Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục dưới mắt mọi người: Hay, mới, nhưng…

Tạp Chí Giáo Dục

Trong dự thảo mới nhất chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020, việc nâng chất lượng đội ngũ giáo viên được xem là giải pháp chiến lược có tính đột phá, trong đó có việc học sinh được đánh giá thầy cô giáo. Nhiều bạn đọc đã có ý kiến phản hồi đa chiều về việc này:
* Việc trò đánh giá thầy cô giáo, theo tôi, là việc đáng làm. Việc này đều được áp dụng với tất cả các trường ĐH trên thế giới. Bởi vì đó là đánh giá khách quan và quan trọng hơn hết chính là từ sinh viên, người được truyền đạt kiến thức. Qua đó, thầy cô biết được phương pháp giảng dạy của mình có hiệu quả hay không. Tất nhiên ý kiến của sinh viên không phải là tất cả. Song song với đánh giá của sinh viên, nhà trường và các thầy cô cũng nên có những nhận xét riêng để đúc kết được một nhận xét gần với thực tế nhất.
Để việc đánh giá có tính khách quan thì những mẫu đánh giá không cần nêu tên người đánh giá và những câu hỏi đặt ra thường ở dạng lựa chọn. Nên có một câu hỏi để người nhận xét có thể nêu những quan điểm riêng của họ.
LÝ NGỌC HẢI (New Zealand)
* Là một giáo viên, tôi nhận thấy đây là một phương pháp hay và có lợi rất nhiều cho học sinh và phụ huynh. Mặc dù khả năng thực thi của phương pháp này là rất khó nhưng theo tôi, vẫn thực hiện được.
QUANG BANG
* Theo tôi, học sinh có thể đánh giá giáo viên thông qua hoạt động dạy học, từ đó đánh giá sự lãnh đạo điều hành của hiệu trưởng trong hoạt động dạy học có mang lại hiệu quả hay không. Tuy nhiên, trước đây học sinh góp ý giáo viên bằng thư nặc danh, không có chủ trương bằng văn bản, không định hướng cho các em tính văn hóa, tính tích cực trong góp ý, thậm chí còn trở thành công cụ để tạo ác ý với những giáo viên không phục và bao che cho những giáo viên yếu cùng vây cánh.
Hãy xây dựng một chương trình đánh giá giờ dạy, giờ lên lớp của giáo viên trong trường học với mong mỏi xây dựng hệ thống giáo dục ngày càng tốt hơn, loại bỏ ngay những hạt giống xấu, những ý tưởng xấu để nó không thể nảy mầm trong trường học, làm hệ lụy đến thế hệ sau.
NGUYỄN TÝ
(giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quảng Nam)
* Trò đánh giá thầy là biện pháp mà bao lâu nay VN chưa từng có. Bây giờ Bộ GD-ĐT xây dựng quy chế này, tôi cho là biện pháp rất mới và rất khó. Tôi vẫn phân vân khi có chủ trương này. Có thể quy chế đưa ra sẽ tạo nên sự “chết oan” cho nhiều thầy cô giáo có bản chất tốt. Lý do: học sinh và kể cả sinh viên vẫn đa số chưa đủ nhận thức để đánh giá con người mà chỉ nhận xét con người bằng cảm tính, có thể những mặt tốt của thầy chưa hẳn đã vừa ý các em. Nhà trường căn cứ nhận xét của học sinh để đánh giá giáo viên là việc làm mới nhưng chưa hẳn đã hiệu quả.
Theo tôi, trò đánh giá thầy phải lưu bút dẫn chứng những thành tích và cả những khuyết điểm, tồn tại và cuối cùng là ký tên học sinh để các em có trách nhiệm với đánh giá của mình. Thông qua nhận xét, nhà trường có thể sàng lọc những ý chính xác để đánh giá giáo viên, và đương nhiên giáo viên phải coi đây là chủ trương để hòa đồng quan điểm với học sinh, sinh viên.
THẢO HẠNH
* Liệu trò có đánh giá được thầy một cách khách quan? Theo tôi, muốn áp dụng được hình thức này trước tiên phải nâng cao ý thức của trò. Đâu phải học sinh, sinh viên nào cũng có thể đánh giá được thầy? Học sinh phải dựa vào tiêu chí nào để đánh giá người thầy của mình?
NGUYỄN THỊ THẢO NGUYÊN
Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)