Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục- Đào tạo 2008: Luẩn quẩn trên hành trình xa ngái…

Tạp Chí Giáo Dục

Dự thảo chiến lược cho thấy, ngành GD và ĐT đang quyết tâm đổi mới quản lý GD trong tương lai. Nhưng xin đừng đợi tới tương lai, mà ngay từ bây giờ, cả tư duy và năng lực điều hành quản lý GD cần thay đổi. Đó là tầm nhìn phải trí tuệ, sáng suốt hơn, năng lực quản lý chặt chẽ, công tâm, vì lợi ích chung hơn, và không xa rời thực tiễn

> Dự thảo Chiến lược Giáo dục 2008-2020: Nhiều chỉ tiêu duy ý chí

> Góp ý cho Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục

Thế là cuối cùng, năm 2008 cũng khép lại!

Hiếm có năm nào, thầy trò ngành GD lại “nặng gánh” như năm 2008 đã qua. Cùng với dạy và học, các trường vừa tiếp tục tham gia vào ba cuộc vận động: “Hai không”; “Mỗi thầy giáo là một tấm gương sáng tự học, tự sáng tạo”; và “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Những cuộc vận động đó, phản chiếu một đặc điểm lớn của năm- GD, dưới những tác động tiêu cực mạnh của kinh tế thị trường, đang phải gắng vượt lên thách thức, tìm lối đi cho chính mình, đáp ứng yêu cầu xã hội “Dạy thật- học thật”. Nhưng cuộc hành trình suốt năm 2008 của ngành cho thấy, tải được “đạo học” đó, nặng trĩu biết bao nhiêu. 

Giáo dục phổ thông: Bệnh thành tích đang quay trở lại 


Trẻ em không phải là tờ giấy trắng để các nhà giáo dục muốn viết gì lên đó cũng được!

Để chống bệnh thành tích, với trục cốt lõi “Hai không”, năm 2008, ngành GD có những động thái cần thiết. Tiêu chí thi đua của ngành quy định mang tinh thần mới, trong đó, coi trọng sự đánh giá mức độ chuyển biến từ thấp lên cao của các địa phương, không căn cứ vào tỷ lệ, số liệu tuyệt đối như trước đây. Để việc đánh giá sát thực tiễn, ngành chia bẩy vùng thi đua. Các địa phương thuận lợi hay khó khăn có đặc điểm kinh tế xã hội và GD tương đồng với nhau nằm cùng một cụm.

Một số môn học (tiểu học) chuyển dần sang đánh giá mức độ cô gắng của học sinh, không cho điểm như trước đây. Các tỷ lệ về danh hiệu thi đua cũng bị khống chế, không bình bầu lan tràn như trước. Tiêu chí tỷ lệ học sinh lưu ban /lớp trước đây ban hành mang tính áp đặt (dễ dẫn đến việc giáo viên buộc phải cho học sinh lên lớp, dù học lực quá kém), nay xóa bỏ. 

Để chống tiêu cực trong thi cử, ngoài chủ trương áp dụng và mở rộng dần các môn thi trắc nghiệm, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, 2008, ngành chọn ngẫu nhiên bài thi của 20 tỉnh, thành phố để chấm thẩm định, và gửi kết quả về cùng lúc cho UBND các tỉnh, t/p, sở GD và ĐT các địa phương. Tuy nhiên về nguyên tắc, không “đụng chạm” đến điểm thi liên quan đến kết quả tốt nghiệp của học sinh có bài thi chấm thẩm định. 

Động thái này của ngành nhằm mục đích, các sở phải có sự điều chỉnh sự lệch lạc từ cách chấm thi, đến cách dạy- cách học của thầy trò các trường. Không dừng lại ở đó, năm 2009, kết quả chấm thẩm định sẽ được ngành công bố công khai trước xã hội. Cũng năm 2009, thanh tra ủy quyền sẽ được tăng cường, gắn với việc bỏ quy định giám thị hành lang (mà nhiều ý kiến cho rằng, giám thị hành lang lại là khâu “canh” cho tiêu cực thi cử lộng hành), đồng thời với việc mở rộng thi theo cụm trường.  

Với những giải pháp đó, công bằng mà nói, hai năm trở lại đây, ngành GD thông qua sự thông tin, tuyên truyền và phản biện của báo chí, đã tạo ra được sự đồng thuận của xã hội, nhất là các bậc cha mẹ, rằng chất lượng GD phải mang ý nghĩa thực chất, không thể tính bằng điểm số “mua” hoặc “cấy, nống” điểm, phải học thật để thi thật. 

