Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục ĐH Việt Nam: Vừa chạy vừa xếp hàng

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 21-10, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông báo một số kết quả thanh tra thực hiện nhiệm vụ năm học 2009-2010 tại 12 cơ sở giáo dục ĐH và 11 sở GD-ĐT từ ngày 12 đến 20-10. Hai vấn đề lớn của giáo dục ĐH Việt Nam được dư luận báo chí quan tâm nhất hiện nay đó là mở trường và học phí.

Sau 12 năm thành lập, Trường ĐH DL Đông Đô (Hà Nội) vẫn phải thuê cơ sở để dạy

Ngân sách hàng năm không đủ trả chính sách
Ba nội dung được kiểm tra tại 11 trường (riêng ĐH Công nghiệp Hà Nội sẽ được thanh tra vào ngày 27-10) gồm: Chỉ thị 39 – CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; 3 công khai (thu theo đúng học phí mới không, mức thu học phí như vậy nhà trường đi vào những mục nào có thực hiện theo đúng quy định của bộ không); kiểm tra tuyển sinh ĐH, CĐ 2009.
Kết quả cho thấy các trường đã công khai cơ sở vật chất, giảng đường, phòng học, tài liệu phục vụ giảng dạy…; công khai đội ngũ giảng viên của từng khoa, bộ môn. Một số cơ sở đào tạo có tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm tỉ lệ cao như: ĐH Vinh, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM.
Đồng thời, các trường đã công khai các khoản thu – chi theo quy định và có niêm yết gửi tới tất cả các đơn vị. Các trường đều xây dựng danh mục đầu tư từ phần tăng học phí và các mục chi khác…
Tuy nhiên, về học phí, các trường đều kêu học phí không đủ bù đắp chi phí, nhưng không lí giải được là thiếu bao nhiêu.
Thanh tra Bộ cho biết, trong năm học 2009 – 2010, các trường được kiểm tra đều thực hiện thu học phí bậc ĐH ở mức trần là 240.000đ/tháng/SV. Riêng ĐH Vinh thu 235.000đ/tháng/SV. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM không tăng học phí so với năm học trước. Tuy nhiên, là đơn vị tự chủ tài chính từ năm 2006 đến nay, hàng năm ngân sách nhà nước chỉ cấp 12 tỷ đồng (bình quân trên đầu SV là 26.000đ/tháng). Trong khi đó, tiền miễn giảm học phí hàng năm đối với con em chính sách trường phải trả là 15,8 tỷ đồng. Do đó, là khối trường kỹ thuật nên để đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng mỗi năm trường thu thêm phần kinh phí hỗ trợ đào tạo là 1,6 triệu đồng/năm/SV.
Tuy nhiên, việc trường thu thêm như thế có sai hay không thì ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT cho rằng sẽ phải tiến hành kiểm tra cụ thể hơn. Bộ chưa có kết luận!?
Học phí: tính thế nào cho đúng
Qua thực tế, có nhiều trường thu học phí theo tín chỉ và mức thu này vượt “trần” cho phép của Bộ GD-ĐT. Bộ cũng thừa nhận việc thu học phí theo tín chỉ hiện chưa có quy định cụ thể nên chưa có mức thu thống nhất. Các trường đào tạo theo tín chỉ thì mỗi trường thu một mức khác nhau. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết, học phí theo tín chỉ được tính theo công thức: 1 tín chỉ = học phí tổng khóa học (240.000đ/tháng/SV)/ tổng số tín chỉ SV được học. Chính vì vậy, số tiền SV phải đóng nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng tín chỉ của mỗi trường. Với cách tính này, theo ông Ngữ học phí không thể vượt khung Nhà nước quy định là 240.000 đồng/tháng. Còn nếu vượt là sai. Tuy nhiên, bộ sẽ có kiểm tra xem trường tính số tín chỉ/khóa học là bao nhiêu và vượt như thế nào để có hình thức xử lý theo quy định. 
Tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, mỗi tín chỉ SV phải đóng 105.000đ trong khi tổng số tín chỉ SV phải học trong 4 năm học được ông Hoàng Văn Điện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết là 130 tín chỉ. Vậy số tiền SV phải đóng (mức hiện tại) là 130 x 105.000 = 13.650.000đ. Trong khi đó, học phí theo quy định của bộ là 2.400.000 x 4 = 9.600.000đ. Như vậy, với cách tính này, trường đã “lạm thu” của mỗi SV 4 triệu đồng.
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ GDĐH cho hay quy định mức thu học phí 240.000 đ/tháng áp dụng các trường ĐH công. Bộ đang xem xét có nên quy định học phí theo tín chỉ hay không. Vì đào tạo theo tín chỉ khác niên chế ở chỗ lớp học có thể 15, 20 SV hoặc ít hơn, tùy theo số SV đăng ký. Và nếu quy định cứng nhắc là mỗi tín chỉ bao nhiêu tiền thì khó triển khai cho các trường. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, bộ sẽ mời 20 trường ĐH đang đào tạo theo tín chỉ ngồi lại bàn bạc, đồng thời có kiểm tra xem các trường đã đào tạo đúng tín chỉ hay chưa?
Vừa hoàn thiện vừa tuyển sinh
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ GDĐH của bộ cho rằng từ năm 1998 đến nay, Việt Nam có 31 trường ĐH được thành lập mới hoàn toàn, không tính từ nâng cấp (2 trường công và 29 trường ngoài công lập).
“Thực tế đang tồn tại, các trường ĐH khi mới thành lập không thể có ngay một trường như ĐH Kinh tế quốc dân hay ĐH Bách khoa mà hoàn toàn là tiền của các nhà đầu tư bỏ ra. Còn phải có quy trình như xin đất, giải phóng mặt bằng… rất nhiều khâu. Khó khăn nữa là các trường tư thục khó tuyển sinh SV và giảng viên” – bà Hà nói.
Bà cũng đưa ra dẫn chứng, năm 2006 có 3/6 trường đã hoàn thành theo cam kết bước đầu là tổ chức tuyển sinh đào tạo ngay tại trường. Còn lại 3 trường tuyển sinh tại cơ sở không phải trong hồ sơ xin thành lập trường.
2007 có 4/9 trường hoàn thành xây dựng theo cam kết giai đoạn đầu và tổ chức tuyển sinh ngay tại trường. 5 trường còn lại đang thuê các địa điểm khác và đang trong quá trình hoàn thiện đất và xây dựng.
Năm 2008 có 2/4 trường đã thực hiện theo đúng cam kết đào tạo. Trong quy định thành lập trường có nêu rõ các trường phải cam kết hoàn thiện đề án khả thi đã trình. Sau 3 năm, bộ sẽ kiểm tra đánh giá, nếu không làm theo cam kết bộ sẽ xử lý theo chế tài đã quy định trong QĐ 07/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-1-2009 về việc ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhật, chia, tách, giải thể trường ĐH. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phạm Vũ Luận cũng khẳng định trong tình hình của Việt Nam hiện nay không thể đòi hỏi các trường phải hoàn thành tất cả các điều kiện chín muồi mới được tuyển sinh.
Như vậy, tình trạng vừa hoàn thiện cơ sở vật chất, vừa tiến hành tuyển sinh sẽ vẫn diễn ra trong thời gian tới. Bộ cho rằng sau 3 năm, nếu kiểm tra đánh giá các trường không làm theo cam kết sẽ xử lý theo chế tài. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có trường nào bị “rút phép thông công” cũng là một dấu hỏi lớn mà dư luận đặt ra.
Ngoài ra, có những trường thành lập với hàng chục năm nhưng vẫn chưa có cơ sở vật chất cho SV học hiện đang tồn tại như một thách thức đối với ngành giáo dục.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)