Một tiết học môn giáo dục công dân của học sinh THCS với nhiều hình ảnh minh họa thiết thực. Ảnh: Anh Khôi
|
Tiên học lễ – Hậu học văn tuy là phương châm giáo dục cũ nhưng gần đây lại được nhiều trường học chủ trương khôi phục lại. Xoay quanh khẩu hiệu này đã có nhiều cuộc tranh luận xảy ra sôi nổi trên các diễn đàn của các nhà nghiên cứu giáo dục.
Có nhiều quan niệm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng việc quy định Tiên học lễ – Hậu học văn là coi nhẹ việc học tri thức, hạn chế nâng cao dân trí. Tuy nhiên phần đông có ý kiến trái chiều với nhận định trên và cho rằng, luận đề này mang thông điệp cho mọi người “việc học cần đi từ văn tới lễ, hãy trau dồi đạo đức trước khi tiếp thu kiến thức văn hóa”. Đây là khẩu hiệu nhắc nhở thầy và trò đừng thiên lệch về văn hóa mà xao nhãng việc giữ gìn, trau dồi tư cách làm người.
Với thái độ thực tế và tinh thần phê phán có chọn lọc, chúng tôi thấy trong một giai đoạn nhất định có thể đưa khẩu hiệu trên vào các nhà trường để định hướng học tập và rèn luyện cho học sinh – sinh viên (HSSV). Thanh thiếu nhi học lễ tức là học biểu hiện lòng tôn trọng của mình với những giá trị cao quý của con người, phải tôn trọng tất cả mọi người nhất là cha mẹ, thầy cô giáo. Tuy vậy, câu khẩu hiệu trên cần phải được cải tạo và hiểu theo tinh thần mới.
Cuộc sống ngày nay đang nảy sinh những vấn đề phức tạp do phải chấp nhận cơ chế thị trường. Thực tế trong ngành giáo dục những năm qua các biểu hiện yếu kém về đạo đức xuất hiện tràn lan làm cho trò không ra trò, thầy cũng không ra thầy. Cụ thể là sự suy thoái đạo đức trong quan hệ thầy và trò, bè bạn; môi trường sư phạm xuống cấp, bạo lực trong nhà trường có xu hướng gia tăng, lối sống thiếu hoài bão lý tưởng… Điều này đã khẳng định khuynh hướng coi nhẹ đạo đức, là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các hiện tượng trên.
Ở một bộ phận HSSV còn coi nhẹ giáo dục đạo đức thẩm mỹ và các bộ môn chính trị, khoa học xã hội và nhân văn. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng nghiệp.
Chúng ta thừa nhận ý nghĩa của “lễ” và “học lễ”, song cần xác định nội hàm của “lễ” ở xã hội ngày nay. Về điểm này, theo chúng tôi, ý kiến của GS. Hồ Ngọc Đại là hoàn toàn xác đáng. Ông cho rằng: “Giáo dục lễ không phải lặp lại kỷ cương cũ mà xác lập kỷ cương mới, không phải dạy lễ mà hình thành lối sống mới”. Như vậy đã rõ, lễ ở đây chính là chuẩn mực, quy phạm, quy định, kỷ cương của xã hội mới; là những quy ước của cộng đồng trong xã hội mới. Mặt khác cũng khẳng định rằng, trong cái mới đó bao gồm cả cái tích cực trong quan niệm cũ, trong đạo đức cũ, trong những quy ước cũ. Sinh thời Bác Hồ cũng đã kế thừa những giá trị cũ, làm cho cái cũ mang nội dung và hình thức mới. Giáo dục đạo đức trong xã hội mới là giáo dục đạo đức cách mạng chứ không phải là đạo đức thủ cựu. Đặc biệt, nói đến vai trò của đức và tài, Bác nhiều lần nhấn mạnh: “Nhân cách con người bao gồm cả đức và tài, trong đó đức là gốc và tài là quan trọng”.
Có thể nói trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không xa rời đạo đức. Nhưng con người hiện đại không chỉ cần mặt đạo đức mà cần cả mặt tài năng. Đạo đức và tài năng đều cần thiết phải thống nhất trong một con người, có thể con người mới trở thành động lực mạnh mẽ của sự phát triển kinh tế và xã hội.
Bùi Ngọc Hải (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)
Trong sự nghiệp giáo dục hiện nay, Đảng ta luôn nhấn mạnh coi trọng giáo dục đạo đức, phê phán mọi biểu hiện xem nhẹ hình thức hóa việc giáo dục đạo đức, kêu gọi những hình thức giáo dục đạo đức phong phú từ gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội… |
Bình luận (0)