Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, số học sinh khuyết tật mắc chứng khó học bậc tiểu học trong lớp, trong trường ngày càng nhiều, khiến giáo viên gặp khó khăn khi giảng dạy.
Lớp học hạnh phúc là điểm tựa để học sinh hòa nhập tiến bộ (ảnh minh họa)
Lớp học hạnh phúc giúp trẻ tiến bộ
7 năm làm giáo viên tiểu học, trong đó có 6 năm làm công tác chủ nhiệm lớp 1, cô Phạm Thị Hồng Thi (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, Q.1) đánh giá, tình trạng học sinh gặp các rối loạn về hành vi, ngôn ngữ đang ngày càng nhiều. Năm nào lớp tôi chủ nhiệm cũng có ít nhất 1-2 trường hợp. Cụ thể, năm nay lớp tôi chủ nhiệm có hai em gặp các rối loạn.
Năm học này, trong buổi đầu tựu trường, cô Thi đã tiếp một phụ huynh đặc biệt. Theo đó, phụ huynh này gặp trực tiếp cô để gửi giấy xác nhận khuyết tật của con. Giấy ghi trẻ chậm phát triển, rối loạn hành vi, phản xạ chậm. Sau một thời gian quan sát lớp, cô nhận thấy có thêm một học sinh gặp khó khăn trong giao tiếp, khi trao đổi với phụ huynh thì phụ huynh thừa nhận em gặp khó khăn về ngôn ngữ, hiện em chỉ có thể nói duy nhất được 1-2 từ… “Giáo viên sẽ xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho từng học sinh trong từng tháng để có thể giúp các em tiến bộ, hòa nhập trong lớp học. Khoảng 3 tháng, giáo viên sẽ đánh giá tổng quan xem học sinh đã có những tiến bộ gì để có thể điều chỉnh phương pháp, tuyên dương khen thưởng các em sau này. Cạnh đó, giáo viên sẽ thường xuyên trao đổi với phụ huynh về những tiến bộ của học sinh, về phương pháp mà giáo viên đang hỗ trợ các em trên lớp để khi ở nhà phụ huynh có sự hỗ trợ thêm, giúp con tiến bộ”, cô Thi chia sẻ.
Theo cô Thi, với đối tượng học sinh này, các em thường sẽ phát triển mạnh ở một sở thích nào đó. Có thể toán, tiếng Việt các em không học được nhưng những môn khác, các em lại thích học. Giáo viên có thể lấy các môn đó để bổ trợ thêm cho học sinh học ở tất cả các môn khác. Nếu các em thích vẽ thì ngay trong giờ toán, tiếng Việt, giáo viên cũng có thể thêm phần vẽ, giúp các em tự tin, tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng hơn. “Điều này đòi hỏi giáo viên phải quan sát học sinh, trò chuyện và chia sẻ với các em, để hiểu các em và áp dụng phương pháp phù hợp. Học sinh chậm nói, giáo viên sẽ từ từ trao đổi với các em, gợi mở trong từng câu chuyện để dạy các em nói lên thành 2-3 từ, nói tròn câu…”, cô Thi cho biết.
Năm học này, để kéo học sinh đến gần với giáo viên, tạo không khí vui vẻ, yêu thương trong lớp học, cô Thi đã xây dựng góc yêu thương ngay cửa lớp. Sau mỗi buổi học, trước khi ra về, mỗi học sinh sẽ chọn các cách thể hiện yêu thương với giáo viên như: ôm, cụng tay, đập tay, hi-five. “Học sinh không còn e dè nữa mà mạnh dạn thể hiện tình cảm với giáo viên. Với cả những em gặp khó khăn, các em cũng chọn cách thể hiện bằng việc ôm cô giáo, bắt tay với cô. Điều này sẽ giúp các em cảm nhận được tình yêu thương của cô giáo, thấy sự gần gũi, các em cảm thấy bản thân được cô quan tâm, giống như bạn bè. Chính điều này sẽ giúp các em cởi mở, tiến bộ, hòa nhập mỗi ngày”, cô Thi nói.
