Việc học của học sinh phải theo sự gợi dẫn của thầy cô chứ không nên áp đặt, nhồi nhét. Ảnh: N.Anh
|
Nếu thoáng nghe qua, có lẽ mọi người cho rằng sao lại ngược đời thế? Giáo dục cho học sinh phát triển tốt hơn chứ sao lại trở thành chính mình?
Thật ra, câu kết luận này không phải là của tôi tự đặt ra mà là của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nêu lên trong một chương trình “Chính sách đối thoại” của Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV3). Và, để có được câu kết luận, Giáo sư Đại cũng đã thử rất nhiều, trải qua rất nhiều phương pháp để tìm ra chân lý đích thực cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đưa ra mục tiêu “Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, Giáo sư Đại đã minh chứng rằng: Việc đổi mới căn bản, toàn diện không có nghĩa là thay đổi bản chất của nó, không có nghĩa là nhồi nhét, ép buộc học sinh phải tiếp nhận nó! Trồng cây cam thì sẽ thu hoạch được quả cam, trồng cây bưởi sẽ thu hoạch được bưởi chứ không phải thu hoạch được một loại trái khác. Và, giáo dục cũng thế! Hiện nay, tâm lý phụ huynh học sinh cũng đang đi theo con đường mòn là “Thay đổi bản chất ngay trong con người của con mình!”. Điều đó có thể gây nên tác động ngược, phản giáo dục. Phải để cho các em phát triển một cách tự nhiên, bình thường nhất, phù hợp với từng cá nhân của các em, để các em trở thành chính các em. Giáo dục như vậy mới thật sự đúng nghĩa, mới tạo ra con người chuẩn, con người thật cho xã hội, không phải là con người lai tạo.
Một việc nữa mà Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị những phương án để thay đổi sách giáo khoa sau năm 2015. Việc thay đổi này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh gây tốn kém về kinh phí và sức lực mà hiệu quả lại không cao. Giáo sư Hồ Ngọc Đại dẫn chứng: “Thưa các em, thầy thay đổi việc này các em xem có được không? Các em học có hứng thú không?”. Không phải muốn thay đổi là thay đổi mà không cần biết đến nhu cầu thích ứng của học sinh khi tiếp nhận. Điều này rất nguy hiểm. Vì đây chính là mục tiêu, là đối tượng để giáo dục và là tương lai của đất nước. Phải để các em tự phát triển theo sự gợi dẫn của thầy cô, không áp đặt, không nhồi nhét để làm thay đổi bản chất của con người các em.
Như vậy, giáo dục cho học sinh là một việc làm thật sự nghiêm túc và phải hướng đến mục tiêu chính để các em phát triển và trở thành chính các em, trở thành những con người phát triển đúng với khả năng của mình.
Trần Duy Minh
(Trường Quốc tế Việt Úc)
Bình luận (0)