Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục hòa nhập: Cầu một đằng, cung một nẻo

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ khuyết tật học hòa nhập tại Trường MN Bến Thành, Q.1

“Chăm sóc, dạy dỗ một đứa con khuyết tật vất vả hơn nuôi dưỡng 3-4 đứa trẻ bình thường”. Đó là tâm sự của chị Bích Trâm – phụ huynh bé Long Điền (Trường Mầm non Thực hành, TP.HCM) tại hội thảo khoa học “Giáo dục hòa nhập – lý luận và thực tiễn” do Trường CĐ SPTW TP.HCM tổ chức mới đây.
8 tuổi mới vào trường mầm non
Thông thường, trẻ em bắt đầu đi học mầm non (MN) khi lên 3 tuổi. Nhưng với Thiện Nhân – học hòa nhập tại Trường MN Thực hành thì phải đến 8 tuổi mới bắt đầu đi học. “Khi con được nhà trường chấp nhận, vợ chồng tôi đã mừng đến rơi nước mắt vì con đã 8 tuổi lại chưa nói được”, chị Vũ Trần Thế Mai (mẹ của Thiện Nhân) nhớ lại.
Những ngày đầu đi học, Thiện Nhân không những không hợp tác với giáo viên mà còn chống đối, la hét. Thậm chí, khi chơi với mẹ ở sân trường trước giờ vào lớp, cậu bé cũng có hành vi rất thô bạo, khiến cho những phụ huynh khác tỏ vẻ khó chịu. “Tôi phải giải thích cho họ hiểu con mình bị tự kỷ để họ có cái nhìn thông cảm hơn. Đến giờ thể dục, con chưa có khả năng bắt chước, lại còn có các phụ huynh khác đứng xem nên con tôi bắt đầu bùng nổ rất dữ dội. Gia đình tôi rất lo lắng vì nếu con cứ kéo dài tình trạng này thì bé sẽ khó được chấp nhận học hòa nhập. Bởi thực tế, một người bạn của tôi có con bị tự kỷ khi học hòa nhập thường đánh các bạn trong lớp. Hậu quả là phụ huynh của các trẻ bình thường đã làm đơn tập thể yêu cầu nhà trường không cho bé này được tiếp tục học nữa”, chị Mai kể.
Những trường hợp như Thiện Nhân không phải là hiếm. Với các hành vi không giống trẻ bình thường, Thiện Nhân và những đứa trẻ tự kỷ học hòa nhập đã tạo ra ác cảm của những phụ huynh có con bình thường. Rồi chính những phụ huynh này đã dặn con họ không được chơi, thậm chí là tránh xa trẻ học hòa nhập.
Còn về phía giáo viên dạy trẻ học hòa nhập thì: “Thiếu kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục hòa nhập cho từng dạng khuyết tật khác nhau. Hơn nữa, công việc của giáo viên MN quá vất vả. Cụ thể, một lớp khoảng 50 trẻ nhưng chỉ có 2 giáo viên nên ít có thời gian dành cho trẻ học hòa nhập. Kết quả là chất lượng giáo dục trẻ học hòa nhập còn nhiều hạn chế”, TS. Vương Hồng Tâm – Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt (Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam) – cho biết.
Đội ngũ giáo viên dạy hòa nhập không chỉ yếu mà còn thiếu về số lượng; cơ sở vật chất còn thiếu những thiết bị dạy học đặc thù cần thiết cho trẻ khuyết tật…
Chất lượng giáo dục đang bị bỏ lửng
“Bất cứ ông bố, bà mẹ nào khi sinh con ra đều mong muốn con mình chào đời thật khỏe mạnh, thông minh. Thế nhưng vì một lý do hay một sự trục trặc nào đó mà đứa con sinh ra có chút khác biệt so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Và bắt đầu là cả một quá trình gian nan, vất vả của những người làm cha, làm mẹ…”, chị Bích Trâm tâm sự.
Và không ít ông bố, bà mẹ đã tìm mọi cách để chữa trị cho con như: Uống thuốc, châm cứu, đi cúng bái… Đồng thời cũng có khá nhiều phụ huynh chọn phương pháp dạy và hỗ trợ trẻ. Thế là các dịch vụ can thiệp, hỗ trợ trẻ khuyết tật ra đời ngày càng nhiều. “Dịch vụ can thiệp và giáo dục sớm trẻ khuyết tật khá đa dạng về hình thức hoạt động cũng như quy trình thực hiện. Có những cơ sở không cần xác định mức độ phát triển hiện tại của trẻ và cũng không xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, chỉ dạy trẻ theo kiểu “được chăng hay chớ”. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục không hiệu quả. Cũng có những cơ sở thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân nhưng mang tính hình thức vì chưa hiểu bản chất của nó. Hầu hết các cơ sở xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân không có sự tham gia của phụ huynh. Do đó sự tác động đối với trẻ thiếu sự phối hợp chặt chẽ, thiếu tính đồng bộ nên đã ảnh hưởng đến sự tiến bộ của trẻ khuyết tật”, bà Tâm nêu thực trạng.
Dịch vụ can thiệp và giáo dục trẻ khuyết tật mở ra khá tùy tiện, tăng nhanh về số lượng nhưng thiếu sự quản lý chặt chẽ, thống nhất của các ngành chức năng. Hiện vẫn chưa có cơ quan quản lý, giám sát về chuyên môn, chi phí cho các dịch vụ này. Hậu quả là nhiều gia đình mất rất nhiều tiền đưa con đến các cơ sở này với mong muốn con sẽ khá hơn nhưng rốt cuộc là bị mất tiền oan. Con cái họ hầu như không tiến bộ là mấy…
Trong khi đó ở các trường MN – nơi được quản lý, giám sát chặt chẽ thì lại ngại tiếp nhận học sinh khuyết tật học hòa nhập. Nhiều trường lấy lý do là “bệnh của cháu quá nặng” để từ chối nhận trẻ. Việc xác định mức độ nặng hay nhẹ này lại rất cảm tính, dựa trên kinh nghiệm của các trường. Và thế là con đường đến trường học hòa nhập của trẻ khuyết tật ngày càng xa…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trên 300 giáo viên MN tại Hà Nội, Bắc Kạn, Quảng Nam và TP.HCM thì hầu hết đội ngũ này chưa được bồi dưỡng kiến thức về giáo dục trẻ khuyết tật và kiến thức quản lý chuyên môn trong trường học có trẻ khuyết tật học hòa nhập. Mặc dù Trường CĐ SPTW, CĐ SPTW TP.HCM và nhiều trường sư phạm khác có tổ chức đào tạo giáo viên. Và thật đáng buồn khi gần như 100% giáo viên MN tại Hà Nội thực hiện giáo dục hòa nhập đều không được đào tạo chính quy…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)