Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục đại học ở ĐBSCL: Những mảnh ghép chưa hoàn hảo

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học ngành y tại ĐBSCL

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến cuối năm 2010, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 11 trường ĐH – đây cũng là nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn vùng. Thế nhưng, sự “nở nồi” về số lượng trường ĐH của vùng chưa đáp ứng được đòi hỏi về chất lượng…
Chen nhau đào tạo cùng ngành nghề
Dường như, do các tỉnh, thành ĐBSCL có nhiều cái chung nên đã ảnh hưởng đến việc xây dựng các ngành nghề đào tạo của các trường. Nhìn vào thông báo tuyển sinh năm 2012, chúng ta sẽ thấy rõ được sự “giống nhau” này. Nếu như ĐH Cần Thơ có các ngành sư phạm thì ĐH Tây Đô, ĐH Võ Trường Toản, ĐH An Giang, ĐH Trà Vinh, ĐH Bạc Liêu… thậm chí Trung tâm ĐH tại chức Cần Thơ cũng liên kết đào tạo giáo viên sư phạm. Đó là chưa kể, trước đây, hàng loạt trung tâm GDTX ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng liên kết với các trường sư phạm để mở lớp đào tạo giáo viên. Trong khi đó, toàn vùng chỉ có hơn 400 trường THPT. Và điều tất yếu dẫn đến hệ lụy giáo viên không tìm được chỗ dạy sau khi tốt nghiệp ĐH. Khi thấy nhiều anh chị không tìm được việc làm, học sinh THPT sẽ “tránh” các ngành này dẫn đến tình trạng một số ngành không thể tuyển đủ thí sinh. Chẳng hạn, tuyển sinh năm 2011, hầu hết các ngành sư phạm của Trường ĐH An Giang đều có số lượng thí sinh đăng ký dự thi thấp so với chỉ tiêu. Riêng hai ngành sư phạm kỹ thuật nông nghiệp và sư phạm kỹ thuật công nghiệp, nhiều năm liền Trường ĐH An Giang không thể tuyển sinh. Đây cũng là tình trạng chung của Trường ĐH Đồng Tháp. Vì vậy, năm 2011, Trường ĐH Đồng Tháp đã phải tuyển đến nguyện vọng 3… Có thể nói, ngoài Trường ĐH Cần Thơ thì ĐH Đồng Tháp, ĐH An Giang là hai trường thuộc loại “khá” trong khu vực nhưng đã “lận đận” trong tuyển sinh nên các trường khác còn bi đát hơn…
Tương tự như ngành sư phạm là ngành nông nghiệp, tình trạng “khan hiếm” sinh viên cũng diễn ra. Ông Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết: “Mặc dù đã tuyển đến nguyện vọng 3 nhưng mỗi năm trường chỉ tuyển được 50-60% chỉ tiêu của ngành nông nghiệp”. Là trường ĐH lớn nhất vùng nhưng năm 2011, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành nông nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ cũng giảm khoảng 20%…    
Sự trùng lắp dường như được dự báo trước khi hàng loạt trường ĐH ở ĐBSCL ra đời. Trong đó có một số trường được thành lập mới, một số trường được nâng cấp… Dù hình thức khác nhau nhưng các trường này đều có một đặc điểm chung là thiếu điều kiện cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị hiện đại và thiếu lực lượng giảng viên cơ hữu đạt yêu cầu. Vì vậy, trong điều kiện “chân ướt chân ráo” lên ĐH, các trường phải chọn đào tạo những ngành nghề không đòi hỏi nhiều trang thiết bị hiện đại để nghiên cứu thực hành và trên hết là những ngành “dễ” thỉnh giảng giảng viên. Sự nở rộ các ngành nghề trùng lắp của các trường đã chia sẻ lượng thí sinh dường như không tăng hằng năm. Vì vậy, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn tuyển sinh là không tránh khỏi.
Khó mở những ngành nghề kỹ thuật cao
Việc đào tạo những ngành nghề kỹ thuật cao ở các trường ĐH chiếm không nhiều, thậm chí “đếm trên đầu ngón tay”. Trường ĐH Cần Thơ – trường ĐH duy nhất của ĐBSCL được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo chương trình tiên tiến ở hai ngành: Công nghệ sinh học và nuôi trồng thủy sản nhưng 6 năm qua, trường rất khó tuyển sinh. Mặc dù đây là chương trình đào tạo trong nước gần với chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Một trong những nguyên nhân khó tuyển là trình độ tiếng Anh của nhiều thí sinh chưa đạt yêu cầu, trong khi chương trình này sẽ học các học phần chuyên môn bằng tiếng Anh. Bằng tốt nghiệp sẽ do Trường ĐH Cần Thơ cấp và sinh viên có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, vững vàng về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, có cơ hội việc làm cao hơn tại một số đơn vị nước ngoài. Điều này lại đặt ra thêm một câu hỏi về chất lượng của giáo dục phổ thông tại các tỉnh, thành ĐBSCL.
Việc mở ngành mới, nhất là ngành nghề kỹ thuật cao đòi hỏi đảm bảo đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giảng viên. Theo TS. Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, kinh phí đầu tư cho khối ngành kỹ thuật khá lớn, trong khi kinh phí phân bổ hằng năm của tỉnh cho trường vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu. Thiếu tiềm lực thực sự nên nhiều trường không dám mở các ngành kỹ thuật cao. Còn TS. Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, băn khoăn: “Muốn mở một ngành kỹ thuật cao cần phải có điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng. Đặc biệt phải có thiết bị đạt yêu cầu để đào tạo thực hành. Một phòng thí nghiệm trung bình phải đầu tư 5 tỷ đồng trở lên. Vì vậy, trường không có kinh phí, rất khó để mở ngành mới”. Đặc biệt, vấn đề “con người” cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc khó mở ngành kỹ thuật cao vì hầu hết các trường ĐH trong vùng đều thiếu nhân lực chất lượng cao để có thể làm đầu tàu giảng dạy. Là trường ĐH lâu đời nhất vùng nhưng ĐH Cần Thơ chỉ có 17% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, còn một số trường ĐH khác thì số lượng tiến sĩ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay…
Loay hoay với những ngành cũ, những ngành mà nhiều người biết chắc rằng đào tạo sẽ trùng lắp nhưng vẫn phải làm bởi vì đây là những ngành dễ mở, dễ đào tạo và dễ thỉnh giảng giáo viên… Tất nhiên chính vì có nhiều cái dễ nên dẫn đến hệ lụy mà nhiều người có thể dự báo trước. Đó là những cử nhân, kỹ sư này sẽ không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH.
(Còn tiếp)
Bảo Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)