Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục ĐH: Phát triển “chiều rộng”, bỏ qua “chiều sâu”

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường ĐH DL Văn Hiến đặt câu hỏi với hiệu trưởng sáng 26-5

Ngày 7-6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XII, các đại biểu đã nghe kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH. Một lần nữa, giáo dục ĐH lại “nóng” nghị trường.
Từ năm 1998 đến năm 2009 đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó thành lập mới là 58 trường, còn lại là nâng cấp từ bậc học thấp hơn, đưa tổng số trường ĐH, CĐ của nước ta lên 440 trường và nâng số sinh viên trên 1 vạn dân từ 80 sinh viên năm 1997 lên 195 sinh viên năm 2009.
Phổ cập giáo dục ĐH!
Chạy tốc độ “chiều rộng”, bỏ qua “chiều sâu” trong thành lập, nâng cấp ĐH là một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất tại QH lần này. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho hay từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XI đến nay, mặc dù các đại biểu luôn phản ảnh những ý kiến kiến nghị của cử tri trên diễn dàn QH về những yếu kém, tiêu cực trong ngành giáo dục, đào tạo nói chung, đào tạo ĐH, trên ĐH nói riêng, nhưng rất ít được các cấp chính quyền quan tâm xem xét, giải quyết. Trái lại, trong một số báo cáo tiếp thu, giải trình mang tính thanh minh, bao biện, bao che, né tránh trách nhiệm. Việc thành lập trường chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương. Việc cho phép thành lập mới các trường ĐH, CĐ có phần dễ dãi, không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giáo viên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, nhất là ở các trường ngoài công lập và các trường địa phương. Ông cũng chỉ ra hạn chế của bản báo cáo giám sát của QH. Đó là không hề đề cập đến phần trách nhiệm thuộc về ai, một nội dung rất quan trọng mà trong bất kỳ báo cáo giám sát nào cũng phải có. Không có nội dung này nên cuối cùng không ai chịu trách nhiệm và tất cả đều vui vẻ “hòa cả làng”. “Đề nghị làm rõ việc cho thành lập tràn lan, dễ dãi các trường ĐH, CĐ những năm gần đây, có yếu tố do năng lực, phẩm chất yếu kém hay do thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Cần xem xét làm rõ có các biểu hiện chạy chọt, xin cho, tiêu cực ở đây hay không” – ông Cuông nêu ý kiến.
Đến từ Cao Bằng, đại biểu Đinh Ngọc băn khoăn khi có tới 20% số trường ngoài công lập thành lập mới, chưa xây dựng trường tại các địa điểm đăng ký thiếu cơ sở vật chất, thiếu thiết bị dạy học, phòng thực hành thí nghiệm, thư viện, ký túc xá… hoặc có trường tỷ lệ diện tích đất mới đạt 0,9m2/ sinh viên trong khi quy định là 25m2/ sinh viên. Nhưng Bộ GD-ĐT vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh mà không có sự kiểm tra, xem xét các trường này có đủ điều kiện hoạt động giáo dục hay không? Trách nhiệm này thuộc về Bộ GD-ĐT.
Trước những hạn chế của giáo dục ĐH, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (TP. Hà Nội) đề nghị không nên thực hiện “phổ cập đại học” bằng mọi cách. Đối với các trường đã thành lập chưa đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn cần quy định một thời gian nhất định để hoàn thành và nếu không hoàn thành thì cũng phải tính đến việc giải thể.
Đào tạo không chính quy thả nổi
Một lỗ hổng nữa của giáo dục ĐH hiện nay đó chính là tình trạng giáo dục không chính quy đang trở thành “nồi cơm” của các trường. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận), tại hầu hết các tỉnh thành phố hiện nay, các trung tâm giáo dục thường xuyên của sở GD-ĐT, các trường cao đẳng, trường chính trị, trường dạy nghề, kể cả trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ của các đoàn thể đều được phép liên kết với các trường ĐH để tổ chức các cơ sở đào tạo ĐH tại chức rất dễ dàng thu hút số lượng khá lớn học viên theo học tại các cơ sở này. Các cơ sở đào tạo ĐH này không theo một quy định nào, trường không ra trường, lớp không ra lớp, chủ thể quản lý không rõ ràng vẫn mặc nhiên tồn tại và phát triển ào ạt là sự thách thức lớn đối với chủ trương lập lại trật tự kỷ cương đối với các cơ sở đào tạo ĐH hiện nay mà Luật Giáo dục năm 2009 có sửa đổi đã hướng tới. Trong khi đó, với hình thức đào tạo không chính quy này, việc tuyển sinh đầu vào chỉ mang tính hình thức, hoạt động dạy và học thiếu hẳn yêu cầu sư phạm tối thiểu. Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng năm học 2008-2009 số sinh viên không chính quy có khoảng 900.000 chiếm hơn 50% tổng số sinh viên các trường ĐH, CĐ, trong khi đó số sinh viên chính quy trong năm học này chỉ có 26,6% tổng số sinh viên. Tình trạng nhiều giáo viên dành quá nhiều thời gian để giảng dạy ở các lớp không chính quy, vì sinh viên không chính quy chiếm hơn 50% tổng số sinh viên ở các trường ĐH, CĐ trong các thành phố, thành thị nên có nhiều giáo viên phải dạy vượt số tiết quy định gấp gần 5 lần.
Trước những hạn chế của giáo dục ĐH, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Những thành tựu cũng như những hạn chế của giáo dục ĐH trong thời gian qua, các bộ trưởng, nhất là từ sau năm 1975 đến nay đều có một phần trách nhiệm.
Nghiêm huê
Trong tổng số 78 trường ĐH ngoài công lập hiện còn 15 trường chưa thực hiện được việc xây dựng trường tại địa điểm đăng ký, còn phải thuê mượn cơ sở để tổ chức đào tạo, hầu hết thiếu diện tích cho sinh viên vui chơi, hoạt động thể dục, thể thao. Nguy cơ cao nhất là ĐH DL Đông Đô, ĐH DL Văn Hiến và ĐH DL Hùng Vương. Tuy đã thành lập từ năm 1997, nhưng đến nay, những trường này vẫn còn đang đi thuê địa điểm.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)