Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo dục học sinh, không chỉ trên lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp phụ huynh và giáo viên ẩu đả, phụ huynh lên facebook chỉ trích nhà trường… làm xấu đi hình ảnh gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc chia sẻ trách nhiệm giáo dục học sinh. Vậy đâu là nguyên nhân và làm sao khắc phục tình trạng đó?

Gieo nhân nào, nhận quả nấy

Mới đây, ban giám hiệu một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Gò Vấp (TPHCM) đã một phen “thở dốc” trước những đòi hỏi vô lý của một phụ huynh. Số là từ khi khai giảng đến nay, con trai của phụ huynh này không thể dung nạp sữa và các loại nước uống trái cây theo thực đơn của nhà trường. Tuy nhiên, thay vì bình tĩnh cùng giáo viên tìm hiểu nguyên nhân, phụ huynh lại tỏ ra nóng vội, đổ hết trách nhiệm cho nhà trường. Sau khi phản ánh với hiệu trưởng nhưng tình hình vẫn không cải thiện, phụ huynh này đã yêu cầu ban giám hiệu cung cấp đầy đủ hồ sơ, những hợp đồng đặt mua sữa và các loại trái cây nhập vào trường. Chưa dừng ở đó, vị phụ huynh còn tự cho mình quyền của “thượng đế” khi nhiều lần tự ý vào bếp ăn của trường kiểm tra chất lượng chế biến thực phẩm. Sau cùng, sự việc chỉ được giải quyết khi bác sĩ tâm lý của trường vào cuộc, giúp học sinh kia nói ra lý do từ chối thức ăn của mình: “Con sợ đi học nên không ăn gì để mẹ cho nghỉ học ở nhà”. Hỏi ra mới biết do là năm đầu tiên làm quen với môi trường lớp học (bé năm nay đã 4 tuổi nhưng từ trước đến nay đều được bà nội chăm sóc ở nhà – PV) nên cậu bé bị khủng hoảng tâm lý, sáng nào đi học cũng khóc và thường xuyên không chịu ăn gì trên lớp, liên tục đòi mẹ đến đón về. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của giáo viên, trải qua 2 tuần sinh hoạt tập thể cùng bạn bè, cậu bé đã bước đầu giảm khóc, chịu uống một chút sữa và không đòi mẹ chở về như những ngày đầu đến lớp. Mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên, phụ huynh với ban giám hiệu cũng dần được cải thiện nhờ cách giải quyết khéo léo của nhà trường.   

Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mối quan hệ tình cảm thầy trò

Tuy nhiên, không phải mâu thuẫn nào giữa giáo viên và phụ huynh cũng được giải quyết êm đẹp như vậy. Bằng chứng là ngay trước thềm khai giảng năm học mới 2015-2016 đã xảy ra một vụ cãi vã dẫn đến ẩu đả giữa giáo viên và một nữ phụ huynh có con học tại trường tiểu học N.V.B (quận Thủ Đức). Những người chứng kiến vụ việc cho biết do 2 bên không tìm được tiếng nói chung trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh nên sau một hồi lời qua tiếng lại, vị phụ huynh kia đã không giữ được bình tĩnh, lao vào đánh giáo viên. Sự việc diễn ra ngay trong sân trường, trước sự chứng kiến của hàng trăm học sinh và phụ huynh đưa con đi học vào buổi sáng nên đã được những người xung quanh can thiệp, giáo viên chỉ bị thương nhẹ ở một bên mắt. Phụ huynh này sau khi bình tâm trở lại đã thừa nhận hành vi nóng nảy của mình và bày tỏ lời xin lỗi giáo viên. Trước đó, vào đầu năm 2015 cũng từng xảy ra một trường hợp giáo viên và phụ huynh đánh nhau ngay trên bục giảng, trước sự chứng kiến của hàng chục học sinh lớp 2 một trường tiểu học trên địa bàn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Hậu quả sau trận ẩu đả đó là cả phụ huynh lẫn giáo viên đều thâm tím mặt mày. Riêng giáo viên phải nhập viện để điều trị thương tích.      

Cẩn trọng với công nghệ

Quay lại chuyện “chiếc cà vạt xấu” và những hành xử nặng nề của mẹ một học sinh lớp 2 trên mạng xã hội, rõ ràng chính sự nóng nảy của người lớn ở cả hai phía – phụ huynh và nhà trường – đã gây nên hậu quả là sự ngơ ngác và oán giận người lớn (vì bị xáo trộn môi trường học tập, bị bạn bè thân thiết bàn tán, xa lánh) của một cậu bé chưa tròn 8 tuổi.

Tương tự, một trường hợp khác là N.T.T.L, học sinh lớp 6 một trường THCS quốc tế có cơ sở trú đóng trên địa bàn quận 7, cho biết em vừa làm một việc mà trước đây chưa từng nghĩ đến là unfriend (xóa bỏ thiết lập kết bạn – PV) tài khoản facebook của mẹ trên mạng xã hội, vì lo sợ một số status (lời nói mô tả trạng thái) của mẹ mình đến tai giáo viên chủ nhiệm. L. chia sẻ: “Những gì mẹ nói trên facebook đều không sai, nhưng em sợ cô giáo đọc được sẽ có ác cảm với em; mấy bạn trong lớp sẽ không chơi với em nữa”. Hành động của L. chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp học sinh có facebook nhưng không dám kết bạn với chính cha mẹ hoặc thầy cô đang dạy mình trên lớp. Ngoài ra trên nhiều diễn đàn xã hội, có hẳn các “hội chán cô giáo X.”, “hội tẩy chay trường Y.”, nhưng khi tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết thành viên trong đó đều giấu tên tuổi thật của mình vì sợ bị giáo viên ghét.

Qua đó cho thấy hành xử của phụ huynh đã và đang trở thành một trong những nhân tố quan trọng quyết định nhận thức và thái độ của học sinh trong mối quan hệ thầy trò. Nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay, phụ huynh và giáo viên có rất nhiều cách trao đổi thông tin như gửi mail, tin nhắn điện thoại, facebook… Do đó, nếu không làm chủ được hành xử của bản thân, đặc biệt là khả năng kiềm chế, thì việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại làm “vũ khí” sẽ trở thành “hại điện”, thiệt thòi sau cùng vẫn thuộc về học sinh.

Theo Minh Quân/ SGGP

 

 

Bình luận (0)