Năm 2003, Bộ GD-ĐT mới bắt đầu thí điểm chương trình tăng cường tin học cho học sinh (HS) phổ thông, trong khi TPHCM đã triển khai dạy tin học từ nhiều năm trước đó. Công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng ở tất cả môn của trường phổ thông đã làm các tiết học sinh động, hào hứng và dễ nhớ hơn.
Học sinh khiếm thị cũng… lướt net
Tai đeo headphone, Minh chăm chú “nhìn” trên màn hình máy vi tính, tay gõ thuần thục các con chữ trên bàn phím. Một trang web Minh ưa thích hiện ra, cậu ngừng gõ, tập trung “đọc”, đầu gật gù theo nội dung của bài ra chiều thích thú.
Sau đó, cậu mở word để ghi lại những thông tin quan trọng. Làm xong việc, cậu quay mặt ra kêu: “Cô ơi, tính tiền giùm!”. Mọi người trong tiệm Internet công cộng ồ lên ngạc nhiên: Khiếm thị sao lướt net, đánh chữ giỏi quá!
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, cho biết thêm: Nhờ tin học, các em học hòa nhập với HS bình thường rất dễ dàng. Các em làm bài viết trên word, do vậy, người thầy không cần học chữ nổi Braille vẫn hiểu được những điều em trình bày, để sửa chữa, góp ý và cho điểm. Kỹ năng gõ văn bản của các em chính xác hơn nhờ vào phần mềm “Luyện chính tả cho học sinh khiếm thị” của thầy Đỗ Minh Hoàng Đức, Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu TPHCM.
Nóng ruột với kết quả 30%-40% HS lớp 6 đến lớp 9 viết sai chính tả, thầy đã miệt mài thiết lập phần mềm giúp HS có thể luyện gõ lại từ vừa nghe, được hỗ trợ nghe từng ký tự của đề bài. Sau khi gõ xong, các em ra lệnh kiểm tra để biết kết quả. Phần mềm này đã giúp HS hạn chế những lỗi chính tả hay mắc phải đồng thời mở rộng vốn từ.
Học để tiến kịp với… trò
Năm 2003, Bộ GD-ĐT mới bắt đầu thí điểm chương trình tăng cường tin học cho HS phổ thông, trong khi TPHCM đã triển khai dạy tin học từ nhiều năm trước đó.
Đi đầu trong thí điểm ứng dụng CNTT trong dạy và học là quận 1. Vào năm 2001, quận đã tạm ứng khoảng 5 tỷ đồng (từ nguồn kết dư ngân sách) cho 10 trường tiểu học, THCS trang bị một phòng Multimedia. Các trường vận động phụ huynh đóng góp tiền cơ sở vật chất trong 3 năm để hoàn trả vốn cho ngân sách quận. Các tiết dạy khoa học tự nhiên, xã hội, thay vì học trên lớp, các em được ứng dụng trên máy. Ứng dụng CNTT đã mang lại không khí sinh động mới cho những bài giảng.
Các em rất thích học ở phòng máy. Chẳng hạn, giờ sinh vật, giáo viên gõ “enter”, các con vật chạy nhảy hoặc líu lo “kể” về nguồn gốc, đặc điểm, quá trình tiến hóa…. Không chỉ có HS THCS mà các em tiểu học cũng được làm quen với tin học. Ngọc Mai, HS Trường Tiểu học Phan Văn Trị, khoe: “Một tuần em học tin học 2 tiết. Giờ em đang tập thiết kế logo”.
“HS bây giờ rành vi tính lắm. Mình không chịu khó học là sẽ tụt hậu so với các em” – cô Minh Thư, quận 3, cho biết nguyên nhân vì sao cô phải đi “học thêm” lấy bằng A tin học để học cách làm giáo án điện tử. Hình ảnh minh họa trên giáo án điện tử đã thay thế rất nhiều lời giảng giải.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần VIII (2006-2010) đã xác định mục tiêu đến năm 2010 phải phổ cập tin học cho HS phổ thông. Đến năm 2008, TPHCM có 165/235 trường THCS được trang bị phòng máy tính và 100% trường THPT có phòng máy tính nối Internet. Nhiều trường mầm non, tiểu học cũng đã đưa tin học vào giảng dạy cho HS theo chương trình ngoại khóa, tự chọn. Bộ GD-ĐT đánh giá TPHCM là đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNTT, thể hiện ở 3 phương diện: phương thức quản lý, đổi mới dạy học của giáo viên (GV) và đổi mới phương pháp học tập của HS. Ở nhiều trường, các hoạt động quản lý đều được tin học hóa như GV nộp đề kiểm tra, báo cáo bằng file, quản lý nhân sự, quản lý tài chính và toàn bộ kết quả học tập của HS trong suốt năm học. GV không phải làm điểm, dành nhiều thời gian cho hoạt động chuyên môn như thiết kế và giảng dạy bằng giáo án điện tử. Năm 2006, TPHCM có 758 phòng học mới và khối phụ đưa vào sử dụng với tổng kinh phí 721 tỷ đồng. Năm 2007, tổng dự toán đầu tư xây dựng cho ngành GD-ĐT là hơn 734 tỷ đồng với 882 phòng học mới. Năm 2008 có 566 phòng học mới trị giá 496,8 tỷ đồng. Số trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc mầm non có 54 trường, tiểu học: 27 trường, THCS: 11 trường và THPT: 1 trường. Trong năm học 2008-2009 (năm đẩy mạnh ứng dụng CNTT), Bộ GD-ĐT huy động các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ, TCCN cùng tham gia, đóng góp các bài giảng điện tử, tạo thành một thư viện trên trang web của bộ để cùng chia sẻ, dùng chung. |
Doanh Doanh (sggp)
Bình luận (0)