Các chuyên gia giáo dục đã gióng hồi chuông cảnh báo về những biểu hiện đáng lo ngại liên quan đến đạo đức của HS, SV hiện nay trong một cuộc hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực trong học sinh phổ thông, được Bộ GD-ĐT tổ chức trong tháng 11.
Từ những biểu hiện lệch lạc…
Tiết mục GDCD tại Trường TH Quang Trung. Ảnh: Linh Tâm |
Những biểu hiện này được các nhà giáo dục lưu ý, trước tiên là ở tỷ lệ HS nói dối cha mẹ tăng dần cùng lứa tuổi. Một khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam cho thấy, tỷ lệ học sinh tiểu học nói dối cha mẹ là 22%, THCS 50% và lên đến cấp THPT thì tỷ lệ này lên tới 64%. Ở trường, hành vi này cũng được thể hiện qua tỷ lệ quay cóp: ở tiểu học là 8%, ở THCS là 55%, ở cấp THPT là 60%. Năm 2004, chỉ có 600 HS, SV nghiện ma túy thì đến năm 2007, con số này đã ở mức 1.234 HS, SV. Bà Lê Nguyên Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho rằng, càng lớn, ý thức đạo đức của HS càng đi xuống.
Những thông tin mà Vụ Công tác HS, SV, Bộ GD-ĐT đưa ra rất đáng lưu ý. Một cuộc thăm dò đối với 500 học sinh THCS ở TP Hồ Chí Minh cho thấy 32,2% HS có thái độ vô lễ với thầy, cô giáo; 38% thường xuyên nói tục; nhiều HS chỉ chào hỏi thầy cô ở trong trường, còn khi gặp ở ngoài trường thì cứ như không quen biết…
Khởi nguồn của những lệch lạc trên, theo bà Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội thì ở lứa tuổi từ 10 đến 19, HS hay gặp những điều khó mà tự mình không thể giải quyết được. Trong khi đó, hằng ngày, các em phải tiếp nhận rất nhiều tác động, cả tích cực và tiêu cực – từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, dễ thấy là ảnh hưởng từ interrnet, gia đình không hạnh phúc, các vấn đề về bạo lực…
Đến tội phạm vị thành niên
Quan niệm không đúng về lối sống, một bộ phận HS tôn thờ giá trị vật chất. Hệ quả thấy ngay: sao nhãng học tập, thích thể hiện bản thân một cách thái quá; quan hệ yêu đương quá sớm, không lành mạnh; gian lận trong học tập và thi cử; thiếu ý thức tuân thủ pháp luật… Nhiều HS sa vào tệ nạn xã hội, rồi phạm tội. Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết: Tình hình HS, SV phạm tội diễn biến khá phức tạp, có xu hướng tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Theo báo cáo của 38 sở GD-ĐT, từ năm 2003 đến nay có hơn 8.000 HS tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật. Ở một số nơi có việc HS hành hung giáo viên; chém nhau ngay trong trường học, trước cổng trường; đánh đập và làm nhục bạn… Vẫn theo Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ thì từ năm 2005 đến năm 2008, số vụ vi phạm pháp luật hình sự trong HS, SV lên tới 8.000; trong đó có hơn 2.000 vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng; 815 vụ phạm tội liên quan đến ma túy, 83 vụ giết người, 1.372 vụ cướp tài sản, 1.117 vụ xâm hại sức khỏe, tính mạng người khác.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đồng (Trường THPT Mê Linh) cho biết : số liệu từ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mê Linh cho thấy có tới hơn 60% vụ việc phạm pháp do trẻ vị thành niên gây ra. Chính Trường THPT Mê Linh, do thường xuyên theo sát các hoạt động của học sinh, đã phối hợp với công an phát hiện, ngăn chặn thành công hai vụ HS tìm cách "giải quyết mâu thuẫn" bằng vũ khí nguy hiểm, tụ tập trước cổng trường để "thanh toán" nhau.
Bộ GD-ĐT có trách nhiệm lớn nhất
Bên cạnh nguyên nhân từ phía gia đình, xã hội, các nhà giáo dục vẫn khẳng định rằng, nhà trường có trách nhiệm chính trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Bà Lê Nguyên Hương cho rằng: Lâu nay chúng ta chỉ mới "coi" chứ chưa "trọng" việc giáo dục đạo đức, lối sống. Ngành giáo dục đang thiên về trí dục so với đức dục khi nhiều trường, nhiều địa phương chỉ chú trọng đến tỷ lệ HS tốt nghiệp, đỗ đại học mà chưa quan tâm đến tỷ lệ HS chăm ngoan, giáo viên chủ nhiệm giỏi… Công tác giáo dục HS cá biệt bị lãng quên hoặc thực hiện không quyết liệt, việc xử lý kỷ luật trở thành phổ biến, không ít trường hợp, thay vì đối thoại với học sinh thì lại thành "đối đầu".
Ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên thừa nhận: "Một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm hiệu quả của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là tình trạng nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người; chưa quan tâm đầy đủ, huy động các nguồn lực cần thiết cho công tác giáo dục đạo đức HS. Không ít nơi còn nặng về xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện, có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật. Một bộ phận thầy cô giáo, lẽ ra phải là tấm gương cho HS về đạo đức, lối sống thì lại vi phạm chuẩn mực đạo đức".
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Đoàn Thanh niên và Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm lớn nhất trước xã hội về đạo đức lối sống của HS. Trước mắt, Bộ sẽ lấy ý kiến đánh giá về nội dung chương trình môn Giáo dục công dân, có đề xuất về đội ngũ giáo viên môn học này. Mặt khác, Bộ cũng đang xây dựng tài liệu hướng dẫn tích hợp giáo dục kỹ năng sống trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Bên cạnh đó, Bộ Công an có đề xuất mô hình liên kết "Phường – trường", kết hợp giữa chính quyền và công an địa phương để quản lý, giáo dục HS, SV, góp phần phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội.
Quỳnh Phạm/HNM
Bình luận (0)