Chủ động mở rộng nội dung giáo dục giới tính cho học sinh (HS) mọi độ tuổi được nhiều trường học đã và đang triển khai. Tuy nhiên hiện vẫn còn trường chưa quan tâm đến vấn đề này, trong khi nội dung giáo dục giới tính rất quan trọng với HS.
Giáo dục giới tính sớm sẽ giúp trẻ biết cách phòng tránh xâm hại tình dục (ảnh mang tính chất minh họa) |
Mỗi độ tuổi có nội dung giáo dục khác nhau
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), HS từ lớp 1 đến lớp 5 đều được trang bị kiến thức về giới tính thông qua các tiết sinh hoạt, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Tùy theo độ tuổi mà nhà trường trang bị kiến thức phù hợp cho các em. Cụ thể, ở lớp 1, 2 và 3, giáo viên dạy HS cách phân biệt bạn nam, bạn nữ; lên lớp 4, 5 thì đi sâu vào giới tính, các bộ phận quan trọng trên cơ thể cần phải bảo vệ cũng như cách phòng chống xâm hại tình dục.
Cô Nguyễn Thị Thu Vân (giáo viên lớp 1) cho biết: “Nội dung truyền đạt nhẹ nhàng như một câu chuyện để các em dễ hiểu, tiếp thu hiệu quả mà không ngại ngùng hoặc sợ hãi. Ngoài các kiến thức trong sách, giáo viên sưu tầm thêm các tài liệu trên mạng để phục vụ công việc giảng dạy, khi xây dựng chuyên đề thì nhà trường mời bác sĩ đến nói chuyện, tư vấn, giải đáp thắc mắc cho các em”.
Theo cô Thu Vân, giáo dục giới tính bậc tiểu học chỉ có trong môn khoa học chương trình lớp 4, 5. Riêng lớp 1, 2, 3 khá mờ nhạt, hầu như không có. Trong khi đó một số HS mới học lớp 3 đã dậy thì, do đó, việc xây dựng nội dung giáo dục giới tính từ lớp 1 xem như không sớm, nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng thiết thực để các em hiểu về giới tính, phân biệt bộ phận nào trên cơ thể không cho người khác đụng chạm, sờ mó. Nếu chẳng may có người lạ thực hiện các hành vi xấu thì HS cũng biết cách ứng phó.
Tại Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), ngoài những tiết học môn giáo dục công dân giáo dục về giới tính, Ban Giám hiệu còn mở rộng nội dung thông qua các chuyên đề dưới cờ, ngoại khóa. Cách giáo dục đa dạng từ sân khấu hóa đến trò chuyện cùng các chuyên gia tư vấn tâm lý, bác sĩ chuyên khoa… Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ: “Trung bình 1 tuần, nhà trường thực hiện 1 tiết giáo dục kỹ năng, trong đó có phần liên quan đến giới tính cho HS. Qua đây, các em có cơ hội hiểu biết về chính mình, nắm vững cách xử lý cũng như bảo vệ bản thân trước tình huống xấu…”.
Chưa có sự đồng bộ giữa các trường học
Giáo dục giới tính cho HS hiện đang trở thành những nội dung quan trọng trong trường học khi mà độ tuổi dậy thì sớm của trẻ ngày càng nhiều, kiến thức giới tính hạn chế, và xã hội thì phức tạp, xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em. Một giáo viên công tác tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Q.4, TP.HCM) nhận định: Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ qua phản ánh của báo chí đã dấy lên hồi chuông cảnh báo đến gia đình, nhà trường và xã hội phải có nhiều biện pháp bảo vệ các em. Không chỉ bé gái mà thậm chí bé nam cũng có nguy cơ bị xâm hại. Về phía trường học, giáo dục giới tính cho HS ngay từ lớp 1 không hề sớm và nhà trường không nên né tránh. Nếu không làm, trẻ sẽ mù mờ thông tin, yếu kỹ năng lại đâm ra nguy hiểm hơn.
Tuy nhiên qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện vẫn còn trường học chưa xem trọng nội dung này, chỉ trang bị kiến thức cho HS dựa trên kiến thức sách vở, làm cho xong chuyện, thậm chí lơ là vì nghĩ trẻ còn quá nhỏ để giáo dục. Cô Phan Thị Yến (nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền, Q.3, TP.HCM) khẳng định: “Hiện vẫn còn trường ít quan tâm giáo dục giới tính cho HS vì có suy nghĩ độ tuổi tiểu học còn nhỏ, nhất là các trường thuộc khu vực dân cư lao động. Nếu có dạy thì chỉ dạy đúng chương trình ở lớp 4, 5 với thời lượng không nhiều”. Trong khi đó, ThS. tâm lý Tô Nhi A (giảng viên Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM) bức xúc: “Xã hội đã đề cập giáo dục giới tính cho HS tiểu học từ lâu nhưng thực sự nhiều trường học chưa quan tâm. Minh chứng là khi chúng tôi ngỏ lời xuống trường nói chuyện với các em nhưng không được hiệu trưởng chào đón”.
Ngoài những hạn chế trên, không thể không kể đến nội dung giáo dục giới tính chưa được đưa nhiều vào chương trình chính khóa. Thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết: “Để làm tốt việc giáo dục giới tính cho HS, các trường phải tận dụng thời gian của tiết sinh hoạt dưới cờ hay hoạt động ngoại khóa vì thời gian chính khóa không đủ. Riêng nội dung giảng dạy do nhà trường tự tìm kiếm, xây dựng vì trong chương trình của bộ, nội dung ít và chưa xuyên suốt”.
Bài, ảnh: N.Trinh
Bình luận (0)