Nhưng cũng phải công bằng mà nói, “Hai không” chỉ có hiệu quả tích cực nhất trong năm học đầu tiên triển khai. Tỷ lệ học sinh bỏ học cao, tâm lý “mầu cờ sắc áo” các địa phương, cùng sự tác động của nhiều yếu tố tiêu cực trong xã hội đã dẫn đến trạng thái, ngay năm học 2008 này, “Hai không” bắt đầu phải đương đầu với chính những thách thức từ phía người thực hiên- các cấp quản lý GD, thầy trò các nhà trường. 

Các cuộc hội thảo, giao ban các vùng càng nhiều, con đường đi của “Hai không” càng ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo. Kết quả thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm nay, 2008, với những tỷ lệ, con số lạc quan hơn trước, lại không qua được mắt của các chuyên gia GD khi nhận định một cách bi quan, rằng bệnh thành tích đang quay trở lại. 

Báo cáo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD và ĐT) phân tích kết quả tốt nghiệp THPT (lần 1: 76,04%) của năm 2008 cho thấy tỷ lệ này tăng hơn hẳn năm 2007 là 9,17%. Đặc biệt, kết quả tốt nghiệp của ngành giáo dục thường xuyên tăng tới 15,91% (42,38% so với 27,47% năm 2007). 

Con số này càng đáng để suy ngẫm nếu ta biết rằng, trong khi đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp loại giỏi của THPT năm 2008 tăng không đáng kể bao nhiêu so với năm trước, chỉ 0,84%. Nếu biết rằng các điều kiện cho chất lượng như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị GD cùng phương pháp dạy và học của các trường cải thiện không đáng kể. 

Con số tốt nghiệp THPT năm 2008 càng đáng suy ngẫm nếu nhìn vào tỷ lệ tốt nghiệp cụ thể của các địa phương vùng khó khăn “tăng lên” khá cao so với năm 2007: Tuyên Quang tăng tới 45,61%; Sơn La tăng 29,87%; Điện Biên tăng 28,91%… 

Nhưng tỷ lệ tốt nghiệp của ngành học GDTX tăng đột ngột phải chăng có phần đáng kể của “căn bệnh thành tích” từ chính cơ quan chủ quản- Bộ GD và ĐT, khi sửa đổi quy chế. Thí sinh diện 2, chỉ cần 4,5 điểm/ ba môn thi; thí sinh diện 3, chỉ cần 4,75 điểm/ ba môn thi tốt nghiệp đã đỗ. Vậy, với quy chế sửa đổi ấy, đâu là tiêu chí bảo đảm chất lượng đây? 

Giáo dục đại học: Khi dò dẫm, lúng túng, lúc…mơ màng, lãng mạn! 

GDPT, tuy vậy, theo ý kiến nhiều chuyên gia GD trong và ngoài nước, chưa đáng lo ngại bằng giáo dục đại học, ngành học đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao quyết định rất lớn đến sự tăng trưởng hay tụt hậu của nền kinh tế- xã hội đất nước. 

Chính sự tụt hậu, hiển hiện bằng sự xếp hạng của các tổ chức quốc tế, mà chưa bao giờ thấy sự xuất hiện của tên tuổi bất cứ trường ĐH Việt Nam nào (1), hiển hiện bằng những số liệu thống kê công trình nghiên cứu khoa học giữa ĐH Việt Nam và ĐH một nước láng giềng khu vực- Thái Lan (2), buộc các nhà quản lý đất nước, các nhà quản lý GD phải có những quyết sách tích cực ưu tiên đầu tư phát triển lĩnh vực này. 

Năm 2008, vì thế là năm GDĐH có những bước đi, tìm kiếm chất lượng ĐT bằng nhiều nhóm giải pháp, mà theo quan sát của nhiều nhà chuyên môn, có nhiều cung bậc, tâm thế rất khác nhau, lúc dò dẫm, lúng túng, khi…mơ màng, lãng mạn.  

Dò dẫm, như chủ trương áp dụng 10 chương trình tiên tiến, chọn lựa từ tốp 200 trường ĐH hàng đầu thế giới, giảng dạy ở một số khoa của các trường ĐH tốp đầu của VN, có thế mạnh trong hợp tác quốc tế. Theo thiết kế, đội ngũ giảng viên khóa I giảng dạy chương trình tiên tiến này sẽ do các giảng viên quốc tế hợp tác với VN giảng dạy (trừ môn chính trị). Khóa II sẽ có khoảng 50% giảng viên, và khóa III sẽ có khoảng 70% giảng viên VN giảng dạy chương trình tiên tiến. 

