Theo tôi, giáo dục đạo đức học sinh và nhất là giáo dục học sinh sống có trách nhiệm cần phải kiên trì, không thể ngày một ngày hai là đạt được kết quả như mong muốn. Dù giáo dục bằng cách nào thì cũng đòi hỏi nhà trường và người thầy không nản chí, đặt niềm tin vào học sinh. Giáo dục tinh thần sống có trách nhiệm cho học sinh không chỉ trên bục giảng hay ở sân trường mà qua nhiều kênh tác động. Cụ thể, giáo dục mang tính tập thể thì có các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần thông qua những câu chuyện kể về gương người tốt việc tốt; đội ngũ giám thị thì giáo dục trực tiếp học sinh, với các trường hợp vi phạm nội quy. Những em nào chậm tiến chưa ngoan thì nhà trường kịp thời thông tin cho gia đình, cha mẹ thông qua giáo viên chủ nhiệm; nếu nghiêm trọng như trốn học hay vi phạm nhiều lần thì mời phụ huynh lên làm việc (có thể nhắc nhở nếu vi phạm ở mức độ bình thường). Cách xử phạt phải phân minh, công bằng. Quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu được nguyên nhân vì đâu mà các em vi phạm nội quy, bởi có khi ngoài lý do chủ quan còn có yếu tố khách quan; có em bản chất tốt nhưng do tác động của môi trường sống hay hoàn cảnh đặc biệt từ gia đình…
Trường THPT Trường Chinh nằm trong vùng đô thị hóa nên có những biến động về môi trường sống (học sinh học ở trường đến từ nhiều vùng miền khác nhau). Do thay đổi về môi trường sống khiến học sinh thay đổi về tâm sinh lý, nếu không có định hướng, thiếu sự quan tâm từ phía nhà trường thì các em dễ bị lệch hướng. Ở trường chúng tôi, ngoài 5 giám thị theo dõi hoạt động chung, nhà trường còn thành lập nhóm tư vấn do 2 tổ trưởng bộ môn giáo dục công dân và sinh học phụ trách. Đây chính là sự kết nối giữa học sinh với giáo viên qua việc cập nhật thông tin, tìm hiểu từng đối tượng qua email, facebook cá nhân. Tất cả đều giúp cho việc giáo dục đạo đức học sinh ngày càng có hiệu quả hơn.
Cao Thọ Phú
(Phó Hiệu trưởng Trường THPT
Trường Chinh, TP.HCM)
Bình luận (0)