Học sinh Trường TH Lê Quý Đôn (TP. Cần Thơ) trong giờ học |
Những năm gần đây, bằng nhiều chương trình dự án của Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, bộ mặt cơ sở vật chất trường lớp của vùng ĐBSCL đã thay đổi rõ nét. Mạng lưới trường lớp được mở rộng, phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở các cấp học, bậc học.
Bỏ trường xập xệ để xây trường chuẩn
Bước vào năm học 2009-2010, những phòng mới kiên cố lầu của Trường TH A An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang được đưa vào sử dụng. Phòng học hiện đại, có đầy đủ trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy trò. Cô Võ Kim Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường TH A An Hòa phấn khởi: “Trước đây, thầy trò phải học ở phòng học mượn nên việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy rất khó khăn. Chất lượng thường không cao so với các trường bạn. Năm nay, phòng học khang trang, chất lượng chắc chắn sẽ tốt hơn”. Nhờ trường học mới, phụ huynh cũng rất an tâm khi gởi con đến trường. Chị Nguyễn Thị Hà, nhà ở xã An Hòa, huyện Châu Thành, nói: “Trước đây, con tôi chỉ học một buổi nên sức học nó yếu, xin cho con học thêm buổi chiều thì mấy thầy nói không có phòng. Năm học này, phòng học mới, thầy cô cho con tôi học 2 buổi/ ngày nên tôi rất an tâm”. Ông Đỗ Văn Nhe, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, nói: “Do kinh phí ít nên 10 năm trở lại đây, năm nào, chúng tôi lại tiết kiệm nguồn thu mua đất quanh các trường để tích lũy, thậm chí nhiều nơi phải mua chịu rồi trả dần. Khi trường nào đủ diện tích, chúng tôi xin kinh phí xây dựng ngay. Nhờ vậy, trong năm học này, sẽ có 13 trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đến năm học 20011-2010, tất cả các trường trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia hết”.
Ông Lê Minh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi tranh thủ mọi nguồn vốn đề đầu tư cho giáo dục, ngoài các chương trình của Chính phủ, An Giang còn xây dựng riêng những chương trình phát triển giáo dục tại địa phương, như: Dự án phát triển mức chất lượng tối thiểu ở trường tiểu học, phát triển mạng lưới trường lớp… Riêng chương trình xây dựng trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, chúng tôi tiến hành rất nhiều năm trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo riển khai chương trình xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực, đến năm học này, toàn tỉnh không còn trường tiểu học nào không đạt mức chất lượng tối thiểu”.
Nâng chất giáo dục ở vùng sâu đồng bằng
Năm học vừa qua cũng đánh dấu một bước phát triển lớp về cơ sở vật chất, trường lớp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Ông Lê Thành Công, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Công tác xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới trường lớp ở tỉnh đã phát triển vượt bậc những năm gần đây. Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 90% phòng học được kiên cố hóa. Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng việc mở rộng mạng lưới trường lớp ở bậc THPT, tạo điều kiện cho nhiều học sinh an tâm đến trường bằng việc xây dựng mới và đưa vào sử dụng 2 Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm) và THPT Hòa Ninh (huyện Long Hồ) với kinh phí xây dựng trên 20 tỷ đồng ở mỗi trường. Trường THPT Hòa Ninh được đặt tại cù lao Hòa Ninh, đã giúp cho học sinh đến trường thuận lợi. Đồng thời đảm bảo an toàn cho các em vì không phải vượt sông để vào đất liền học THPT như trước đây.
Còn tại huyện nghèo Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thì hầu như tất cả giáo viên đạt và vượt chuẩn. Giáo viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ là do nhận thấy yêu cầu cần đổi mới nên hầu như giáo viên nào cũng muốn tham gia, nhiều người tự bỏ tiền ra học trong thời gian hè hoặc học các lớp từ xa.
Quy mô giáo dục từng cấp học đều có bước phát triển mạnh so với năm học 2005-2006. Trong đó, học sinh mầm non tăng 17,7%, các cháu dưới 3 tuổi đi nhà trẻ tăng 8,22%, trẻ từ 3-5 tuổi tăng 10,61%, mẫu giáo 5 tuổi tăng 6,49%. Đối với giáo dục nghề nghiệp, quy mô học sinh, sinh viên cũng tăng đáng kể, hệ trung cấp chuyên nghiệp tăng 24,4%, hệ đại học, cao đẳng tăng 28,6%… Trước đây, nhắc đến Trà Vinh nhiều người nghĩ ngay đến một tỉnh nghèo nên điều kiện học hành thiếu thốn vì vậy, chất lượng giáo dục cũng không cao. Thực tế, nhiều năm trước, chất lượng giáo dục của tỉnh Trà Vinh thường đứng hàng cuối trong toàn vùng ĐBSCL. Tuy nhiên bằng nỗ lực của toàn ngành, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của địa phương. Năm học học vừa qua, giáo dục Trà Vinh đã có bước chuyển mình thật ấn tượng. Ông Triệu Văn Phấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Tỷ lệ học sinh yếu kém giảm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh năm học 2008-2009 tăng hơn năm học trước 1% mặc dù thực hiện chấm chéo và xếp thứ 3 toàn vùng. Tỷ lệ học sinh giỏi cấp quốc gia của tỉnh cũng tăng lên, trường THPT chuyên tỉnh Trà Vinh có số lượng học sinh đạt học sinh giỏi cấp quốc gia xếp thứ 50 trong số hơn 200 trường chuyên của cả nước. Nhờ vậy, năm học vừa qua, lần đầu tiên ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh nhận được cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD-ĐT tặng vì những nỗ lực trong dạy và học”.
NGỌC BẢO
Bình luận (0)