Trước nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến giáo dục giới tính (GDGT) trong lứa tuổi học sinh, các chuyên gia giáo dục cho rằng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi và làm mới công tác GDGT, kỹ năng sống trong trường học thay vì “đến hẹn lại lên” như hiện nay.
Thầy và trò Trường THPT Nguyễn Du trao đổi trong tiết học GDGT
Bằng nhiều nỗ lực, hiện nhiều trường học tại TP.HCM đã cố gắng đưa GDGT trở nên dễ hiểu và gần gũi hơn với học sinh.
Mô hình tiết học GDGT mở
Đó là một tiết học bình thường như bao tiết học khác. Chỉ khác là học sinh đến từ nhiều lớp khác nhau trong trường, ngồi thành từng nhóm nhỏ có xen lẫn với giáo viên. Khi giáo viên dạy GDGT đưa ra các vấn đề, học sinh được phép thể hiện quan điểm của mình. Nhiều đoạn clip về giới tính được trình chiếu một cách thú vị, lôi cuốn nhưng hết sức bổ ích. Đây là mô hình GDGT đang được áp dụng tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM).
Háo hức đăng ký tham gia tiết học GDGT mở từ nhiều ngày trước, theo Khải Nguyên (lớp 12A4), điểm thu hút nhất của tiết học này so với những lần học về giới tính khác đó là sự tương tác và thông tin đa chiều. “Không còn dưới dạng chuyên đề nữa mà không khí như trong một lớp học. Chúng em được thể hiện quan điểm của mình, đưa ra những băn khoăn, các tình huống mà mình có thể gặp để nhờ… cả lớp hỗ trợ”, Khải Nguyên thích thú nói.
Thầy Hồng Sĩ Đăng (giáo viên giảng dạy kỹ năng sống của trường) cho biết nhầm lẫn nhiều nhất của học sinh hiện nay vẫn là về giới tính khi các em chưa phân biệt được cũng như chưa có những hiểu biết về giới trong đời sống. Bên cạnh đó, kiến thức về phòng ngừa xâm hại các em cũng rất thụ động, chưa rõ ràng. “Tiết học sẽ cởi bỏ tất cả những ranh giới trong giới tính. Để ít nhất một lần các em dám sống thật với chính mình, dám bày tỏ những “góc khuất” của bản thân về GDGT hơn là tự mình dò dẫm trên mạng xã hội”, thầy Đăng chia sẻ.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường), đã đến lúc cần phải làm mới công tác GDGT, đó là giúp học sinh nhìn thẳng vào vấn đề một cách cởi mở, thay vì e dè, ngại ngùng. “Chúng ta không nói, các em cũng sẽ biết. Nhưng biết theo cách không có định hướng khi thông tin tràn lan trên mạng xã hội, chỉ cần một cái click chuột là xong. Xâm hại có thể đến từ bất cứ môi trường nào ngay cả trong môi trường giáo dục. Ngoài những kiến thức giới tính, điều quan trọng là trường học phải giúp các em nhận diện được những mối nguy và cách phòng tránh”, thầy Phú nhấn mạnh.
Đẩy mạnh GDGT từ bậc tiểu học
Gần 2 năm nay, học sinh Trường Tiểu học Phùng Hưng (Q.11, TP.HCM) đã được làm quen với các tiết học GDGT hết sức sinh động. Ngoài sinh hoạt dưới cờ, ở từng lớp học, học sinh được tham gia các hoạt động ngoại khóa thú vị theo dự án “5 ngón tay an toàn”.
“Đây là dự án về GDGT được lấy cảm hứng từ quy tắc “5 ngón tay dạy con tránh bị lạm dụng tình dục”. Khi tham gia dự án, các em được hình thành cả về kiến thức lẫn kỹ năng để có thể tự bảo vệ bản thân mình. Một cách tự nhiên, các em tự ý thức được về các mối nguy, về giới hạn của sự đụng chạm, biết lên tiếng trước những tình huống không an toàn…”, cô Trương Hồ Trâm Anh (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết.
Theo cô Trâm Anh, hiện tại trong chương trình SGK bậc tiểu học, GDGT vẫn chưa được quan tâm nhiều ngoài một bài duy nhất được đề cập trong môn Khoa học lớp 5. “Việc thiếu hụt trong kiến thức và thông tin về GDGT khiến cả học sinh và giáo viên gặp khó”, cô Trâm Anh nói. Dự án “5 ngón tay an toàn” mở ra cho học sinh cơ hội được trực tiếp tham gia vào các hoạt động, tự tìm kiếm thông tin, từ đó nâng cao nhận thức của chính mình. “Các em được học các thế võ tự vệ, được đóng vai trong các tình huống xâm hại và làm những sản phẩm để chia sẻ đến bè bạn xung quanh. Qua đó hình thành cho các em các kỹ năng cần thiết khác như giao tiếp, chia sẻ”, cô Trâm Anh thông tin.
Học sinh lớp 4/6 Trường Tiểu học Phùng Hưng học GDGT qua tranh
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), công tác GDGT luôn được đẩy mạnh và thường xuyên làm mới qua các tiết học “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em”. “Quan trọng nhất là học sinh phải được tương tác để tự mình hiểu ra những tình huống mà các em có thể gặp phải trong cuộc sống”, cô Tống Thị Mai Hương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) bày tỏ.
Cô Mai Hương cho rằng công tác GDGT không phải đợi đến khi học sinh lớn lên, bước vào các bậc học cao hơn mà ngay từ bậc mầm non, tiểu học, các kiến thức này càng cần phải được trang bị cho các em. Mỗi ngày từng chút một, dần hình thành nên kỹ năng, phản xạ của chính các em. “Phòng tránh xâm hại cần phải được đi từ gốc rễ, ở mỗi bậc học những kiến thức đó được đưa vào theo những góc độ riêng, bằng những hình thức riêng. Và ngay cả gia đình cũng cần phải hỗ trợ, đồng hành cùng nhà trường trong hoạt động giáo dục này”, cô Mai Hương nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)