Bên cạnh việc dạy những bài học lý thuyết về đạo đức theo quy định trong sách giáo khoa (SGK), chúng ta cần đa dạng hóa việc giáo dục đạo đức cho học sinh (HS) bằng nhiều hình thức sáng tạo, năng động…
Việc học muôn hình muôn vẻ, đòi hỏi sự nhạy bén, nắm bắt tâm lý của từng lứa tuổi để có cách thức phù hợp. Các bài học trong SGK thường nặng về lý thuyết dông dài, rất khó nhớ đối với lứa tuổi HS. Hơn nữa, các yếu tố lý thuyết thường được “đóng khung” theo khuôn mẫu; trong lúc đó, cuộc sống diễn ra hàng ngày muôn hình vạn trạng… Vì vậy, việc giáo dục đạo đức cho HS cần có những cách làm mới, sáng tạo trong nhà trường.
Thiết nghĩ, những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ ngắn gọn, súc tích, ý nghĩa dễ nhớ sẽ “mưa dầm thấm đất” đối với các em. Ví dụ những câu tục ngữ như: “Thương người như thể thương thân”; “Có công mài sắt, có ngày nên kim”; “Uống nước nhớ nguồn”; “Có chí thì nên” chẳng hạn. Tôi đặt khắc vào băng ghế đá; đặt trước sảnh trường, nơi HS ra vào thường xuyên, hàng ngày. Khi ngồi chờ cha mẹ đón; khi ngồi trò chuyện cùng bạn bè, thầy cô; các em sẽ đọc được những câu răn dạy như thế! Hoặc một bài thơ ngắn, một khổ thơ, câu thơ hay sẽ dễ nhớ hơn những khẩu hiệu dài dòng với những câu chữ cao xa… Một bài thơ của Bác Hồ: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công” (Nghe tiếng giã gạo). Một khổ thơ của Tố Hữu mà tôi tâm đắc: “Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình ?”… Một bài thơ của Bác dạy thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên!”…
Tôi đặt in chữ khổ lớn, lồng khung kính và treo lên trang trọng nơi lối đi lên cầu thang; nơi cửa hội trường. Riêng bài thơ Bác dạy thanh niên, tôi cho treo trang trọng trước cửa văn phòng Đoàn trường… Và còn nhiều cách khác, trên trang thông tin điện tử của trường cũng rất cần những câu như vậy! Đó cũng là cách dạy, cách giáo dục “không lời” mà thấm thía, mà đi vào lòng người.
Dạy học nói chung, dạy đạo đức nói riêng nhiều khi không cần “đao to búa lớn”; phải làm thế này, không nên làm thế kia mà chỉ cần những lời nói nhẹ nhàng; những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ; những vần thơ hay cũng tác động đến nhận thức, hành vi của con người.
Dạy học là sáng tạo. Là tự mình làm mới mỗi ngày, ngày hôm nay không thể lặp lại cách làm của ngày hôm qua. Giáo dục đạo đức cho HS cũng vậy, luôn tìm tòi, đổi mới; nắm chắc đối tượng để đưa ra cách làm phù hợp, hiệu quả! Tất cả việc làm để có nhiều cách giáo dục đạo đức HS đều không khó, cái khó ở đây là sợ mình không chịu động não mà thôi!
Hồng Lam Sơn
Bình luận (0)