Rèn luyện kỹ năng sống để GDĐĐ cho học sinh |
Giáo dục đạo đức (GDĐĐ) là nhằm hướng tới mục đích đào tạo những con người không chỉ có tài mà còn có đức, để các em trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội. Vậy, làm thế nào để GDĐĐ đạt hiệu quả?
Đóng góp của bộ môn giáo dục công dân
Ở cấp tiểu học, các em học sinh đã được thầy cô rèn luyện đức dục qua những bài học về đạo đức như tính thật thà, lòng dũng cảm, tình bạn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước… Những bài học từ “Năm điều Bác Hồ dạy” là hành trang chuẩn mực về quá trình rèn luyện đạo đức của học sinh cho đến khi các em bước chân vào bậc THCS và THPT. Chương trình của bộ môn giáo dục công dân (GDCD) từ lớp 6 đến 12 đã đáp ứng được yêu cầu về định hướng giáo dục cho học sinh trong độ tuổi vị thành niên. Tại hội nghị tập huấn giáo viên về GDĐĐ do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM TS, Huỳnh Công Minh khẳng định: “Những kiến thức từ môn GDCD đã vượt ra khỏi SGK để đến với từng đối tượng học sinh, kích thích tính tích cực, phù hợp với tâm lý của các em”.
Ông Huỳnh Công Minh đã đưa ra một số điển hình ở TP.HCM trong công tác GDĐĐ như thầy Trần Tuấn Anh – giáo viên dạy môn GDCD Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) – từ một học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã phấn đấu thành một giáo viên giỏi, đưa CNTT vào bài giảng, tạo nên hiệu ứng tốt về phương pháp dạy…
Những điều cảnh báo
Bàn về GDĐĐ trong nhà trường, GS. Trần Thanh Đạm phân tích: “Phải thấy rằng GDĐĐ khó hơn trí dục vì GDĐĐ không có một đề cương, giáo án nào có sẵn. GDĐĐ không tách ra đứng một mình mà được lồng ghép vào từng bài giảng, thấm sâu vào học sinh mỗi ngày”. Theo GS. Trần Thanh Đạm, kiến thức nào cũng có tính tư tưởng. Không chỉ các môn KHXH mà các môn KHTN cũng mang tính giáo dục trong đó. GS. Chu Phạm Ngọc Sơn từng nói: “Dạy hóa học là dạy lòng yêu nước”. GDĐĐ không chỉ là những lời nói suông theo kiểu “đao to búa lớn” mà thấm vào từng trang sách, bài học qua những việc làm cụ thể và những hành động thiết thực. Cha mẹ làm gương cho con cái, thầy cô mẫu mực trước học trò, người lớn tạo niềm tin cho lớp trẻ… Hiện nay nhà trường rất quan tâm tới việc GDĐĐ cho học sinh nhưng vẫn còn tồn tại những mặt trái của cuộc sống: Học sinh đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo, ý thức phấn đấu kém… Nhiều người lo ngại cho sự xuống dốc của đạo đức xã hội, trong đó có sự băng hoại về giá trị đạo đức của giới trẻ. GS. Nguyễn Lộc – Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam lo lắng: “Tuy là một trong 7 vấn đề xã hội cần ưu tiên nhưng hiện nay, GDĐĐ đang bị lãng quên” (?). Khi nhắc lại sự kiện chợ hoa ngày Tết ở Thủ đô Hà Nội và vụ sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tạt a-xít vào thầy giáo của mình, GS. Nguyễn Lộc cho rằng đó là tiếng chuông cảnh báo GDĐĐ đang đứng trước khủng hoảng. Sự xuống cấp của đạo đức có nhiều nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về nhiều ngành, nhưng trước hết trách nhiệm đó là của nhà trường – nơi GDĐĐ con người từ khi mới cắp sách đi học đến lúc bước chân vào đời.
Bài, ảnh: PHAN NGỌC QUANG
Bình luận (0)