Trong thực tế, ở một số môn ĐH đại cương, các trường áp dụng chương trình tiên tiến đã sử dụng giảng viên là sinh viên VN vừa tốt nghiệp ở nước ngoài về giảng dạy. Hiện ở gần 10 trường áp dụng chương trình tiên tiến vẫn chưa có khóa sinh viên nào tốt nghiệp.  

Nhưng những thách thức lâu dài đã xuất hiện.

Phía nước bạn, các giảng viên quốc tế đồng thời phải giảng dạy cho nước họ, nên việc sang giảng dạy ở VN là cả một sự tính toán, phải kết hợp nhiều điều kiện, gắn với chương trình đào tạo của VN. Kinh phí trả cho giảng viên quốc tế là cả một vấn đề. Theo quy định, thời gian đầu, Nhà nước hỗ trợ chi trả. Nhưng những năm sau, kinh phí này lấy từ đâu phải suy tính kỹ lưỡng và có cơ chế tài chính cụ thể, vì nếu học phí quá cao, sẽ rất khó có sinh viên, học phí thấp, sẽ không có tiền trả cho giảng viên quốc tế. Mặt khác, trình độ giảng viên quốc tế cũng rất khác nhau, không phải ai cũng như ai. 

Tuy vậy, thực tiễn ở một số trường áp dụng chương trình tiên tiến, do giảng viên VN giảng dạy đã có những ý kiến lo ngại. Yếu nhất của cả thầy và trò là tiếng Anh đều còn hạn chế. Khả năng diễn đạt và tiếp thu của thầy và trò đều còn nhiều bất cập. Vì thế có những lớp giảng dạy theo chương trình tiến tiến, cả thầy và trò vẫn tiếp tục cách dạy- học “truyền thống”: thầy đọc- trò chép. 

Lúng túng, như việc các trường chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ. Hình thức này trên thế giới đã khẳng định rõ ưu thế- tính sàng lọc khá tốt. Mặt khác, đào tạo theo hình thức tín chỉ buộc cả ba loại “đối tượng” vào cuộc: Giảng viên lên lớp đúng kế hoạch, có trách nhiệm hơn; sinh viên phải xác định được môn học rõ ràng; và quản lý đào tạo phải tư vấn được cho người học, tổ chức lịch học khoa học, hợp lý và chặt chẽ hơn. 

Nhưng cho dù về thống kê, có 50 trường đăng ký chuyển sang hình thức đào tạo này, thực chất chỉ có 20 trường thực sự triển khai. Sự lúng túng và thách thức tiếp tục nảy sinh. Không chỉ thiếu cơ sở vật chất: Phòng học, giáo trình, thư viện điện tử, kết cấu chương trình…mà đa số, theo nhận xét của các chuyên gia, các trường đã hiểu không đầy đủ, không đúng, và thiếu sự nghiên cứu thấu đáo về hình thức đào tạo này. Thậm chí một số trường xây dựng lộ trình còn mang tính đối phó, không xuất phát từ năng lực thực tiễn trường mình. 

Đào tạo tín chỉ trong thực tế, đòi hỏi cả người dạy- người học chuẩn bị bài kỹ lưỡng, gắn với đổi mới phương pháp. Yêu cầu đó rất trái ngược với thói quen thành quán tính của giảng viên, sinh viên các trường ĐH VN: Thầy thì hay bỏ giờ, cắt cua để “chạy sô”; trò thì quen cách học thụ động , kiểu “phổ thông cấp bốn” thầy đọc- trò chép, không tạo ra cách học có nghiên cứu, có tư duy, khai phá sáng tạo, tiêu hóa tri thức nhân loại thành tài sản riêng mình. 

Việc đào tạo theo nhu cầu xã hội dễ nhận được sự đồng thuận nhất vì mục đích rõ ràng của nó, nhưng mới rậm rạp những bước đi đầu tiên. Theo đó, các trường ĐH các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, lâm nghiệp, giao thông…đã tiến hành ký kết hợp tác đào tạo cho các doanh nghiệp theo thỏa thuận và theo nhu cầu.  

