Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục ĐH Việt Nam: “Chông gai” hội nhập quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Để hội nhập quốc tế, cần sử dụng giáo trình nước ngoài thay cho việc kêu gọi giảng viên trong nước viết giáo trình như hiện nay

Ở Việt Nam, những ĐH mang danh quốc tế chưa chắc đã hội nhập quốc tế trong khi các ĐH “nội địa” khác lại làm được điều này. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập quốc tế chung của giáo dục ĐH nước ta hiện được xem là rất chông gai.
Nhiều ĐH tự tách mình hoặc bị đánh bật ra khỏi “đường ray” hội nhập quốc tế.
Đứng… bên lề!
Tại hội thảo “Giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập quốc tế” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 9-11, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các trường ĐH vốn đã hội nhập quốc tế một cách “tự nhiên” bởi đây là nơi nghiên cứu và giảng dạy kiến thức nên nó không giới hạn về quốc tịch, chủng tộc, giới tính. Song, không ít ĐH Việt Nam vẫn bị đứng bên lề.
PGS.TS Lưu Tiến Hiệp (nguyên Phó giám đốc phụ trách học vụ và Trưởng ban Cao học chương trình đầu tiên về Engineering, tiền thân của ĐH Bách khoa TP.HCM) đề cập nhiều nguyên nhân, trong đó ngoại ngữ là trở ngại lớn nhất trong hội nhập. Phần lớn lãnh đạo các trường ĐH không giao tiếp trực tiếp được bằng tiếng Anh. Việt Nam đã hội nhập về mặt kinh tế hơn 20 năm nhưng một thế hệ lãnh đạo trường thông thạo tiếng Anh vẫn chưa hình thành. Tình trạng bị lừa do không nắm rõ đối tác đối với các ĐH Việt Nam khi hợp tác quốc tế là không ít. Không tìm hiểu kỹ nên nhiều đơn vị hợp tác quốc tế sau đó mới nhận ra không phù hợp; hợp tác với trường quốc tế nhỏ thì lo không “môn đăng hộ đối”, với trường lớn thì lại… ngợp, từ đó dẫn đến tâm lý dè dặt.
Việc ngại hội nhập gây những bất lợi và thiệt thòi lớn cho chính người học. Úc chỉ công nhận số ít bằng tú tài của nước ta ở một vài trường “điểm” với xếp loại trung bình cao, còn lại hầu như không công nhận, sinh viên Việt phải học thêm một năm dự bị trước khi vào năm nhất gây tốn kém thời gian và tiền bạc. Việc tự viết giáo trình cũng là cản ngại lớn đối với tiến trình hội nhập giáo dục. “Nên chấm dứt kêu gọi giảng viên viết giáo trình, thay vào đó là sử dụng giáo trình nước ngoài. Trừ một số rất nhỏ có khả năng, còn lại giảng viên Việt Nam ở giai đoạn này chưa thể viết sách giáo khoa ĐH được. Đừng để sinh viên phải học những giáo trình mỏng lét, bài giảng bằng Powerpoint và coi đó là kiến thức chuẩn mực” – PGS. Hiệp đề nghị.
Cũng theo PGS. Hiệp, việc chịu sự quản lý tập trung từ Bộ GD-ĐT mà điển hình là chương trình khung trong suốt thời gian qua khiến các trường khó “vượt khung” để hội nhập quốc tế. Trong khi đó, các trường đối tác chúng ta muốn liên kết thường theo cơ chế quản lý tự trị và tự do học thuật. Phía ta dù thấy cái hay của nước bạn, muốn hợp tác nhưng cơ chế không cho phép nên cũng rụt rè.
Tăng nguồn đầu tư tài chính
GS.TS Martin Hayden (Trường ĐH Southern Cross – Úc) cho rằng, việc mở rộng hệ thống giáo dục Việt Nam đòi hỏi một nguồn tài chính khổng lồ. Để tăng trưởng hệ thống và cải thiện chất lượng, chi phí trung bình mỗi sinh viên để theo học ĐH sẽ tăng 3-4 lần vào năm 2015 (so với năm 2007) và 5-6 lần vào năm 2019. Khi năng lực của Chính phủ trong việc đầu tư mạnh cho hệ thống giáo dục ĐH khá giới hạn thì tăng học phí là lựa chọn duy nhất.
Năm 2010, Nhà nước ban hành một lộ trình tăng học phí cho các trường công. Sự gia tăng này không dựa trên sự cân nhắc xem đâu là mức có thể chấp nhận được của chi phí trung bình mỗi sinh viên. Dữ liệu so sánh quốc tế gợi ý rằng, một tỷ lệ hợp lý của chi phí trung bình mỗi sinh viên trên GDP đầu người cho các nền kinh tế thu nhập thấp từ 120-150%. Năm 2009, khi GDP trên đầu người ở Việt Nam khoảng 1.000 đô la Mỹ thì chi phí trung bình mỗi sinh viên chấp nhận được là 1.200 đô la. Tuy vậy, theo một báo cáo của Quốc hội, chi phí trung bình mỗi sinh viên thực tế năm 2009 chỉ là 350-400 đô la, thấp hơn nhiều so với con số lẽ ra nên có. “Cần áp dụng rộng rãi hơn “người sử dụng trả tiền” nếu các trường công Việt Nam muốn duy trì năng lực tài chính để đảm bảo chất lượng, nghĩa là học phí phải tăng. Nhưng để công bằng, Nhà nước cần tăng cường chính sách học bổng, tín dụng để hỗ trợ những sinh viên cần được giúp đỡ tài chính có thể theo học. Chi phí cho kế hoạch này có thể lấy từ các nguồn vay vốn quốc tế” – GS.TS Martin Hayden nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cũng tập trung đề nghị Bộ GD-ĐT cần có tầm nhìn hội nhập hơn để tạo những thay đổi trong quản lý, từ đó giúp các trường hội nhập nhanh. Điều quan trọng nữa còn phụ thuộc vào “tầm nhìn” của các trường; hội nhập sẽ mang lại nhiều cơ hội, lợi ích nên các trường dù còn nhiều khó khăn cũng không nên bỏ qua. Sự tự “cách ly” mình vì thiếu tự tin, không đủ điều kiện thực tế chỉ khiến các trường tự “bế quan tỏa cảng” với chính họ.
Bài, ảnh: M. Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)