Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục học sinh qua những ca khúc, trò chơi đồng dao

Tạp Chí Giáo Dục

Nhảy dây - trò chơi được các em gái ưa thích.  Ảnh: T.LHiện nay, trong môi trường giáo dục nói chung và học đường nói riêng đã và đang xuất hiện nhiều hiện tượng thật đáng quan ngại. Nhiều phương pháp giáo dục được đề ra… Tuy nhiên, các trường học và cả nhiều gia đình đã quên bẵng đi một hình thức giáo dục đầy hiệu quả mà chúng ta có sẵn: đó là kho tàng đồng dao và trò chơi trẻ em.

Một kho tàng phong phú

Đồng dao bao gồm nhiều loại: các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em… Trò chơi cũng lắm, như trò chơi vận động, trò chơi học tập, trò chơi mô phỏng, trò chơi sáng tạo… Cả kho tàng phong phú ấy là phương tiện giáo dục đức, trí, thể, mỹ cho các em. Qua đó phát triển tâm lý, thể lực, trí tuệ trước mắt và nhân cách của các em trong tương lai.

Thật vậy, ông bà ta nhận thức rằng trong các hình thức giáo dục trẻ em thì giáo dục thông qua con đường tình cảm là hiệu quả nhất. Đầu tiên là tình mẹ con tràn trề thấm thía qua những bài hát ru: “Cục ta cục tác, con diều hâu hung ác, gà con ở đâu, về mau mẹ ủ, mẹ con đông đủ, chẳng sợ diều hâu”. Rồi đến tình cảm với những vật gần gũi như chú nghé thân thương: “Nghé ơ… theo ta; Nghé bông, nghé hoa; Như cà mới nở; Mẹ gọi tiếng trước; Cắt cổ chạy mau; Mẹ gọi tiếng sau; Chân lồng mà chạy” hay những “Con vỏi, con voi; Cái vòi đi trước; Hai chân trước đi trước; Hai chân sau đi sau; Còn cái đuôi đi sau rốt; Tôi xin kể nốt; Cái chuyện con voi; Con vỏi, con voi…”… Trong lời hát, những lời đồng dao diệu vợi trên như truyền cho các em sự cảm thông nồng ấm. Dần dần, rộng ra một chút, cho các em tiếp xúc với thiên nhiên rộng lớn bên ngoài. Rồi không ai không buồn cười, thú vị khi em bé đút hạt xôi vào miệng dế mèn hay kết những cánh hoa thành áo cho cào cào: “Cào cào giã gạo tao xem, tao may áo đỏ, áo xanh cho mày”.

Đồng dao: Giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan

Đặc biệt, những bài đồng dao chủ yếu do các em sáng tác và trình diễn lại tạo nên chất vui tươi, dí dỏm, trẻ trung, hồn nhiên rất trẻ thơ. Nó không những đem lại niềm vui trong trẻo cho các em mà còn mang lại những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, góp phần giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan cho chính các em. Xin hãy lắng nghe và tận hưởng cái thế giới đồng dao tuyệt diệu của các em: Nào là “thế giới” các loại quả mà các em đã từng gắn bó, gần gũi: “Dưới bụi có quả cà/ Bụi cao có quả nhót/ Tít trên đồi quả sim/ Nhiều gân là quả sổ/ Quả sung chát trĩu cây/ Chạy men cành quả khế/ Quả chuối chín vàng ươm/ Hai quả giống anh em/ Trám đen chua, cọ chát…/ Còn bao nhiêu loại quả/ Kể mà nghe cùng nhau”. Và đây lại là cảnh chơi cùng bướm – những con vật mà các em đã coi như những người bạn hiền hậu, thân thương: “Bướm xanh ơi! Về giăng dây/ Bướm đỏ ơi! Mau trẩy quân/ Hãy nghỉ chân san bạn niềm vui đã nào/ Nghỉ đỡ mệt rồi hãy trẩy quân bầy quân lũ/ Thôi! Bướm đẹp đã bay mất rồi/ Bay đi gọi bướm bố mẹ cùng về nhé…”. Lời đồng dao trong bài “Các loại quả”, là những lời thơ chú ý vào thuộc tính dễ nhận biết của các loại quả để các em dễ dàng phân biệt và nhận biết; Còn lời thơ ở bài “Chơi với bướm” lại đi vào tình cảm, các em và bướm như những người bạn tâm tình thân thiết. Con bướm bình dị nhưng thân thuộc với bao sắc màu của núi rừng, của thế giới trẻ thơ bay vào lời ca một cách nhẹ nhàng, tự nhiên với một sự giao hòa, tạo nên cảm xúc thẩm mỹ khó phai và một tình yêu thiên nhiên trong sáng. Vì thế, những bài đồng dao như trên là những lời ca được các em sáng tác nhiều nhất, những lời ca tạo nên những niềm vui trong trẻo, hồn nhiên trước hiện thực cuộc sống, như bài “Chơi trăng” chẳng hạn: “Tháng trăng trăng, tháng gọi gọi/ Chống gậy vào lỗ cua/ Hai con cua bện thừng/ Hai con ruồi ngủ trưa/ Hai con cáo ăn gà/ Hai con công tết đuôi/ Hai con hươu ăn cỏ/ Hai con ngựa sắm yên/ Hai ông quan về cưỡi/ Hai ông lý về thăm/ Lấy quả bưởi quả cam về đón/ Lấy khoai sắn đỏ về cho chị em ơi”. Có khi bài hát lại thể hiện mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, tạo nên những cảm xúc khó phai mờ trong ký ức tuổi thơ: “Gió, gió, gió về chạm cây sung xao động/ Gió, gió về chạm cây dâu da đổ xuống/ Gió về cho bản làng ta mát” (Gọi gió). Cuộc sống lao động chăn trâu, cắt cỏ cũng đã đi vào trò chơi đồng dao của các em như một bức tranh mộc mạc, khỏe khoắn. Đây là cảnh “Đuổi bắt chuột”- những con vật chuyên phá hoại mùa màng và gieo rắc bệnh tật cho con người: “Chuột chuột, chít chít/ Lúc mày đi mày trượt cỏ tranh/ Khi mày đến mày men lá lúa/ Sáng sớm ra men theo đường cái…/ Chuột không chạy chuột ngu/ Chuột dính bả chuột chết/ Chuột vào bản đuổi bắt/ Chuột phá ruộng đập chết” (đồng dao của trẻ em người Thái). Từ ngôn ngữ, nhịp điệu, thanh điệu… đều thể hiện thái độ của con người với loài vật có hại này, để rồi các em có ý thức hơn trong việc bảo vệ mùa màng. Còn đây lại là cảnh hai con trâu chọi nhau, với những tiếng reo hò hồn nhiên đầy kịch tính: “… Hú hú/ Hò hò/… Trâu không chọi trâu dại/ Hai con trâu mộng chọi nhau đôm đốp/ Trán mày sứt tao thuốc thang cho/ U mày sưng tao đem về chữa/ Con nào thua cắt sỏ bỏ nồi/ Con nào được vào rừng hổ bắt” (Chọi trâu).

