Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục đạo đức HS-SV: Cũ… nhưng không dễ làm

Tạp Chí Giáo Dục

HS lớp 12A1 Trường THPT Lương Văn Can (Q.8) trong giờ ôn tập. Ảnh: Anh Khôi

Đạo đức trong học sinh, sinh viên (HS-SV) đang có vấn đề, nếu không muốn nói là xuống cấp. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia liên quan đến vấn đề giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho HS-SV thông qua việc đẩy mạnh công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Đạo đức có song hành cùng chất lượng giáo dục?
Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV (Bộ GD-ĐT), kết thúc năm học vừa qua, có trên 18 triệu HS tốt nghiệp. Trong đó, mầm non là trên 3 triệu, tiểu học trên 7 triệu, THCS gần 5 triệu và THPT là trên 2,7 triệu, số HS này được đánh giá đạt kết quả học tập, rèn luyện tốt. Song ông Ngũ Duy Anh cũng khẳng định, kết quả ấy không đủ mạnh để chúng ta có thể hài lòng và yên tâm với thế hệ tương lai của đất nước khi không ít HS còn có những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, đạo đức, lối sống dẫn đến đua đòi, chạy theo giá trị vật chất đơn thuần, ham hưởng thụ, bị cuốn hút vào trò chơi thiếu lành mạnh thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại… Thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2002 đến nay, tình trạng HS-SV vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ tội phạm và mức độ nghiêm trọng với khoảng trên 11.000 vụ. Các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm của HS-SV là gây rối trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, hiếp dâm, ma túy, thậm chí cả giết người. Đáng chú ý, gần đây có nhiều vụ dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn trong học đường với tính chất nguy hiểm như HS nữ tụ tập đánh nhau hội đồng, quay clip phát tán trên mạng gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh và gây bức xúc trong dư luận xã hội… Theo báo cáo của 38 sở GD-ĐT và 312 trường ĐH, CĐ, THCN, đến nay có khoảng 8.300 HS-SV vi phạm, bị các trường xử lý kỷ luật. Thực trạng này cho thấy hiệu quả giáo dục đạo đức cho HS-SV trong ngành GD-ĐT vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Đứng ở góc độ quản lý, ông Ngũ Duy Anh đưa ra bốn nguyên nhân. Đó là những tác động của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; những diễn biến phức tạp của các loại hình tội phạm, các tệ nạn xã hội gây tâm lý bất an cho xã hội cũng tác động sâu sắc tới đời sống của HS-SV; những thông tin giật gân, vô cảm của báo chí, nhất là các trang báo điện tử về các vụ việc vi phạm pháp luật trong xã hội, kể cả vi phạm của lứa tuổi HS…; cuộc sống hiện đại đầy bất an, bận rộn khiến các gia đình nhất là ở các thành phố lớn không có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc đến đời sống tinh thần của trẻ mà chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất.
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống

Học sinh lớp 12A9 Trường THPT Lương Văn Can (Q.8) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. Ảnh: Anh khôi

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục tư tưởng, lối sống, đạo đức cho HS-SV rất quan trọng. Tuy nhiên, cho đến giờ, chưa ai có thể đánh giá đúng được các bên có vai trò thực sự như thế nào. Khi có sự việc xảy ra, mọi người thường tìm cách đổ lỗi cho nhà trường. Bởi mọi người chỉ nhìn thấy nhà trường là nơi có nhiệm vụ chính giáo dục HS-SV. Còn gia đình, xã hội – hình như không có “tội” trong vấn đề này. Nhưng thực chất, vai trò của gia đình rất quan trọng. Qua trao đổi, nhiều giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy đều chung ý kiến, đa số những HS chưa ngoan đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt.
Còn theo nhiều chuyên gia, điều cần thiết nhất trong giáo dục HS-SV hiện nay là tăng cường giáo dục kỹ năng sống. Theo PGS.TS Nguyễn Dục Quang, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chúng ta phải phát triển các kỹ năng sống cần thiết ở HS-SV. Đó là các kỹ năng: Nhận thức, xác định giá trị, giao tiếp, ra quyết định, đương đầu với thách thức, kiên định, đặt mục tiêu… TS. Lê Thị Bích Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo TW) cũng cho rằng cần đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống cho HS đại trà ở các trường bằng cách tích hợp vào các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Cần đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức linh hoạt, tránh kiểu “tầm chương trích cú”, những vấn đề cao xa, lớn lao mà phải đưa vào các xử lý tình huống thực tế, bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, có kỷ luật.
Giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho HS-SV trong xã hội hiện nay là vấn đề không mới nhưng không dễ làm. Liên tiếp thời gian qua các vụ án, vụ trọng án liên quan đến HS-SV xảy ra trên địa bàn cả nước là hồi chuông báo động cho vấn đề này. Nếu chúng ta không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn, cái giá chúng ta phải trả sẽ rất đắt, sẽ không phải chỉ có một Nguyễn Đức Nghĩa, một Lê Văn Luyện mà còn nhiều hơn nữa. Sự vào cuộc của ba bên (gia đình, nhà trường, xã hội) là cần thiết nhưng mỗi bên sẽ có vai trò như thế nào thì vẫn còn nhiều câu hỏi.
Nghiêm Huê
“Cần đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức linh hoạt, tránh kiểu “tầm chương trích cú”, những vấn đề cao xa mà phải đưa vào các xử lý tình huống thực tế, bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, có kỷ luật”, TS. Lê Thị Bích Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo TW), khẳng định.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)