Sự thỏa thuận “hai bên” này chỉ có lợi cho người học (sinh viên), từ quá trình đào tạo đến lúc ra trường có việc làm, cũng chính là góp phần tạo nên sự chuyển biến về chất lượng. Để từ ý tưởng biến thành hiện thực, ngành GD và ĐT sẽ tiến tới thành lập hội đồng hiệu trưởng các khối trường…đánh giá các chương trình đào tạo, tư vấn xây dựng chương trình khung phù hợp sứ mệnh đào tạo, xây dựng chuẩn “đầu ra”. 

Thế nhưng, nếu như các chủ trương nêu trên, cho dù còn lúng túng, không ít khó khăn, nhưng vẫn có “chất” thực tiễn, thì có một chủ trương, vừa là giải pháp, vừa là nhiệm vụ ngay từ khi mới tung ra, đã được coi là…mơ màng và khá…lãng mạn. Đó là xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế. 

Đề án xây dựng bốn trường ĐH có trình độ quốc tế, để đến năm 2020 lọt vào trong tốp 200 trường ĐH thế giới, với vốn vay 400 triệu USD đã xây dựng xong và được Chính phủ đồng ý. Nhưng thách thức lớn nhất ở loại trường này là đội ngũ giảng viên. Mỗi giảng viên VN phải có hai công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Lấy đâu ra? 

Mở ra những dấu hỏi (?) đầy hoài nghi… 


Cần chấn hưng giáo dục. Ảnh minh họa

Ngành GD và ĐT vừa công bố dự thảo (lần thứ 13) Chiến lược phát triển GD 2009- 2020. Từ thực tiễn GD quá khứ và hiện tại, có hai giải pháp của chiến lược được coi là đột phá, chứng tỏ ngành GD đã “bắt mạch” và kê đơn đúng bệnh. Đó là đổi mới quản lý và xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Thế nhưng, ngay trong thực tiễn hiện nay, có những chủ trương thuộc tầm quản lý GD, nhưng lại gây cho xã hội những hoài nghi, phản cảm và khó có thể đồng thuận. 

Hoài nghi, khi mới đây, tại cuộc tổng kết năm học 2007- 2008, ngành chủ trương năm 2010 sẽ kết thúc cuộc vận động “Hai không” để chuyển sang cuộc vận động khác. Ý tưởng đó hàm chứa một sự khẳng định, đến năm 2010 sẽ không còn bệnh thành tích và tiêu cực thi cử. Giữa lúc bệnh thành tích trong GD đang quay trở lại, tinh vi và ngoắt ngoéo hơn. Tư duy ấy liệu có phải là sơ lược, máy móc, hình thức và không xuất phát từ thực tiễn GD? 

Phản cảm, bởi trong lúc chất lượng đào tạo ĐH, căn cứ vào những điều kiện hiện có về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giáo trình, phương pháp…còn hạn chế và bất cập, thì hiện tượng các trường ĐH, CĐ mở ra như “nấm sau mưa” nói điều gì? Hay điều đó, chỉ tạo thêm cơ hội cho tiêu cực ngang nhiên hoành hành, và dẫn đến việc kéo chất lượng các trường ĐH xuống? 

Khó đồng thuận, bởi ĐH đẳng cấp quốc tế là cái đỉnh của một nền ĐH phát triển cao, khá vững chắc và tiên tiến về chất. Với nền ĐH nước ta, còn trong trạng thái tụt hậu, kém cỏi như hiện nay, thì mục tiêu đến năm 2020, nghĩa là chỉ hơn 10 năm nữa, chúng ta sẽ có ít nhất bốn trường ĐH có trình độ thuộc tốp 200 trường ĐH quốc tế. Tầm nhìn xa đó, hình như quá xa vời, đến mức nhiều ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý GD cho rằng liệu có ảo tưởng đến mức…lãng mạn? 

Dự thảo chiến lược cho thấy, ngành GD và ĐT đang quyết tâm đổi mới quản lý GD trong tương lai. Nhưng xin đừng đợi tới tương lai, mà ngay từ bây giờ, cả tư duy và năng lực điều hành quản lý GD cần phải thay đổi. Đó là tầm nhìn trí tuệ, sáng suốt hơn, năng lực quản lý chặt chẽ, công tâm, vì lợi ích chung hơn, và không xa rời thực tiễn. 

Nếu không, ngay cả năm 2009, hành trình trên con đường tới mục tiêu chất lượng vẫn còn luẩn quẩn và xa ngái…

 

Kim Dung (Vietnamnet)

 

 

Bình luận (0)