân tầng.
Tức là, ngoài ĐH truyền thống ( chương trình học mang tính nghiên cứu); còn có ĐH cộng đồng ở các địa phương, nhằm tạo nguồn nhân lực cho KT-XH của địa phương (yêu cầu cơ sở vật chất và chương trình học cũng nhẹ hơn ĐH nghiên cứu); Kế đó là ĐH tại chức – thực hành (tăng cường  nội dung thực hành sát với đời sống việc làm); Và, cuối cùng là các ĐH mở, ĐH từ xa, ĐH trực tuyến…nhằm phổ cập kiến thức ĐH cho người dân có nhu cầu. Các “tầng” ĐH đều có cách liên thông với nhau. Tạo cơ chế học tập mềm cho người học.
Điều quan trọng là, mỗi một “tầng” ĐH như vậy, đều có một nội dung chương trình đaò tạo theo chất lượng riêng, phù hợp với từng đối tượng của loại trường. Xã hội sẽ căn cứ vào loại hình đào tạo mà sử dụng con người lao động đúng yêu cầu.
Tất nhiên, sự phân tầng ĐH này phải đặt trên sự kiểm định về điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên của nhà trường. Điều này đỏi hỏi “ đạo đức nghề nghiệp” và “trách nhiệm công vụ” của các viên chức có trách nhiệm trong ngành giáo dục.
Khi đã có sự phân tầng rõ ràng, việc tuyển sinh ĐH sẽ dễ dàng hơn, tùy theo trình độ, hoàn cảnh kinh tế, thời gian.Và, khi đó điểm sàn không cần phải đặt ra, bởi từng loại trường đã chọn đúng người học cho mình. Mặt khác, loại trường nào ra trường đó sẽ cung cấp một thông tin minh bạch đến cho người học dễ chọn lựa phương thức học, và các nhà đầu tư giáo dục chân chính không bị “hòa tan” trong mớ hỗn độn như hiện nay. Đồng thời, lúc đó chất lượng giáo dục ĐH được nhận chân một cách chính xác hơn.
Điều cuối cùng là, vấn đề thuộc về con người : Khi nền GD chấp nhận  các SV có trình độ thấp vào học ĐH nghiên cứu trong sự dè bỉu của dư luận xã hội, tạo nên sự “yếm thế” không đáng có với một con người mới đặt những bước đầu tiên vào cuộc đời nghề nghiệp, lâu dài sẽ tạo cảm xúc “chai lì” với họ, đó là điều cực kỳ nguy hiểm.
Một nền giáo dục tốt là một nền giáo dục tạo sự tự tin cho tất cả mọi người ở bất cứ trạng thái nào của cuộc sống!
Theo Mai Lan
(Thời Báo Kinh tế Sài Gòn)

Bình luận (0)