Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Giáo dục Hai-ti sau trận động đất: Vươn lên từ đổ nát hoang tàn

Tạp Chí Giáo Dục

Sẽ còn rất lâu mới có thể thấy học sinh Hai-ti vui vẻ đến trường sau trận động đất lớn vừa qua. Ảnh: I.T

Đối với học sinh ở Port-Au-Prince, sau trận động đất kinh hoàng ngày 12 tháng 1 năm 2010, không còn cái gì như trước kia nữa. Các tòa nhà chủ yếu bằng bê-tông, vốn là những cơ sở trường học, nay phần lớn đã bị sụp đổ. Những phần nào chưa đổ, hay bị hư hại nặng do trận động đất, thì đối với đa số học sinh đều là những nguy cơ chết người cần phải tránh xa bằng bất cứ giá nào. Học sinh không còn chút nào ý định trở lại mái trường xưa nữa.
Học sinh sợ đến trường
Richard, 12 tuổi, đang học lớp 5 Trường Trung học Catherine-Flon (Nam Port-au-Prince) cho biết, trường em đã bị quét sạch sau cơn địa chấn đầu tiên. Richard đã được cứu sống trong đống đổ nát hai giờ sau trận động đất. Em đã tận mắt nhìn thấy bạn bè mình bị thương đau đớn và chết. Dù thời gian trôi qua, hình ảnh khủng khiếp đau thương của thảm họa vẫn còn nguyên trong đầu em. Richard nhớ lại: “Khi mặt đất bỗng nhiên rung chuyển, chúng em lập tức rời khỏi lớp. Em thấy những mảng bê tông rơi xuống đầu một thầy giáo. Khắp nơi vang tiếng kêu la. Em cố xác định xem tiếng kêu cứu là của bạn nào trong lớp…”.
Trên đài phát thanh, học sinh Trường Trung học Catherine-Flon nghe thông báo việc nhà trường mở cửa lại đón học sinh đến học. Nhưng đa phần học sinh cảm thấy băn khoăn lo sợ khi trở lại trường. Richard nói một cách cương quyết: “Em không muốn trở lại trường này cũng như bất cứ trường nào khác xây dựng bằng bê tông”. Cũng như Richard, hàng vạn học sinh Hai-ti đã bị chấn thương thân thể hoặc tinh thần ở nhiều mức độ khác nhau. Một ngày nào đó, tất nhiên các em cũng phải trở lại trường để học. Nhưng học như thế nào đây, khi đa số trường học đã bị đổ sập. Tuy chính phủ đang rất khó khăn để có được những căn lều cho người bị nạn ở tạm, nhưng bộ giáo dục vẫn thông báo cho học sinh trở lại trường học tập. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Joel Desrosiers Jean-Pierre nhấn mạnh: “Việc trở lại trường của học sinh rất cần thiết, vì đó là một giải pháp tâm lý và xã hội cho các em vốn vẫn còn choáng váng, do bị sốc quá lớn sau trận động đất kinh hoàng…”. Theo nhà chức trách, nhiều biện pháp đã được áp dụng để tập hợp những em đã rời thủ đô về sống tạm ở các địa phương, khoảng 20.000 học sinh. Bộ trưởng Joel Desrosiers Jean-Pierre nói tiếp: “Tất cả những biện pháp đã được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi mở lại các trường. Nhiều cơ sở giáo dục cũ được trưng dụng. Nhiều trường phải tổ chức học dưới những căn lều. Trường học là hy vọng duy nhất cho đất nước này”.
Bao giờ trường mở lại
Những căn lều dựng cho nạn nhân đều làm bằng nhựa. Hai-ti là một xứ nhiệt đới, nhiệt độ dưới căn lều có thể lên đến 450C ban ngày. Rõ ràng thầy trò phải làm việc trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. Điều phái viên của chương trình kiến thiết lại những cơ sở giáo dục bị đổ nát, ông Reynold Telfort đã chỉ ra rằng 70% cơ sở giáo dục đã bị phá hủy, và gần 1.300 giáo viên đã bị chết trong trận động đất vừa qua. Số giáo viên bị thương bỏ về các địa phương chưa thống kê được hết. Một cách chính thức, ngày nào mở lại cửa trường ở thủ đô Port-au Prince vẫn chưa được thông báo. Trong khi các vùng khác của Hai-ti, trường học cũng dần dần được mở cửa lại.
Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực giúp nhân dân Hai-ti trở lại cuộc sống bình thường, trong khi Chính phủ phải khẩn trương giải quyết những vấn đề về đời sống. Điều cấp bách nhất hiện nay là lều bạt để tránh mưa nắng, nước uống, lương thực, thuốc men. Dù khó khăn đến đâu giáo dục cũng phải được coi trọng, vì đó là giải pháp xã hội, tâm lý, tinh thần, là tương lai của một dân tộc.
PHAN THANH QUANG
 (Trong Courrier international số tháng 2-2010)

Bình luận (0)