Đồng dao: Giúp trẻ thông minh hơn

Qua các bài đồng dao trên ta thấy trẻ em không chỉ là người sáng tác mà còn trực tiếp diễn xướng một cách thông minh, sáng tạo. Đồng thời các em còn vận dụng một cách nhuần nhụy các yếu tố thần kỳ, ngụ ngôn, trào phúng… Tất cả tạo nên một bức tranh sống động vừa có tác dụng giáo dục thẩm mỹ vừa giúp các em nhận thức sâu hơn về hiện thực xã hội phong phú. Ngoài những khúc đồng dao của các em kể trên còn có những khúc đồng dao cho các em- những lời ca cung cấp cho các em những kiến thức sơ đẳng nhất về sự vật, sự việc (những kiến thức cả về tự nhiên và xã hội), kích thích tính hiếu động, trí tò mò của các em như câu đồng dao “Con trâu cày xiên, cái liềm gặt lúa”, hay “No lòng phỉ dạ là con cá cơm, không ướp mà thơm là con cá ngát, liệng bay thấm thoát là con cá chim”; hoặc “Ai cày ruộng nuôi trâu, ai trồng dâu nuôi tằm, ai hay nằm nhịn đói”… Nhiều khi qua đồng dao và trò chơi đồng dao, các em dù chưa đến tuổi đi học mà vẫn có thể học văn hóa cơ bản qua những trò chơi này như học cộng trừ từ “chuyền một” đến “chuyền mười”, từ “năm lên sáu” hay “bốn lên bảy”, từ “đánh ô ăn quan” hay nhiều trò chơi khác nữa. Những trò chơi đó dạy trẻ em tính nhẩm về chia, trừ, quan sát chiều ngược, chiều xuôi để động não một cách tự lực chỉ có bạn mà không có thầy. Thật là một cách giáo dục có ý nghĩa.

Kho tàng đồng dao và trò chơi đồng dao của trẻ em quả thật là những hình thức giáo dục thiếu nhi, nhi đồng có hiệu quả. Tiếc rằng, hiện nay, những hình thức giáo dục qua đồng dao và trò chơi đồng dao đang dần mai một đi. Chính vì thế, chúng tôi viết bài viết này với mong muốn rằng, trong các trường học của chúng ta không chỉ có giảng dạy đồng dao trên lí thuyết mà cần đưa đồng dao và trò chơi đồng dao vào cuộc sống học tập, vui chơi, sinh hoạt của các em, cho các em để đồng dao và trò chơi đồng dao sẽ mãi trở thành những chất keo nối kết những tình bạn trong sáng, ngây thơ giữa lũ trẻ với nhau mà ta khó tìm thấy trong những trò chơi hiện đại ngày nay. Tin rằng, một ngày không xa nữa, những bài hát đồng dao của trẻ em lại vang lên cùng những trò chơi ngộ nghĩnh của trẻ thơ sẽ làm ấm lòng người lớn.

Nguyễn Thị Ý (Thành phố Huế)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)