TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội |
Clip HS đánh nhau tại Trà Vinh đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Một lần nữa, người ta lại nhận thấy, môi trường giáo dục vẫn chưa bình yên.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ: Vụ việc này có thể nói tiếp tục là tiếng chuông cảnh báo bạo lực học đường vẫn diễn ra ở các trường học của chúng ta. Và tôi khẳng định nếu vẫn cách làm cũ thì những vụ việc tương tự vẫn chưa dừng lại. Bởi thực tế, chúng ta đang giải quyết theo hướng bịt lỗ dò, nơi nào có chuyện thì đến xử lý, không có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Ở cấp THCS, THPT, tâm lý HS đang biến động. Hành vi, cảm xúc của các em chưa thể cân bằng, giáo dục cần phải được đi trước một bước để tạo hành lang an toàn cho HS. Bạo lực học đường chính là phản ánh sự bất ổn của xã hội. Khi sinh hoạt cộng đồng trong xã hội dễ xảy ra xung đột (trong lễ hội, trong các cuộc vui…), sinh hoạt cộng đồng của chúng ta chưa văn minh, chưa lịch sự. Trường học cũng là hình ảnh của xã hội thu nhỏ, phản ánh cái bất an của xã hội.
PV: Vậy theo ông, nguyên nhân từ đâu?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Tôi nghĩ có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất là từ giáo dục gia đình. Giáo dục gia đình là nền móng đầu tiên. Nhưng giáo dục gia đình hiện nay đang khủng hoảng. Nhiều gia đình có kinh tế khó khăn nên không có điều kiện để quan tâm đến con cái. Phần lớn các em phải bỏ học giữa chừng. Tác động của bố mẹ đến các em hầu như không có. Còn những gia đình có điều kiện thì lại dùng đồng tiền để xử lý mọi chuyện nên con cái cũng hư hỏng. Chỉ còn một bộ phận những gia đình nề nếp gia phong. Như vậy giáo dục gia đình đang gặp khó khăn, không đồng đều và không chủ động.
Thứ hai là giáo dục nhà trường. Ở nhà trường thì giáo dục phát triển không đồng đều. Muốn làm tốt giáo dục trong trường học phải trông chờ vào đội ngũ giáo viên. Nhưng đội ngũ giáo viên hiện nay có hai xu hướng: Một là những người giỏi không vào sư phạm. Thứ hai các trường sư phạm chưa bắt kịp đổi mới, không có thời gian để luyện tay nghề cho giáo viên. Vai trò tâm lý sư phạm trong nhà trường chưa được coi trọng. Một điều nữa phải kể đến đó là chế độ chính sách cho giáo dục chưa đúng. Không phải ai là giáo viên cũng làm được giáo viên chủ nhiệm. Nguyên tắc hình thành nhân cách HS gồm 3 mặt: Tạo nhận thức đúng + thông qua cảm xúc + từ đó phải được củng cố bằng việc làm đúng, việc làm tốt. Nhưng giáo dục hiện nay mới làm được một việc là tạo nhận thức cho người học.
Thứ ba là tác động của các hoạt động xã hội. Như tôi đã nói ở trên, văn hóa xã hội bất ổn thì môi trường đạo đức trong trường học cũng thế.
Từ trước tới nay, chúng ta cũng đã đưa ra nhiều giải pháp. Vậy theo ông, mấu chốt để giải quyết vấn đề này là gì?
Chấm dứt tuyệt đối vấn đề này hơi khó. Nhưng tôi nghĩ cần một cách xử lý cho thỏa đáng và có chiến lược để làm. Phải có chế tài xử lý mạnh tay hơn. Nguyên tắc số 1 đó là HS phải được giáo dục. Biện pháp tốt nhất đó là HS phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình dù còn đang ở tuổi vị thành niên. Hiện chế tài xử lý của Bộ GD-ĐT nặng nhất là đuổi học, tôi nghĩ giải pháp này chưa đủ sức răn đe. Phải cho các em lao động công ích, có thể không chỉ một buổi mà nhiều buổi. Thứ hai là các bậc phụ huynh có con em xảy ra tình trạng này phải chịu trách nhiệm. Điều này sẽ có hai cái lợi. Một là HS sẽ nhận thấy việc mình làm sẽ liên lụy đến gia đình, hai là phụ huynh thấy có trách nhiệm để giáo dục con cái. Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm để xảy ra vụ việc cũng phải bị quy trách nhiệm. Như thế, họ mới có trách nhiệm ngăn chặn, phòng ngừa. Một việc nữa phải làm đó là các trường phải có chuyên gia tâm lý để HS chia sẻ. Vai trò của Đoàn Thanh niên trong các trường hiện nay chưa tổ chức được các hoạt động có ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi HS.
Nhiều người cho rằng, internet cũng có tác động đến bạo lực học đường, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Internet là một thành quả của công nghệ. Nhưng với Việt Nam, sử dụng internet đối với giới trẻ chưa có định hướng, hướng dẫn. Đồng thời, HS của chúng ta đang thiếu rất nhiều sân chơi. Chính vì vậy, internet nhiều khi là kênh giải trí duy nhất đối với HS.
Trước kia, nói đến bạo lực, người ta thường nghĩ là HS nam. Nhưng ngày nay, bạo lực trong HS nữ cũng không kém phần nghiêm trọng. Vậy việc giáo dục giới tính cho HS sẽ có tác động thế nào đến giảm bạo lực học đường, thưa ông?
Đối với HS nam, chúng ta có thể giáo dục cho các em sự dũng cảm, sự sẻ chia… HS nữ tuy đã có bình đẳng giới nhưng phải giáo dục cho các em không làm mất đi nét nữ tính của mình. Đối với HS nói chung, giáo dục giá trị sống để các em không còn đánh nhau, tôn vinh giá trị yêu thương, tôn vinh giá trị tôn trọng, tôn vinh giá trị khoan dung. Nói thì thế nhưng liệu giáo dục của chúng ta đã làm được việc này?
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)