Năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ sư phạm cần đẩy mạnh tự chủ đi vào chiều sâu và thực chất; triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề cập bốn nhiệm vụ trọng tâm, đột phá với giáo dục ĐH tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục ĐH diễn ra mới đây
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục ĐH, CĐ sư phạm mới ban hành, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Đẩy mạnh tự chủ đi vào chiều sâu
Trước đó, tại hội nghị “Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục ĐH” do Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng đã nhấn mạnh về bốn nhiệm vụ trọng tâm, đột phá này.
Cụ thể, thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị ĐH, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ ĐH đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo. Thứ hai, hoàn thiện, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng để xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục ĐH, lấy chất lượng làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục ĐH; triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trong giờ học cùng giảng viên
Thứ 3, nghiên cứu, đề xuất, áp dụng những cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho giáo dục ĐH. Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động giáo dục ĐH (từ hệ thống quản lý, tuyển sinh đến đào tạo) gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.
Nhìn lại năm học vừa qua, Thứ trưởng đánh giá, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng khối giáo dục ĐH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, việc triển khai tự chủ ĐH tiếp tục mang lại những kết quả trong toàn hệ thống. Nổi bật là công tác tuyển sinh tiếp tục được hoàn thiện, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ngày càng thuận lợi và tăng cơ hội cho thí sinh, minh bạch trong toàn hệ thống, được xã hội đánh giá cao. Đội ngũ giảng viên gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên và nhu cầu tự thân của các đơn vị. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong dạy học tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra, một số cơ sở giáo dục ĐH còn chậm kiện toàn bộ máy tổ chức, lúng túng trong việc thực hiện đúng và đầy đủ chức năng nhiệm vụ của hội đồng trường gây cản trở các hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Một số cơ sở giáo dục ĐH chưa thực hiện đúng quy định trong việc bảo đảm điều kiện mở ngành, điều kiện hoạt động của ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, liên kết đào tạo trong và ngoài nước…
Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện nhiều phương thức tuyển sinh nhưng chưa chú trọng yêu cầu chất lượng và sự công bằng giữa các phương thức. Một tỷ lệ không nhỏ cơ sở đào tạo tuyển chưa đạt 50% chỉ tiêu. Nhiều ngành thuộc lĩnh vực trọng điểm, thiết yếu với sự phát triển của đất nước, địa phương khó thu hút người học. Việc triển khai đào tạo giáo viên theo Nghị định 116; đào tạo tiến sĩ, giảng viên theo Đề án 98 còn gặp khó khăn ở nhiều khâu. Công tác đánh giá, kiểm định chất lượng ở một số nơi chưa đi vào thực chất, thậm chí còn gây phiền hà, tốn kém trong khi kết quả đánh giá, kiểm định chưa tạo ra sự chuyển biến căn bản chất lượng, đem lại lợi ích cho người học. Hoạt động khoa học công nghệ chưa thu hút được nguồn lực bên ngoài, doanh nghiệp; một số nơi còn chạy theo thành tích công bố thậm chí còn có vấn đề liêm chính học thuật…
Chuẩn bị phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp chương trình mới
Để thực hiện bốn nhiệm vụ nêu trên, nhiều giải pháp cụ thể được Bộ GD-ĐT đưa ra, đáng chú ý là hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024; chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, đối với việc hoàn thiện phương thức tuyển sinh năm 2024, cần khắc phục những bất cập hiện nay và cần theo hướng đơn giản hóa, đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh đưa ra những phương thức phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh. Còn việc xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Riêng các cơ sở có ngành đào tạo giáo viên cần chủ động làm việc với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 71 của Chính phủ (quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS) và Nghị định số 116 của Chính phủ (quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm). Gắn kết chặt chẽ giữa năng lực đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Chú trọng công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và trình độ đội ngũ giảng viên; xây dựng chế độ làm việc, đánh giá và đãi ngộ giảng viên; gắn kết các hoạt động giảng dạy với nghiên cứu khoa học. Theo đó, rà soát, cử giảng viên tham gia đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo giai đoạn 2022-2030” bảo đảm đúng đối tượng, phù hợp yêu cầu thực tiễn. Tăng cường bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên; gắn kết nghiên cứu với giảng dạy, hợp tác nghiên cứu với các giảng viên trong và ngoài nước… Cùng với đó, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo và công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả hoạt động, nhất là những chỉ số cốt lõi; tập trung phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đẩy mạnh kiểm định chất lượng.
Thu hút các nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh giải ngân. Trong đó, tăng cường thu hút những nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, phù hợp với quy mô đào tạo và yêu cầu thực tiễn. Đối với các cơ sở đào tạo công lập, tiếp tục thực hiện hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất với các dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ then chốt để nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, thúc đẩy phát triển cơ sở đào tạo. Đẩy mạnh tự chủ tài chính, thực hiện lộ trình tự chủ tài chính theo quy định. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ năm học của cơ sở đào tạo; tăng cường chuyển đổi số trong dạy và học…
Thục Trân
Bình luận (0)