Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục ĐH ở ĐBSCL: Những trường ĐH luôn… thiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ thực hành vi tính của sinh viên Trường ĐH Cửu Long. Ảnh: I.T

Công tâm mà nói, những năm gần đây, sự “xuất hiện” của hệ thống trường ĐH tỉnh, cũng như ĐH ngoài công lập ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã góp phần không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng. Thế nhưng, tất cả các trường này lại luôn rơi vào tình trạng thiếu…
Thiếu tiền, thiếu người…
Đối với hệ thống các trường ngoài công lập, hầu như trường nào cũng xây được một cái vỏ “đồ sộ” nhìn rất bắt mắt. Chẳng hạn như các trường: ĐH Tây Đô, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Cửu Long… Tuy nhiên, theo TS. Dương Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Võ Trường Toản, trường chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành, nhất là quy định chuẩn đầu ra đối với sinh viên. Nếu tốt nghiệp ĐH, sinh viên phải đạt trình độ TOEIC 450, TOEIC 450 (bậc CĐ), TOEIC 350 (bậc trung cấp). Để đạt được chuẩn này, trường đưa chương trình dạy tiếng Anh quốc tế (TOEIC) vào chương trình đào tạo chính khóa, thay vì phải học tiếng Anh căn bản. Những sinh viên khóa mới sẽ được kiểm tra ngoại ngữ đầu vào và tổ chức IIG Quốc tế kiểm tra, cấp bằng cho sinh viên. Nhưng để làm được điều này, trường phải tốn khoản chi phí khá lớn đầu tư hệ thống trang thiết bị thực hành, thực tập vượt quá khả năng của nhà trường. Còn theo ông Nguyễn Phước Quý Quang, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Tây Đô, để nâng cao chất lượng đào tạo, trường phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị thực hành nhưng kinh phí là trường tự chủ hoàn toàn, phải cân nhắc đầu tư thật kỹ, có hiệu quả, trường mới dám thực hiện. Các trường ĐH tỉnh cũng không khá hơn. ĐH An Giang mặc dù được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất “hoành tráng” nhưng trang thiết bị bên trong vẫn còn thiếu. Thành lập muộn hơn so với các trường ĐH khác trong vùng nhưng ĐH Trà Vinh được đầu tư khá nhiều về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn theo không kịp với “tốc độ” mở ngành, nghề của trường nên thiếu thốn vẫn hoàn thiếu thốn…
Không thể phủ nhận sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương đến các trường ĐH tỉnh và ĐH ngoài công lập, thế nhưng mức đầu tư vẫn chưa tương xứng với vị thế của các trường. TS. Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang băn khoăn: “Năm 2012, dù tổng mức đầu tư cho trường so với năm 2011 tăng 3 tỉ đồng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động của trường. Từ nguồn kinh phí đó, trường phải chi 70% cho con người, 30% còn lại cho các hoạt động khác nên phải “gói ghém” lắm mới chi cho các hoạt động hiệu quả nhất. Ngoài ra, trường còn phải huy động thêm từ nguồn xã hội hóa để chi cho các hoạt động như tạo điều kiện cho cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn”. Đây không chỉ là cái khó của Trường ĐH Tiền Giang mà là “cảnh ngộ” chung của ĐH tỉnh. Ở ĐH An Giang, do kinh phí được tỉnh cấp nên ngoài chi thường xuyên, trường rất khó có nguồn để đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ các ngành nghề kỹ thuật cao, các nghiên cứu khoa học…
Thiếu cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị vẫn có thể đầu tư xây dựng, mua sắm ngay khi có kinh phí nhưng vấn đề nan giải vẫn là con người. Bởi hầu như, các trường này đều có đội ngũ cán bộ giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu so với quy mô đào tạo. Qua thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, so với năm 1987, trong khi quy mô đào tạo ở các trường tăng gần gấp 13 lần, nhưng cán bộ giảng viên chỉ tăng hơn 3 lần. ĐBSCL là một trong số vùng, miền tỉ lệ giảng viên/ sinh viên thấp nhất cả nước. Nhất là với các trường ĐH mới thành lập gần đây. Theo lãnh đạo Trường ĐH Bạc Liêu, trường mới thành lập một vài năm gần đây, so với tiêu chí của Bộ GD-ĐT thì đội ngũ cán bộ giảng viên của trường vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu… Hoàn cảnh của Trường ĐH Bạc Liêu cũng chính là hoàn cảnh chung của nhiều trường ĐH tỉnh, ĐH ngoài công lập trong vùng…
Và hệ lụy… 
Đào tạo trong tình cảnh thiếu thốn như thế nên chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu xã hội là điều không tránh khỏi. Theo ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên (TP.Cần Thơ), các đơn vị sử dụng lao động thường than phiền các học sinh, sinh viên không chỉ về chuyên môn mà còn hạn chế về kỹ năng sống, giao tiếp… Nhất là học sinh, sinh viên tốt nghiệp từ trường ĐH ngoài công lập, có nhiều doanh nghiệp từ chối  thẳng khi trung tâm giới thiệu vào làm việc. Bởi thực tế đã có nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ ngoài công lập vẫn còn “độ vênh” so với các sinh viên tốt nghiệp từ các trường công lập. TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nói: “Điểm hạn chế của sinh viên nói chung, sinh viên ngành nông nghiệp nói riêng là thiếu kỹ năng thực hành lẫn kỹ năng xã hội. Điều này khiến các nhà sử dụng lao động thiếu mặn mà khi tuyển dụng các em”.Phát biểu tại “Hội thảo phát triển GD-ĐT ở ĐBSCL” tại TP.Cần Thơ vừa qua, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI – Chi nhánh Cần Thơ – cho rằng mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với lao động ở ĐBSCL cũng ở mức độ thấp so với bình quân cả nước 70,45%/ 72,81%. Trong khi hiện nay ĐBSCL không thiếu trường ĐH, CĐ hay dạy nghề nhưng lại thiếu về chất lượng. Còn ông Tăng Hồng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí Sông Hậu, thì nói: “Có nhiều sinh viên ra trường vào làm việc tại đây, chúng tôi phải đào tạo lại”.
Có thể thấy, việc tăng quy mô và số lượng các trường ĐH mà không có biện pháp giám sát chất lượng hiệu quả sẽ dẫn tới tình trạng không kiểm soát được chất lượng về giáo dục ĐH. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, vẫn còn tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, nhiều ngành quan trọng khó tuyển những sinh viên có chất lượng, chất lượng bằng cấp giữa hệ đào tạo công lập và ngoài công lập chưa tương đương… Theo thống kê của các trường ĐH trên địa bàn TP.Cần Thơ, hằng năm, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 60%, thậm chí trên 90%. Thế nhưng lãnh đạo các trường cũng thừa nhận dựa trên cơ sở số sinh viên mà trường “có liên hệ”. Trong khi đó đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của cơ sở đào tạo và dự báo nguồn nhân lực cho tương lai.
Phải thừa nhận rằng, giáo dục ĐH ở ĐBSCL đã có bước chuyển đáng kể về số lượng khi hằng năm có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ĐH. Thế nhưng, trong số hàng ngàn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ… tốt nghiệp ấy có bao nhiêu người thực sự đạt trình độ, kỹ năng thực hành… cao? Đây vẫn là câu hỏi cần lời giải của lãnh đạo các trường, các địa phương trong vùng.
Bảo Ngọc

Bình luận (0)