Không đề cập tới những thất bại của giáo dục trong hơn 20 năm đổi mới, không đi vào giải quyết những ưu tiên cụ thể thì dù công phu hơn chiến lược 2001 – 2010, những mục tiêu trong dự thảo chiến lược 2009-2020 sẽ khó khả thi. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Văn Giạng góp ý cho bản dự thảo lần thứ 13.
> Nhận định về chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020, GS Hoàng Tụy: Tư duy cũ, chỉ tiêu xa vời
> Góp ý dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020: Tìm “chìa khóa” thay vì “đục tường”
Chưa xác định được mục tiêu ưu tiên
Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Những khủng khoảng, sa sút của giáo dục thể hiện ở chỗ không giải quyết được vấn đề nhân lực cho đất nước từ ĐH, trên ĐH, nghề nghiệp…Tiêu cực trong ngành GD thể hiện ở chỗ thành tích giả, thành tích ảo và bằng cấp không có chất lượng…
Chiến lược phải giải quyết những vấn đề này. Muốn giải quyết thì phải thấy vấn đề, nhưng bản dự thảo, không thấy rõ ưu tiên giải quyết vấn đề gì vì không xuất phát từ đánh giá dám nhìn vào sự thật và nói rõ sự thật.
Có 2 nguyên nhân khiến giáo dục khủng hoảng: Nghị quyết của TW cũng như của Chính phủ về GD thì có đủ các ý hay nhưng quá chung chung, dàn trải, không có biện pháp cụ thể để thực hiện.
Việc thực hiện những “lời hay, ý đẹp” trong thời gian qua cũng lạc hướng vì chạy theo số lượng, hình thức, không chú trọng chất lượng, không tương xứng với chất lượng..
Chiến lược là phải xác định rõ những mục tiêu ưu tiên để tập trung nguồn lực giải quyết. Tuy nhiên, trong chiến lược chưa xác định được ưu tiên cái gì, tập trung giải quyết gì và vấn đề gì phải giải quyết đến nơi đến chốn.
Vì vậy, dự thảo vẫn mang tính chất dàn trải: vừa số lượng, chất lượng; vừa đáp ứng nhu cầu xã hội vừa đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân.
Có một cái mới
Những quan điểm nêu trong dự thảo không có gì mới. Có 1 cái khác trước là mục tiêu SV được đào tạo ra sẽ có năng lực tư duy độc lập và phê phán. Chỉ duy nhất điểm mới này là có tiếp thu những ý kiến đã đóng góp.
Phải rút kinh nghiệm từ thất bại của giáo dục trong 20 năm đổi mới, đã thất bại do theo tư tưởng gì? Như vậy, khi làm chiến lược tới năm 2020 không thể theo tư tưởng đó nữa.
Thời gian qua, chúng ta đã bỏ quên, xem nhẹ phần năng lực thực hành từ phổ thông cho đến ĐH; việc xử lý vấn đề, trình độ tư duy độc lập…đã bị bỏ quên mà chạy theo kiến thức kiểu nhồi nhét.
Theo tôi, cần giải quyết tư tưởng chạy theo thành tích, số lượng một cách hình thức.
Cụ thể, cần nắm chính xác và quản lý tốt nguồn lực tài chính mà nhà nước và xã hội đầu tư cho sự nghiệp GD. Hiện, 3 cơ quan quản lý nguồn lực này là Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư.
Bộ GD-ĐT phải là cơ quan quản lý tổng hợp nhưng chưa làm tốt chức năng đó nên không ai biết rõ và chính xác nguồn lực đó là bao nhiêu, có được sử dụng có hợp lý không. Không nắm chắc nguồn lực thì khó xây dựng chiến lược
Cần có Hội đồng trường "đúng nghĩa"
Chiến lược có nêu giải pháp đột phá về con người nhưng chưa rõ là phải giải quyết được vấn đề gì ở khâu quản lý? Trong quản lý không phải là trọng số lượng mà rà soát, sắp xếp để có một tỷ lệ tương đối những người có tâm và có tầm. Như thế mới nói đến vấn đề chấn hưng GD.
Trong chiến lược có đưa giải pháp giao hiệu trưởng trả lương giáo viên – nếu hiệu trưởng không đủ “tâm và tầm” thì công vịêc càng ngày càng sa sút. Phải giải quyết thế nào? Trong chiến lược có nêu vấn đề phải tổ chức Hội đồng trường, nhưng chưa xác định rõ là Hội đồng này phải có các thành phần đại diện cho được lợi ích của xã hội và uy tín của nhà trường.
Có một tổ chức như vậy thì Hội đồng đó sẽ chọn được và đề cử với cấp trên, công nhận những Hiệu trưởng có “tâm và tầm”. Hội đồng có chức năng giám sát công việc của Hiệu trưởng.
Tùng Linh (Vietnamnet)
Bình luận (0)