ThS. Vũ Thu Hương nhận định: “Giáo dục giới tính là phù hợp và cần thiết đối với sự phát triển tâm – sinh lí của học sinh những năm đầu cấp tiểu học vì trẻ đã có những thiên hướng về giới tính, bắt đầu quan tâm đến các vấn đề về giới tính và sinh sản, có nhu cầu được tìm hiểu về các vấn đề này.
> Giáo dục giới tính đầu cấp tiểu học – Kỳ 1: Làm gì khi trẻ “diễn trò người lớn” quá sớm?
Giáo dục giới tính bắt buộc ở lớp 1
Khi chúng ta tiến hành giáo dục giới tính cho các em ở lứa tuổi này thì nét tâm lí xấu hổ, ngượng ngùng trước các vấn đề này vẫn chưa xuất hiện ở trẻ nên hiệu quả của việc tiếp thu kiến thức sẽ được nâng cao. Và với những kiến thức đúng đắn trẻ sẽ bước vào tuổi dậy thì một cách tự nhiên, thoải mái, tránh những lo lắng và hoang mang.
Tuy nhiên, chương trình giáo dục giới tính hiện nay vẫn còn một số bất cập: chưa được diễn ra một cách cởi mở, ngôn ngữ thì trừu tượng, thời lượng dạy còn hạn chế… Và đến nay việc giáo dục giới tính cho học sinh những năm đầu cấp tiểu học vẫn chưa được xem xét đến. Đối với các bậc phụ huynh họ cũng chưa trả lời những câu hỏi của con như “Em bé được sinh ra từ đâu và như thế nào?”. Thành viên của diễn đàn www. webtretho.com/forum tâm sự: “Con gái lớn của tôi dạo này bắt đầu hỏi mẹ câu này khi thấy em bé trong bụng mẹ lớn dần. Các ông bố bà mẹ có cách giải thích nào vẫn đảm bảo tính chính xác mà không đi sâu chi tiết thì giúp em với, chứ bây giờ mà nói là con cò mang đến thì nghe chừng không ổn”.
Theo ThS. Hương, ở Đức, giáo dục giới tính được tiến hành từ bậc mầm non. Khi đó, các bé được giáo viên giảng dạy sơ lược về thân thể, sự khác biệt về giới, một số kiến thức cơ bản về sinh sản dưới dạng tranh vẽ, các câu chuyện dễ thương… Giáo dục giới tính ở đất nước này thực sự bắt đầu vào lớp 2, bằng một môn học độc lập. Lúc đó trẻ học giáo dục giới tính bằng phương pháp thảo luận dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Giáo viên cũng tư vấn cho cha mẹ về cách trả lời những câu hỏi thắc mắc của trẻ về vấn đề giới tính và tình dục. Còn ở Anh, việc giáo dục giới tính lại được bắt đầu bởi cha mẹ. Cha mẹ được học cách giải quyết thắc mắc của trẻ bằng các câu chuyện, cách hướng dẫn trẻ giữ gìn thân thể, vệ sinh cá nhân từ các chuyên gia tư vấn. Đến năm 11 tuổi, trẻ thực sự được học giáo dục giới tính trong nhà trường.
Nếu lúng túng, hãy gặp chuyên gia tâm lý
“Ở nước ta, giáo dục giới tính nên đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc từ lớp 1 dưới dạng ngoại khóa, kể chuyện, và quan sát tranh ảnh. Vì đây là một vấn đề rất nhạy cảm, giáo viên phải được tập huấn về phương pháp giảng dạy. Khi lên cấp 2, giáo dục giới tính nên đưa vào thành một môn học chính thức. Vì lúc này, học sinh đã có sự phát triển về cơ thể, nhu cầu tìm hiểu giới tính rất cao. Thêm nữa, hiện nay, các phương tiện tiếp cận thông tin rất nhiều. Nếu không được hướng dẫn cụ thể, trẻ có thể gặp những sai lệch về nhận thức giới tính” – ThS. Hương đưa ra kinh nghiệm từ việc nghiên cứu cũng như qua kinh nghiệm thực tế của bản thân khi mở những lớp giáo dục giới tính cho trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo. Cũng theo chị, với bố mẹ, khi con lên 5 tuổi, nên có những hướng dẫn cụ thể và đơn giản về cơ thể con người, việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ bản thân. Khi con có những biểu hiện bất thường về giới tính, cha mẹ tuyệt đối tránh la mắng, cần ở gần bên con, an ủi, động viên và giải thích cho con hiểu. Với trẻ, khi cha mẹ giải thích, cần tìm những từ ngữ và hình ảnh trẻ thơ để giải thích vì trẻ vốn chưa có hiểu biết đầy đủ. Không sử dụng các từ ngữ khó hiểu như quan hệ tình dục, thủ dâm, giới tính… Hãy nói đơn giản hơn, dễ hiểu hơn, và gần gũi với trẻ hơn.
Và một điều quan trọng không kém cho những bậc cha mẹ là khi lúng túng trong việc xử lý các vấn đề nhạy cảm này thì hãy đến gặp các chuyên gia tư vấn. Họ sẽ đưa ra những lời khuyên bổ ích, nhằm hỗ trợ cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục về giới tính cho trẻ.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)