Giúp giáo viên có thêm kỹ năng hướng dẫn học sinh học hòa nhập Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, năm học 2022-2023, thành phố có 428 trường tiểu học triển khai giáo dục hòa nhập, với 4.794 học sinh. Số giáo viên trực tiếp giảng dạy trẻ hòa nhập là 2.427 người. Bà Lâm Hồng Lãm Thúy (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM) thừa nhận số học sinh khuyết tật mắc chứng khó học bậc tiểu học trong lớp, trong trường ngày càng nhiều, khiến giáo viên gặp khó khăn trong giảng dạy. Trong khi đó, một bộ phận học sinh lại không có đủ hồ sơ về học sinh khuyết tật hòa nhập. Bà Thúy cho biết, năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tổ chức nhiều chuyên đề đi sâu hơn về các loại tật để giáo viên có thêm kỹ năng hướng dẫn học sinh học hòa nhập. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh việc mời phụ huynh cùng tham gia vào giờ học, giờ ăn của học sinh để không chỉ công khai chất lượng giáo dục mà qua đó phụ huynh cùng đồng hành, thấu hiểu với giáo viên cũng như thấu hiểu về con mình nhiều hơn. |
Cô Thi đánh giá, điều quan trọng nhất trong giáo dục học sinh gặp các khó khăn về ngôn ngữ, hành vi chính là sự kiên trì, không nóng vội ở cả phía giáo viên và phụ huynh về sự tiến bộ của các em. Giáo viên phải chia sẻ với chính học sinh, kiên trì động viên các em. Nếu phương pháp này chưa được thì giáo viên đổi phương pháp khác. Đặc biệt, gia đình cần có sự hỗ trợ con ở nhà, thông tin thường xuyên với giáo viên những biểu hiện của con ở nhà, sẵn sàng ngồi lại cùng với giáo viên để tìm biện pháp hỗ trợ tốt nhất cho con.
Sâu sát để trẻ tiến bộ
Ba năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1) áp dụng mô hình đưa giáo viên tư vấn tâm lý vào lớp học cùng học sinh, để hỗ trợ học sinh hòa nhập. Theo đó, vào đầu năm học, từ thông tin của giáo viên chủ nhiệm về tình hình học sinh trong lớp, giáo viên tư vấn tâm lý sẽ học cùng với các em trong một số giờ học để quan sát, ghi nhận biểu hiện của các em trong giờ học, từ đó phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường xây dựng biện pháp hỗ trợ học sinh phù hợp nhất. Đến thời điểm này, cô Trần Bé Hồng Hạnh (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, trường hiện có khoảng 8 học sinh đang gặp các khó khăn trong giao tiếp, hành vi, rải rác ở các khối lớp. Trong số đó chỉ có hai học sinh có giấy xác nhận. “Giáo viên tư vấn tâm lý sẽ lập hồ sơ cho từng học sinh, trong từng tuần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm ghi nhận sự tiến bộ của các em, cùng với giáo viên xây dựng biện pháp để làm sao giúp các em hòa nhập dễ dàng hơn. Trong trường hợp khó khăn thì chính giáo viên tư vấn tâm lý sẽ cùng với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường trao đổi với phụ huynh, phân tích sâu cho phụ huynh biết về tình trạng của học sinh để phụ huynh phối hợp chặt chẽ. Nhiều phụ huynh khi nghe giáo viên chủ nhiệm trao đổi thì không chấp nhận về tình trạng của con nhưng khi giáo viên tư vấn tâm lý có kinh nghiệm, chuyên môn trao đổi thì phụ huynh lại có sự hợp tác rõ rệt”, cô Hạnh cho biết.
Cô Hạnh đánh giá, mô hình trên giúp trường nắm rất rõ về tính cách, sở thích của từng học sinh. Hầu hết các em đều sẽ bị thu hút bởi một hoạt động nào đó, có em thích vẽ, có em thích bóng đá, có em lại thích đàn… Vì vậy, để giúp học sinh hòa nhập với bạn bè, thầy cô, trường thành lập nhiều câu lạc bộ (miễn phí), kéo các em vui chơi, tiến bộ mỗi ngày. “Hiện nay trường có 13 câu lạc bộ hoạt động sau giờ học, giờ ra chơi như vẽ, đàn, nhảy hiện đại, cờ vua, bóng đá, bóng rổ, khoa học vui… Khi được tham gia vào hoạt động mà mình yêu thích, các em trở nên mạnh dạn hơn, cười nói với bạn bè, giao tiếp với thầy cô. Có em còn thích thú kể lại với ba mẹ…”, cô Hạnh nói.
Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp 1, cô T.H. (giáo viên tiểu học ở Q.Bình Tân) chia sẻ, hiện tỷ lệ học sinh gặp các vấn đề về giao tiếp, hành vi ngày càng gia tăng. Có học sinh đã bước vào lớp 1 nhưng nói còn chưa sõi, khó phát âm, có em thì không giao tiếp, có em lại quá năng động, không chịu ngồi yên trong lớp khi học… Theo cô, nhiều phụ huynh khi được giáo viên chia sẻ về các vấn đề mà học sinh đang gặp phải ở trường đều cho rằng giáo viên đang kỳ thị học sinh. Thậm chí, ngay cả khi học sinh có nguy cơ ở lại lớp, phụ huynh cho biết sẵn sàng cho con ở lại lớp nếu con không tiếp thu được chứ nhất định không cho con đi khám bệnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)