Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục dưới mắt mọi người: “Máy học” thời nay!

Tạp Chí Giáo Dục

Con tôi đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Kỳ thi học kỳ II năm học 2008-2009 vừa kết thúc và kết quả ra sao thì còn phải chờ. Năm học trước lớp của con tôi có 42/45 học sinh đạt loại giỏi. Tổng kết học kỳ I năm nay cũng vậy, hầu hết học sinh trong lớp đạt loại giỏi mà điểm số phần lớn là 9 và 10.
Con tôi là một trong số nhiều học sinh giỏi của lớp, tuy nhiên kết quả đó làm tôi không thể vui nổi. Ngược lại tôi cảm thấy lo cho các “máy học” nhiều hơn.
Gọi là “máy học” bởi các cháu chỉ học rập khuôn. Đã nhiều lần tôi thử thay đổi “gu” trong các bài toán mà cháu thường giải trên lớp thì cháu chỉ biết ngồi ngậm bút mà thôi. Chẳng hạn, khi tôi thay đổi dạng toán từ “tính số kg gạo, lít dầu” sang “tính số bao đường, bịch muối, chai dầu” thì cháu thản nhiên bảo rằng con chưa học.
Nhân dịp họp phụ huynh, tôi đem băn khoăn trên tâm sự với mấy phụ huynh khác thì họ cũng lắc đầu ngao ngán. Thì ra cháu nào cũng giống nhau, chỉ biết học rập khuôn, không có sáng tạo. Phần lớn học sinh trong lớp đều đạt loại giỏi nhưng rất hiếm học sinh “tỏa sáng” hẳn lên. Cứ mỗi lần đến kỳ thi là cô giáo lại giao thật nhiều bài để các cháu ôn. Nhìn con lọ mọ làm bài suốt ngày mà thấy tội nghiệp.
Hôm thi xong môn tiếng Việt, cháu bảo làm bài tốt. Tôi hỏi về đề thi thì được biết đề bài yêu cầu các em phải tả một cái cây. Dạng văn tả về người thân, cây cối, con vật… đều được giáo viên cho các em luyện rất kỹ. “Thế con tả cây gì?” – tôi hỏi. “Con tả cây dừa” – cháu trả lời. “Ai chỉ cho con tả cây dừa?”, “Cô”.
Bảo cháu đọc những gì cháu tả trong bài thi, tôi mới giật mình vì trong bài làm cháu tả “…thân dừa bạc phếch thời gian…”. Chao ôi! Học sinh lớp 2 mà đã dùng đến từ “bạc phếch thời gian” trong khi nhiều người lớn vẫn còn mơ hồ về cụm từ đó. Tôi tiếp tục hỏi: “Thế không lẽ cả lớp con đều tả cây dừa à?”. Cháu vẫn thản nhiên: “Không, mỗi bạn tả một cây, ba ơi!”. Thì ra để đề phòng tình huống học sinh lớp mình làm bài trùng nhau, cô giáo đã chỉ cho mỗi em tả một cây. Tội nghiệp cho cô, lớp có 44 học sinh nên cô phải nghĩ ra 44 loài cây cho các em tả.
NGUYỄN QUẾ DIỆU (TTO)

Bình luận (0)