Sự kiện giáo dụcTin tức

Giáo dục – Đào tạo TP.HCM: Những bước chuyển căn bản

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nhiệm kỳ 2005-2010, nhiều tập thể và cá nhân của ngành GD-ĐT đã được khen thưởng

Ngày thứ hai, 9-8, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM lần thứ V (nhiệm kỳ 2010-2015) chính thức khai mạc. Nhiều quyết sách và chỉ tiêu nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT trong thời gian tới sẽ được cân nhắc, thông qua trên cơ sở đánh giá đúng thực chất tình hình GD-ĐT của nhiệm kỳ vừa qua.
Đổi mới toàn diện nhà trường
Trong nhiệm kỳ 2005-2010, thực hiện Nghị quyết Trung ương II, khóa VIII về chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010, Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM đã tập trung lãnh đạo việc đổi mới quản lý giáo dục một cách toàn diện và đồng bộ. Theo đó, ngành GD-ĐT TP đã thực hiện lộ trình đổi mới nhà trường từ công tác quản lý, bồi dưỡng năng lực đội ngũ sư phạm, xây dựng thiết chế nhà trường đến việc cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác dạy – học có chất lượng. Song song đó, đã xóa bỏ những kỳ thi mang tính hình thức, quá tải đối với học sinh. Đặc biệt, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học cá thể thay cho dạy học số đông…
Từ đó, ngành GD-ĐT TP.HCM đã có những bước chuyển căn bản về chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa nội thành và ngoại thành, bảo đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người.
Cụ thể, ở giáo dục mầm non trong nhiệm kỳ qua đã đạt được những kết quả vượt bậc về nuôi và dạy. Quan tâm xây dựng mô hình trường hiện đại, trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện toàn ngành có 61 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 119 trường tiên tiến cấp thành phố…
Giáo dục tiểu học được đánh giá là lĩnh vực mang lại sự hài lòng cao nhất của người dân thành phố trong số 8 lĩnh vực hành chính công đã được Quốc hội và HĐND khảo sát. Số học sinh được học 2 buổi/ ngày tăng từ 70% lên 80%, trường đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 11 trường so với nhiệm kỳ trước.
Giáo dục trung học tiếp tục tăng về số lượng và chất lượng. Trường lớp đã được phủ kín từ trung tâm đến vùng sâu, vùng xa, cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Đặc biệt, ngành GD-ĐT đã hoàn thành chỉ tiêu phổ cập bậc trung học theo đúng tinh thần Nghị quyết ĐH Đảng bộ TP lần VIII và Nghị quyết ĐH Đảng bộ Sở GD-ĐT TP lần thứ IV.
Giáo dục chuyên nghiệp, đã đào tạo theo nhu cầu của xã hội, giảm lý thuyết tăng thực hành từ 50% lên 70%. Tính đến nay, số trường trung cấp chuyên nghiệp tăng 1,5 lần (từ 28 trường – năm 2005 lên 41 trường – năm 2010), thu hút trên 55 ngàn học sinh đến học/ năm.
Giáo dục thường xuyên được phủ kín ở 24/24 quận, huyện, đội ngũ giáo viên được bổ sung và nâng cao chất lượng – đảm bảo công tác dạy – học cho 45 ngàn học viên, không kể hơn 70 vạn học viên theo học tại các trung tâm văn hóa ngoài giờ. Tỷ lệ người biết chữ đạt 99,6% (từ 15 – 35 tuổi), 100% phường, xã đạt chuẩn xóa mù…
Phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu quan trọng

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận trao bằng khen cho các nhà giáo và cán bộ quản lý đạt thành tích cao trong Hội nghị Tổng kết thi đua vừa qua. Ảnh: Mai Hải

Trong thời gian tới, GD-ĐT tiếp tục được xác định là quốc sách hàng đầu và phấn đấu đến năm 2020 nước ta có một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Từ thực tế phát triển GD-ĐT trong thời gian qua, ngành GD-ĐT TP.HCM phấn đấu thực hiện 12 chỉ tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ 2010-2015.
Cụ thể, về mặt xây dựng Đảng, phấn đấu đến năm 2015 có 90% trường học các cấp có chi bộ, tỷ lệ đảng viên trong ngành đạt 20%. Mỗi năm, 95% đảng bộ, chi bộ trực thuộc đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, không có yếu kém, 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ; các ban của Đảng ủy Sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận giấy khen của Thành ủy.
Về nhiệm vụ chính trị, nâng cấp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng và TTGDTX Chu Văn An đạt tiêu chuẩn tiên tiến của khu vực Đông Nam Á. Xây dựng Trường THPT Lê Quí Đôn, THPT Quốc tế Việt Úc xứng tầm khu vực và là đơn vị chủ đạo phát triển các trường có yếu tố nước ngoài.
Cũng trong nhiệm kỳ này, phấn đấu xây mới một trường trung học chất lượng cao tại khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2); hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi theo chuẩn quốc gia. Về công tác phổ cập, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, 99% trẻ trong độ tuổi từ 11 đến 14 theo học THCS, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng kết quả xóa mù, phổ cập GD tiểu học, THCS và phổ cập bậc trung học. Tăng tỷ lệ học 2 buổi/ ngày cũng là chỉ tiêu mà Đảng bộ Sở đặc biệt quan tâm. Cụ thể, phấn đấu xây thêm trường lớp, giãn sĩ số để 100% học sinh tiểu học, 50% học sinh THCS và 30% học sinh THPT được học 2 buổi/ ngày.
Tất cả học sinh được học ngoại ngữ và tin học từ tiểu học. Trường đạt chuẩn quốc gia: 25% mầm non, 20% tiểu học, 10% THCS và 3% THPT. Mỗi cấp học của từng quận, huyện có ít nhất một trường tiên tiến, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, đậm đà bản sắc dân tộc; không có trường có cơ sở vật chất yếu kém. Trình độ đội ngũ giáo viên: 70% mầm non, 80% tiểu học, 70% THCS, 10% THPT trên chuẩn. Chuẩn hóa hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp, có ít nhất 3 trường hội nhập khu vực về trang thiết bị và chất lượng đào tạo. Xây dựng hoàn chỉnh 3 phân hiệu trường cao đẳng tại huyện Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Nâng cấp 2 trường trung cấp công lập trực thuộc lên cao đẳng. Đến năm 2015, 100% trường ngoài công lập đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn, đoàn trường và Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh; 100% phường, xã có trung tâm học tập cộng đồng.
Cuối cùng, một chỉ tiêu không kém phần quan trọng là đầu tư xây dựng mới trụ sở cơ quan Báo Giáo Dục TP.HCM để báo đủ điều kiện phát triển và nâng cao năng lực thông tin tuyên truyền trong giai đoạn mới.
Bài, ảnh: Kim Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)