Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo dục giới tính cho học sinh: Cánh cửa còn bỏ ngỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Phạm Thị Kim Tuyến (phải) trao đổi với nhóm thực hiện đề tài
Khi đề cập đến vấn đề giáo dục giới tính (GDGT) cho giới trẻ, không ít người còn quan niệm: “Không nên vẽ đường cho hươu chạy”. Chính vì vậy, GDGT cho học sinh trong nhà trường hiện nay vẫn là cánh cửa còn bỏ ngỏ…
Đề tài “Thái độ của học sinh THPT đối với GDGT” của cô Phạm Thị Kim Tuyến (giáo viên dạy môn GDCD Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) cùng với nhóm học sinh của trường thực hiện  như một sự tiên phong ở lĩnh vực “khó nói” này.  
Cô Kim Tuyến cho biết trong một lần đọc báo, cô thật sự “sốc” trước thông tin: Theo kết quả điều tra của các nhà nghiên cứu xã hội học, Việt Nam là nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới – cứ 1.000 phụ nữ thì có 83,3 ca phá thai. Số ca phá thai của Việt Nam đứng nhất bảng trong các nước Đông Nam Á…
Tiếng chuông cảnh tỉnh
Điều làm cô Kim Tuyến phải suy nghĩ nhiều nhất là “phá thai sẽ để lại hậu quả thật khôn lường cho giới trẻ”. Và qua thực tế giảng dạy, cô nhận thấy trong phạm vi trường phổ thông, việc GDGT cho học sinh vẫn còn một khoảng trống chưa có nhiều người khai phá. Để làm “cú đột phá”, cô Kim Tuyến bắt đầu phác thảo đề tài “Thái độ của học sinh THPT đối với GDGT”. Điều lo ngại đầu tiên, theo cô, đây là vấn đề vốn rất nhạy cảm, nếu không có phương pháp hoặc đưa ra cách làm sai thì sẽ không cho ra kết quả điều tra như mong đợi.
Do đó, ngoài việc phỏng vấn trực tiếp, nhóm thực hiện đề tài còn đưa ra phiếu điều tra cho từng lớp để thăm dò thực trạng hiểu biết về giới tính của các em tới đâu. “Đây sẽ là cơ sở để nhóm đề xuất ra những giải pháp giúp các bạn có nhận thức đúng đắn về giới tính, có hành vi lành mạnh trong cuộc sống”, em Trịnh Thị Bích Phượng – một thành viên trong nhóm – cho biết.  
Ở lứa tuổi teen, các em còn e ngại, không dám đề cập tới giới tính do kiến thức hiểu biết còn giới hạn. Bên cạnh số học sinh hiểu rất rõ về kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên thì vẫn còn nhiều em trả lời trong phiếu thăm dò: “Chưa hiểu rõ lắm”, “Chỉ nghe nói sơ qua”… Đặc biệt vẫn còn những phiếu ghi: “Không biết gì cả” dù chỉ là số ít. Điều đó chứng tỏ GDGT làm không tới nơi tới chốn và chưa thực sự đạt được hiệu quả mặc dù các em đã nhận thấy được tầm quan trọng của GDGT đối với lứa tuổi của mình. 
Sau khi có biểu đồ các cột đứng, em Châu Hoàng Minh Phương – một thành viên khác – đưa ra kết luận: “Biểu đồ cho thấy các nguồn thông tin tìm hiểu về giới tính hầu hết thông qua con đường chính thống là sách báo, bạn bè, sau đó mới đến thầy cô và gia đình”. Theo Minh Phương, chúng ta cần cất lên tiếng nói cảnh tỉnh là sách báo, ti vi cùng các phương tiện truyền thông khác đã có ảnh hưởng không nhỏ đến các bạn tuổi teen, nhưng nếu không có sự kiểm soát và sự “miễn dịch” thì sẽ có những chuyện không hay xảy ra. Có thể coi đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho lứa tuổi học trò.
Đừng để thiếu hiểu biết
Ở một góc độ khác, cô Kim Tuyến cho biết GDGT trong nhà trường vẫn còn đứng trước một số rào cản khó vượt qua như: Kiến thức chưa được cung cấp một cách hệ thống, thầy cô chưa thật sự tự nhiên khi nhắc tới vấn đề này, cha mẹ can ngăn và thiếu chia sẻ… trong khi đó tài liệu thì thiếu thốn, không có nhiều như các môn học khác. GDGT chỉ được lồng ghép vào chương trình học gọi là cho có. Tìm đi kiếm lại cũng chỉ có bài Điều khiển sinh sản ở động vật và sinh đẻ có kế hoạch ở người trong SGK Sinh học 11 hay bài Tình yêu, hôn nhân và gia đình ở SGK GDCD 10. Đó là chưa nói đến nếu không được tập huấn thì giáo viên cũng không biết bám víu vào đâu để lên lớp. Khi đưa ra các biện pháp, nhóm thực hiện đề tài đã hướng vào ba đối tượng, đó là gia đình, nhà trường và bản thân học sinh. Nếu như phụ huynh cần tránh những thành kiến sai lầm như “vẽ đường cho hươu chạy”, “GDGT là chuyện tình yêu, tình dục”, “GDGT chỉ dành cho người lớn” thì nhà trường phải xây dựng chương trình GDGT cho học sinh thông qua các buổi trao đổi ngoại khóa thân thiện; người trao đổi có thể là giáo viên bên ngoài nhà trường, nhằm giúp các em dễ hỏi, dám thổ lộ một cách chân tình hơn. Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động Đoàn Thanh niên thông qua các phong trào để thường xuyên tuyên truyền về GDGT. Cần có lớp bồi dưỡng cho các giáo viên dạy những môn lồng ghép như GDCD, sinh học… Đối với học sinh, nhận thức được tầm quan trọng của việc GDGT đối với bản thân và có thái độ học tập tích cực trong giờ học này. Khi có vấn đề thắc mắc về giới tính thì hỏi ba mẹ, thầy cô, bạn bè; nếu ngại ngùng e thẹn thì có thể gọi điện cho chuyên viên tư vấn, bác sĩ chứ đừng nên “chết vì thiếu hiểu biết”.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
“Do chương trình hiện nay quá dày nên việc triển khai GDGT gặp không ít khó khăn, công tác đổi mới, tăng tiết vì thế không phải dễ. Chính vì vậy, cần có một khung chương trình hoàn thiện, mang tầm vĩ mô và có tính bao quát, do Bộ GD-ĐT phối hợp với các ban ngành khác như tâm lý, y học, xã hội học… xây dựng”,cô Phạm Thị Kim Tuyến đề xuất. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)