Ngày 20-8, Bảo tàng Áo dài (TP.Thủ Đức) đã tổ chức chương trình “Vu Lan báo hiếu” qua hai loại hình âm nhạc dân tộc đờn ca tài tử và hát ru. Đây không chỉ là hoạt động ý nghĩa để mọi người thể hiện đạo hiếu với ông bà, cha mẹ trong dịp lễ Vu Lan mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa của âm nhạc dân tộc.
Tiết mục đờn ca tài tử nói về đạo hiếu
Trong chương trình, mọi người đã được lắng nghe những tác phẩm hát ru, đờn ca tài tử về đạo hiếu, công ơn của cha mẹ như: Hát ru 3 miền; Công cha nghĩa mẹ; Nhớ mẹ hiền; Gánh mẹ; Lòng mẹ; Vu Lan nhớ mẹ; Mẹ tôi…
Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo dài) cho hay, từ ngàn xưa đến nay, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, kính trọng, nhớ ơn tổ tiên là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
“Dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua bảo tàng đã kiên trì từng bước góp phần bảo tồn và phát huy giá trị áo dài, các di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến quan họ, ví dặm, đờn ca tài tử, hát ru… Qua đó, chúng tôi mong muốn giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, ý thức về vai trò của thanh niên trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, kế thừa truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc”, bà Vân chia sẻ.
Dẫn mẹ già ngồi trên xe lăn đến dự chương trình, cô Lê Thị Ngọc Hạnh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thạnh, TP.Thủ Đức) cho biết, mẹ cô năm nay đã 95 tuổi, mắc nhiều bệnh. Nhờ tình cảm của con cháu, mẹ cô đã có động lực để vượt qua tất cả. “Tôi biết đến chương trình “Vu Lan báo hiếu” thông qua một đồng nghiệp cũ nên đưa mẹ đến xem. Tôi thật sự hạnh phúc khi còn mẹ. Tôi mong mẹ khỏe mạnh để sống bên con cháu trong nhiều mùa Vu Lan tới”, cô Hạnh chia sẻ.
Tham gia trình diễn hát ru trong chương trình, ThS. Vũ Thị Bích Duyên (Giảng viên Khoa Quản lý Văn hóa – Nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) cho rằng, đây là chương trình ý nghĩa vì không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Việt Nam.
“Hát ru 3 miền” do ThS. Vũ Thị Bích Duyên (giảng viên Khoa Quản lý Văn hóa – Nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) thể hiện
“Nhiều người cho rằng giới trẻ thờ ơ với âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, tôi lại không thấy điều đó vì khi có chương trình, được tiếp xúc các bạn trẻ rất hào hứng. Do đó, cái quan trọng là làm sao để có những chương trình phù hợp để các em vừa có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu, lắng nghe và yêu thích âm nhạc dân tộc vừa bày tỏ tình cảm với đấng sinh thành”, cô Duyên chia sẻ.
TS. Lê Hồng Phước (giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) bày tỏ: “Trong bối cảnh đất nước hội nhập với thế giới việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc rất cần thiết. Trong đó, đạo hiếu là nét đẹp của dân tộc Việt Nam có từ xa xưa. Dù trong thời đại nào thì nét đẹp này cũng cần phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy”.
Hồ Trinh
Bình luận (0)