Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo dục giới tính cho con

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục giới tính là giáo dục trẻ làm người, sống đúng với giới tính của mình. Ảnh: N.Trinh

Hiện nay đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, tuổi dậy thì của trẻ em cũng sớm hơn so với trước, có nhiều bé gái dậy thì từ khi học lớp 4 (10 tuổi). Thông tin đến với con người rất phong phú, trẻ em sẽ tiếp nhận những thông tin này trên nhiều kênh, có những tiếp cận tích cực song cũng có những nguồn không chính thống, thiếu lành mạnh.
Vậy làm sao để con có suy nghĩ và cư xử đúng đắn về tình bạn khác giới, những cảm xúc đầu đời và bảo vệ bản thân mình? Đây là nỗi lo chung của nhiều bậc cha mẹ khi con bước vào tuổi vị thành niên. Theo đó, ở tuổi vị thành niên, các em thích thể hiện bản thân, thích quan tâm đến người khác giới, sớm rung động với tình cảm lứa đôi, trong khi đó có quá nhiều thông tin về tình yêu, tình dục trên internet, thậm chí cả trong truyện tranh, phim hoạt hình… Vì thế, việc trẻ em nảy sinh tình cảm với bạn khác giới là lẽ bình thường và nếu các em không có kiến thức về giới tính sẽ không biết bảo vệ bản thân, rất có thể sẽ dẫn đến những ứng xử sai trái.
Lo lắng trước hiện tượng này, nhiều phụ huynh cấm con yêu hay cấm chơi với bạn khác giới; đi học hay đi chơi luôn có cha mẹ kèm cặp… Nhưng, càng cấm trẻ lại càng tò mò thậm chí cả thách thức cha mẹ. Đến giờ, vẫn có nhiều phụ huynh giữ quan điểm không vẽ đường cho hươu chạy, không ủng hộ giáo dục giới tính trong nhà trường, lảng tránh trả lời những thắc mắc của con về giới tính, tình bạn, tình yêu… mà họ có suy nghĩ “lớn lên trẻ sẽ tự hiểu, còn biết sớm thì hư sớm”. Nhiều phụ huynh có quan điểm trên đều đánh đồng giáo dục giới tính với việc nói với trẻ về tình dục, về các biện pháp phòng tránh thai…
Như vậy, giáo dục giới tính là giáo dục trẻ làm người, giúp các em sống đúng với giới tính của mình, sống chan hòa với người khác giới và cùng giới. Trên hết, mục tiêu của giáo dục giới tính là dạy trẻ biết trân quý giá trị bản thân, từ đó biết tôn trọng mọi người. Nếu trẻ nhận ra giá trị bản thân thì sẽ không dễ dàng chấp nhận sự xâm hại từ người khác lên cơ thể mình. Nhiều trẻ bị xâm hại mà không biết cách phòng tránh, không biết tự bảo vệ mình. Trẻ nam khi biết tôn trọng thân thể người khác, biết quý trọng giá trị con người cũng sẽ không dễ dàng yêu cho vui hay đòi hỏi bạn gái chuyện tình dục. Và khi các em biết trân trọng con người thì sẽ dám chịu trách nhiệm với việc làm của mình.
Khi cha mẹ, thầy cô quan tâm đến cảm xúc của học sinh, yêu thương chia sẻ những tâm tư của con mà không cấm đoán, các em sẽ sẵn sàng tâm sự với họ từ lúc biết rung động hay có ai đó tán tỉnh. Và khi được người lớn tâm tình, trò chuyện, định hướng, các em sẽ biết giữ gìn tình bạn trong sáng, trân trọng tình bạn khác giới ở tuổi học trò và biết tự bảo vệ bản thân, không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Vì vậy, để trẻ biết chọn lọc thông tin, chủ động tiếp cận những thông tin lành mạnh và có hiểu biết đúng về giới tính, cha mẹ cần sớm dạy cho con kiến thức này. Tùy theo độ tuổi cha mẹ có thể chỉ dạy cho con từ những điều đơn giản, đến những điều tế nhị, phức tạp hơn; tránh tâm lý sợ vẽ đường cho hươu chạy, vì trẻ có hiểu biết để không sai phạm còn hơn là khi trẻ tự khám phá rồi “mắc cạn” cha mẹ mới tìm cách tháo gỡ cho con.
Phạm Thị Ngần
(Giảng viên tâm lý Trường ĐH Nguyễn Huệ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)