Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục, giao thông và chỉ số hài lòng

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, nhiều người quan tâm và hay nhắc đến “chỉ số hài lòng” của người dân đối với các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Từ việc cấp giấy tờ, duyệt dự án, thực hiện công trình, giải quyết các dịch vụ công hay thái độ ứng xử của viên chức, công chức nơi công sở… tất cả đều được người dân ghi nhận mức độ đáp ứng yêu cầu của họ như thế nào. Mức độ đáp ứng yêu cầu của người dân được các chuyên gia phân tích, lượng hóa bằng các con số – gọi là chỉ số hài lòng. Thật khó để vừa lòng hết thảy mọi người, nhất là khi các giao dịch hành chính, dịch vụ công chưa được chuẩn hóa và chưa được người dân thấu hiểu, đồng thuận. Giáo dục, giao thông, địa chính, nhà đất… là các lĩnh vực “đụng” nhiều nhất đến vấn đề này.

Tỷ như, sau khi công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10, bên cạnh hàng chục ngàn phụ huynh thỏa mãn được nguyện vọng đã đăng ký, thì cũng có hàng ngàn phụ huynh khác không vừa lòng vì không thích nguyện vọng đã trúng tuyển hoặc không trúng tuyển nguyện vọng nào. Họ không vừa lòng với nguyện vọng đã đạt, nhấp nhỏm cậy nhờ người này người nọ, trông chờ vào các mối quan hệ để “chạy” một chỗ học – mà họ cho là tốt nhất – cho con. Đó là thói quen đã hằn sâu trong suy nghĩ và hành động của hầu hết người dân trong bao nhiêu năm nay. Thậm chí, có người vẫn không tin vào quyết tâm của toàn ngành là thực hiện nghiêm quy định tuyển sinh lớp 10, nhằm thực hiện tốt nhất cuộc vận động “hai không”. Quy định tuyển sinh 2008 đã rõ mồn một, được công bố rộng rãi: không thay đổi nguyện vọng, không xét lấy thêm dù bất cứ lý do gì. Tuy biết vậy, nhưng nhiều phụ huynh cho rằng vẫn có chỗ để “chạy trường”. Nhiều hiệu trưởng, người có trách nhiệm, và có cả nhà báo, giải thích “tới lui”, nhưng phụ huynh – người quen biết, vẫn không chịu tin, cứ nghĩ là mình bị làm khó dễ. Trước ngày nộp hồ sơ thi và đăng ký nguyện vọng, Sở GD-ĐT đã thông báo đầy đủ, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm cũng đã hướng dẫn cặn kẽ cách thức đăng ký nguyện vọng rồi. Vậy mà…

Hoặc như lĩnh vực giao thông, nhiều phiền toái mà người dân lên tiếng: nước ngập, kẹt xe, tai nạn giao thông, ùn tắc do “lô cốt” thi công cẩu thả… những ta thán đó không sai. Nhưng tiêu chí xem xét chỉ số vừa lòng là thế nào? Muốn hết ngập nước thì phải khai thông hoặc làm mới hệ thống cống thoát. Muốn vậy thì phải đào đường, phải che chắn. Mà cũng không thể làm từ từ, vì tiêu thoát nước không thể làm cục bộ và kéo dài hết năm này qua năm nọ, làm đồng bộ trong một thời gian ngắn; tai nạn xảy ra nhiều chủ yếu là do tài xế bất cẩn; kẹt xe nhiều là do dân đổ về thành phố ngày một đông, ô tô nhập tràn lan; đường phố dơ bẩn thì trách nhiệm phần lớn là do cư dân xả rác bừa bãi, phạt vi cảnh nặng thì cũng không ít người kêu ca…

Thiết nghĩ mỗi người phải góp một tay, nêu cao ý thức công dân, không khoán trắng và hoàn toàn đổ lỗi cho nhà nước. Nhà nước và công dân cùng hợp sức giải quyết thì thành phố mới văn minh lịch sự được, thì chỉ số hài lòng của người dân mới tăng lên được.

Hai Đức

Bình luận (0)